11:07, 02/07/2020

Gỡ khó cho… gói gỡ khó

Sáng 2-7, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, sau khi nghe ý kiến của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hạ các tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận với gói tín dụng 16.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động.

Sáng 2-7, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, sau khi nghe ý kiến của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hạ các tiêu chí để doanh nghiệp (DN) tiếp cận với gói tín dụng 16.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động. Như vậy, sau hơn 2 tháng triển khai với nhiều bất cập, đường đến với gói hỗ trợ này đối với các DN đã được nới rộng hơn, mang lại cho họ nhiều hy vọng hơn.



Để triển khai một chủ trương liên quan đến gói tiền hỗ trợ lớn như vậy, dĩ nhiên cần phải có sự chặt chẽ để tiền được chi đúng nơi, đúng đối tượng, tránh hỗ trợ tràn lan, trục lợi chính sách. Nhưng rõ ràng khi đi vào thực tế, có những tiêu chí quá cao khiến DN không thể với tới được. Điều này dẫn tới bên cho vay thì đã sẵn sàng, nhưng bên được vay lại ngại ngần không muốn vay. Nhiều DN cho rằng, Quyết định 15 của Chính phủ là chủ trương tốt, giúp họ có thêm nguồn lực để giữ nhân viên khi khởi động trở lại. Song thực tế để tiếp cận được gói này, vẫn còn nhiều quy định về điều kiện, thủ tục phức tạp, rườm rà. Đơn cử như việc DN phải chứng minh khó khăn về tài chính, các chứng chỉ hành nghề, giấy phép đầu tư... Đặc biệt là quy định để được vay vốn lãi suất 0% phải có từ 20% người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên. Quy định này rõ ràng làm khó DN, bởi giữa lúc khó khăn, DN vẫn gồng mình giữ chân người lao động, không lẽ để vay được khoản này, họ buộc phải sa thải nhân viên? Chưa kể có những DN nhỏ đến mức muốn lập hồ sơ vay cũng còn rất lúng túng, chưa biết làm thế nào.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Sau hơn 2 tháng triển khai, việc không có DN nào vay gói hỗ trợ này đã cho thấy nhiều bất cập, cần gỡ khó. Tuy nhiên, những vướng mắc này đã được Thủ tướng tháo gỡ ngay trong cuộc họp ngày 2-7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất Chính phủ cho DN vay gói này đến hết tháng 12 năm nay thay vì hạn cuối là ngày 31-7. Đây là tin vui đối với các DN, bởi con đường tiếp cận với nguồn hỗ trợ đã sáng sủa hơn, bởi những “giấy phép con” trong chính sách đã được lược bớt, những cái khó trong 2 tháng qua cuối cùng cũng đã được gỡ.


Thực tế cho thấy, quan trọng vẫn là cách thức triển khai. Chính sách hỗ trợ phải có sự khảo sát, tính toán để làm sao DN với tới được, chứ nếu đưa ra mà kèm theo rất nhiều tiêu chí, điều kiện quá ngặt nghèo, thì DN sẽ có cảm giác như bị “đánh đố” và do đó, niềm tin của DN vào những chính sách hỗ trợ sẽ phần nào giảm sút.


HẢI NGUYỆT