01:08, 11/08/2021

Chính phủ khóa XV họp phiên toàn thể đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV

Sáng 11-8, Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức phiên họp đầu tiên để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Sáng 11-8, Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức phiên họp đầu tiên để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo phiên họp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự. Phiên họp được kết nối trực tuyến với các địa phương trong cả nước. Cùng chủ trì phiên họp với Thủ tướng Chính phủ tại điểm cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự phiên họp tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tại điểm cầu Khánh Hòa, các ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã đến dự phiên họp.

 
 

<p style=

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới dự Phiên họp - Ảnh: VGP

 

Quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ

 

Chính phủ khóa XV nhận nhiệm vụ trong bối cảnh thế giới và trong nước có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt là tình hình dịch Covid-19 với biến chủng Delta đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên thế giới và ở Việt Nam, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau thành công rất tốt đẹp của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Các sự kiện trên cho thấy, Đại hội Đảng đề ra chủ trương, đường lối chính sách, Quốc hội thể chế hóa, Chính phủ cụ thể hóa bằng chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, phiên họp có tính chất quan trọng, nhằm thống nhất những vấn đề then chốt, quan trọng nhất thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, dành sự tâm huyết, thể hiện trách nhiệm và đóng góp cho sự thành công của phiên họp. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

 

Ông  Nguyễn Hải Ninh- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo UBND tỉnh

Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo UBND tỉnh tham dự phiên họp tại điểm cầu Khánh Hòa.

 

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7%/năm

 

Ngay sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo tóm tắt về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

 

Theo đó, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 là: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; kiên quyết không để xảy ra khủng hoảng y tế và khủng hoảng kinh tế - xã hội. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân.

 

Đồng thời, từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Từ mục tiêu tổng quát, Chính phủ xác định các mục tiêu cụ thể trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 gồm 23 chỉ tiêu; trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7%/năm; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỉ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

 

Thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội

 

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, chính quyền các địa phương tập trung ưu tiên thực hiện xử lý dứt điểm các điểm nghẽn, vướng mắc tồn tại để phát triển đất nước nhanh, bền vững hơn nữa; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục hiệu quả nền kinh tế trước những tác động của đại dịch Covid-19; tiếp tục xây dựng, thực hiện các chính sách quản lý, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang tính hiện đại, hội nhập quốc tế; các thành phần kinh tế hoạt động bình đẳng theo pháp luật, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

 

Đặc biệt, Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ thực hiện các chính sách tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế với phương châm “mỗi chính sách kinh tế đều hướng đến mục tiêu phát triển xã hội - mỗi chính sách xã hội đều nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế”; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công, người có hoàn cảnh khó khăn… Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kịp thời phát hiện, chủ động xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra các điểm nóng; kịp thời đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy. Xây dựng, tổ chức bộ máy và cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ chuyên môn vững vàng; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào quá trình hoạt động, công tác…

 

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, công tác phòng chống dịch Covid-19 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm.

 

X.T