06:12, 01/12/2015

Cam Lâm: Thêm 2 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vừa có thêm 2 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới là Cam Hiệp Nam và Cam Tân.

Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vừa có thêm 2 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM) là Cam Hiệp Nam và Cam Tân.


Cam Hiệp Nam: Phát triển ngành nghề nông thôn


Tuy đã đạt 16/19 tiêu chí NTM từ năm 2014 nhưng do là xã thuần nông nên Cam Hiệp Nam gặp nhiều khó khăn để đạt 3 tiêu chí còn lại là giao thông, nhà ở dân cư và thu nhập. Với quyết tâm đạt chuẩn NTM vào năm 2015, địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp ngày công, kinh phí để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn. Đồng thời, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ngành nghề nông thôn... để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

 

Một góc Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Cam Hiệp Nam
Một góc Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Cam Hiệp Nam


Ông Đỗ Minh Thạnh - Chủ tịch UBND xã cho biết, trong tổng kinh phí gần 11,5 tỷ đồng thi công đường giao thông năm 2015, xã huy động người dân đóng góp 100.000 đồng/hộ/năm, cùng diện tích đất hiến, hoa màu, vật kiến trúc và hàng ngàn công lao động trị giá hơn 1,1 tỷ đồng. Nhờ đó, 7 tuyến đường trục thôn, đường ngõ xóm, đường nội đồng đã nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ yêu cầu. Để xóa 18 nhà tạm, dột nát, xã đã vận động Tập đoàn Miên Viễn Vingroup hỗ trợ 720 triệu đồng (40 triệu đồng/căn). Nhờ đó, tỷ lệ nhà đạt chuẩn ở xã đạt 98,2%, vượt 18,2% so với quy định.


Xã cũng vận động nhân dân chuyển đổi giống mía mới, cải tạo vườn tạp để trồng xoài Úc, mít nghệ, dừa xiêm; chỉnh trang nội đồng; mở nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn người. Đặc biệt, mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn đã hỗ trợ hàng trăm hộ cùng nhiều ngành nghề với số tiền gần 3,6 tỷ đồng. Hiện nay, tổ liên kết đan lát mây tre Hiệp Tiến có hơn 1.000 người, thu nhập bình quân hơn 1 triệu đồng/người/tháng; tổ liên kết nấm rơm Vĩnh Thái thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; tổ hợp tác sản xuất kinh doanh Hiệp Thành đã hợp đồng tiêu thụ hơn 15.000 tấn mía với nhà máy đường, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm; tổ may công nghiệp Bình Sơn cho thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng... Hiện nay, xã chỉ còn 66 hộ nghèo, chiếm 4,03%. So với đầu năm, thu nhập bình quân đầu người của xã đã tăng từ 19 triệu đồng lên 24,78 triệu đồng/năm.


Cam Tân: Áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất


Xã Cam Tân đã đạt 15/19 tiêu chí NTM từ năm 2014 và quyết tâm hoàn thành 4 tiêu chí còn lại gồm: giao thông, nhà ở dân cư, thu nhập và trường học trong năm 2015.

 

Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm: Cam Tân và Cam Hiệp Nam là 2 xã nông nghiệp nên tiêu chí thu nhập khó đạt nhất. Nhưng bằng cách khuyến khích phát triển các tổ liên kết sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh ngành nghề nông thôn, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật..., 2 xã đã hoàn thành mục tiêu. Tại cuộc họp thẩm định các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2015 vừa qua, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM đã thống nhất đánh giá Cam Hiệp Nam và Cam Tân đạt 19 tiêu chí. Đây cũng là động lực để huyện phấn đấu có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2016.

Ông Võ Ngọc Trung - Chủ tịch UBND xã Cam Tân cho biết, để phục vụ thi công các công trình giao thông, xã đã vận động nhân dân hiến đất, công trình kiến trúc và cây xanh trị giá gần 850 triệu đồng. Đến giữa năm 2015, xã đã giao mốc 6 tuyến đường với tổng mức đầu tư hơn 6,8 tỷ đồng; chưa kể các công trình do Ban Quản lý huyện làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 916 triệu đồng. Để xóa 7 nhà tạm, nhà dột nát, xã tiếp tục đầu tư từ Quỹ Vì người nghèo của huyện, nguồn vốn xã hội hóa do cấp trên và địa phương vận động với tổng kinh phí 260 triệu đồng, cùng nhân dân đối ứng 94 triệu đồng để xây mới 7 căn nhà. Ngoài ra, UBMTTQ Việt Nam xã hỗ trợ 12,5 triệu đồng sửa chữa nhà cho 2 hộ nghèo. Đến cuối tháng 9, địa phương đã hết nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 90%.


Để tăng thu nhập bình quân, địa phương tiếp tục đầu tư phát triển các ngành thế mạnh, áp dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, giới thiệu việc làm, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào địa phương. Hiện nay, tổ liên kết máy cày Gia Long thu nhập hàng năm gần 630 triệu đồng/tổ, hơn 78 triệu đồng/người. Tổ liên kết nuôi gà sạch Hùng Nguyện thu nhập hàng năm khoảng 270 triệu đồng/tổ, 54 triệu đồng/người. Xã đã chuyển đổi được gần 150ha mía, 60ha mì giống cũ sang giống mới. Do áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất, sản lượng cây trồng hàng năm tăng rõ rệt: cây mía tăng từ 30 đến 40 tấn/ha lên hơn 60 tấn/ha; cây mì tăng từ 20 tấn tươi/ha lên 25 tấn tươi/ha; lúa từ 5 tấn/ha tăng lên 7 tấn/ha. Nhờ đó, toàn xã chỉ còn 51 hộ nghèo, chiếm 2,4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,33 triệu đồng/năm.


TIỂU MAI