01:08, 24/08/2018

Nhu cầu tự thân

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Khánh Hòa, nhiều đại biểu đặt vấn đề: phấn đấu đạt chuẩn như thế nào?

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tại Khánh Hòa, nhiều đại biểu đặt vấn đề: phấn đấu đạt chuẩn như thế nào?


Có ý kiến e ngại, việc đặt chỉ tiêu trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia có khiến việc đạt chuẩn vướng “màu” thành tích? Trường xây quy mô, trang thiết bị đầy đủ, giáo viên chuẩn, trên chuẩn, nhưng liệu đã đủ thu hút học sinh vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu đến trường; hoặc có làm tăng tình trạng “chạy” hộ khẩu để con được học trường chuẩn ở thành thị? Có người lại nói, đừng bàn luận nên hay không nên, quan trọng làm thế nào duy trì được trường chuẩn.


Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã triển khai nhiều kế hoạch, phong trào mà mục tiêu cuối cùng đều nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học. 20 năm qua, kể từ khi thực hiện xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, toàn quốc đã có 9.125 trường chuẩn; riêng 3 tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh có 100% trường tiểu học chuẩn quốc gia. Con số này có thể chưa làm hài lòng những người ưa hoài nghi, bởi số lượng chưa chắc nói lên chất lượng. Nhưng, như vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc chia sẻ, đến nay, tỉnh này mới đạt 50,59% tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Giai đoạn 2017-2020, cho dù tỉnh phấn đấu đạt 63% thì tỷ lệ này vẫn khá thấp so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, tỉnh không vì thế mà đặt chỉ tiêu cao, khiến các huyện lao vào cuộc đua thành tích. Ông không quên câu hỏi của một vị phụ huynh hồi mới triển khai xây dựng nội dung này: Đạt chuẩn quốc gia để làm gì? Đạt chuẩn xong có gì khác? Câu hỏi đã nhắm trúng mấu chốt vấn đề và đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và lãnh đạo tỉnh. Đó là phải quan tâm đến hiệu quả giáo dục. Thực tế khẳng định, so với những trường chưa đạt chuẩn, ở những trường đạt chuẩn của tỉnh, số lượng học sinh giỏi nhiều hơn, giáo viên đạt chuẩn nhiều hơn, thiết bị dạy học tốt hơn, tỷ lệ học sinh bỏ học ít hơn... Rõ ràng, việc xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đã mở ra trang mới trong lịch sử phát triển trường tiểu học trên cả nước.


Kể lại chuyện cách đây gần 20 năm, khi về thăm một trường học, thấy một số giáo viên lên lớp phải đeo bảng tên ghi “giáo viên chưa đạt chuẩn”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: treo tấm biển chuẩn hay chưa chuẩn không giải quyết được vấn đề; muốn thực hiện kỳ vọng của xã hội, cần xây dựng trường chuẩn một cách thực chất, sao cho tất cả đồng lòng mong muốn thực hiện. Trường chuẩn, hiểu nôm na là phải chuẩn từ bác bảo vệ, chị lao công, đến giáo viên... Muốn vậy, mỗi trường phải chủ động xây dựng đề án, tham mưu lộ trình đạt chuẩn từng mức độ cho cấp trên. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư duy trì, phát huy giá trị các trường đã đạt chuẩn, tránh hiện tượng sau một thời gian, trường đạt chuẩn lại không bằng trường chưa đạt chuẩn ở nơi khác, trở thành bệnh thành tích, làm mất đi ý nghĩa chủ trương hay của Đảng và Nhà nước. Xây dựng trường chuẩn không đơn giản là đạt một danh hiệu, mà phải là nhu cầu tự thân để tạo nên chất lượng dạy và học.


TAM THUẬT