11:09, 18/09/2018

Vịnh Nha Trang nhộn nhịp bè

Hơn 2 năm trước, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các bè nổi không được tổ chức dịch vụ ăn uống trên vịnh Nha Trang vì không đảm bảo an toàn. Tuy vậy, đến nay, nhiều bè vẫn hoạt động, khách ra vào tấp nập, trong khi đó các nhà hàng nổi lại không có khách. 
 

Hơn 2 năm trước, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các bè nổi không được tổ chức dịch vụ ăn uống trên vịnh Nha Trang vì không đảm bảo an toàn. Tuy vậy, đến nay, nhiều bè vẫn hoạt động, khách ra vào tấp nập, trong khi đó các nhà hàng nổi lại không có khách. 
 
 
Khách lên bè chọn hải sản tươi sống.

Khách lên bè chọn hải sản tươi sống.

 

Bè nổi… nhộn nhịp 
 
 
Một ngày cuối tuần giữa tháng 9, chúng tôi bắt đò dân sinh đi đảo Trí Nguyên, sau đó nhờ một ngư dân đi thuyền thúng dạo quanh 1 vòng khu vực bè nổi phục vụ ăn uống xung quanh đảo. 
 
 
Vừa đến khu vực Làng Chài, phía đông của đảo Trí Nguyên, chúng tôi đã nghe những lời chào mời lên bè để ăn uống. Người dân địa phương cho biết, sau cơn bão số 12 năm 2017, đảo Trí Nguyên là nơi tập trung đông nhất các nhà hàng trên bè. Các bè làm dịch vụ ăn uống ngoài phần nhà hàng nổi rộng từ 400 - 500m2, còn có bè nuôi hải sản xung quanh rộng đến hàng trăm mét vuông, được gắn kết ở xung quanh để lưu nuôi hải sản phục vụ khách.
 
 
Những ngày cuối tuần các bè nổi rất đông khách ăn uống.

Những ngày cuối tuần các bè nổi rất đông khách ăn uống.

 
 
Ông Toản - chủ một bè cho biết, trước đây các hộ làm lồng bè để nuôi trồng thủy sản. Sau đó, từ nhu cầu của du khách muốn được tận hưởng cảm giác  bắt hải sản đang nuôi và thưởng thức ngay trên bè nổi nên dần dần hình thành dịch vụ ăn uống. Gia đình ông là hộ đầu tiên làm bè phục vụ du khách tại khu vực đảo Trí Nguyên. Các bè được làm bằng thùng phi nhựa, gỗ, tôn. Trên các bè đều có bếp nấu, bàn ghế, võng, nhà vệ sinh, điện, nước để phục vụ khách. “Trên bè mát mẻ, hải sản tươi sống đang được nuôi, sạch sẽ hơn các nhà hàng ven đảo nên du khách rất thích. Bản thân tôi thấy bè cũng an toàn vì trên bè có bình cứu hỏa, phao cứu sinh...”, ông Toản khẳng định.
 
 
Tại khu vực Làng Chài có đến gần chục bè du lịch, cùng với các lồng bè nuôi trồng thủy sản xen lẫn nhau, xếp san sát trên mặt biển như một khu phố nổi. Đến gần trưa, từng đoàn ca-nô cao tốc, tàu du lịch tấp nập đưa khách từ các điểm tham quan trên vịnh lên các bè nổi để ăn uống. Đoàn ít thì 5 - 7 khách, có những đoàn lên đến 40 - 50 khách. Cả vùng biển trở nên tấp nập, đông vui. Du khách nào cũng hào hứng khi được tận tay bắt cá, tôm hùm, mực… ngay trên những bè dập dềnh. 
 
 
Nhà hàng nổi… ế khách
 
 
Bên cạnh những bè nổi cũ kỹ còn có những nhà hàng nổi mới bằng composite. Những nhà hàng này có cả nhà vệ sinh, nhà bếp, bàn ghế, mái che, tất cả được sơn màu sặc sỡ bắt mắt. Các nhà hàng nổi này được kết nối với lồng bè cũ nhưng khung cảnh lại hoàn toàn khác nhau. Nếu như bên bè cũ đông vui, nhộn nhịp thì bên nhà hàng nổi lại không có một khách nào. 
 
 
Các nhà hàng nổi vắng khách.

Các nhà hàng nổi vắng khách.

 
 
“Sau khi các bè nổi cũ bị tỉnh, thành phố yêu cầu ngừng hoạt động, chúng tôi đã đầu tư các nhà hàng nổi để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Mua thì để đối phó vậy thôi chứ cũng không hoạt động được”, một chủ bè cho biết. Hiện nay, tại vùng biển xung quanh đảo Trí Nguyên có ít nhất 5 nhà hàng nổi bằng composite và hầu hết đều không có khách. Ông Trần Quang Thuần - chủ bè Ty Mập cho biết, sau khi có thông báo cấm hoạt động lồng bè cũ, chủ bè đã liên hệ với Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (thuộc Trường Đại học Nha Trang) để đóng nhà hàng nổi bằng composite với kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Nhà hàng diện tích 136m2, đủ chỗ cho 100 khách ngồi và không gian cho nhân viên phục vụ. Bè được lắp đặt các trang thiết bị an toàn: cứu hỏa, cứu sinh, thông hơi, điện và báo hiệu… đáp ứng tiêu chuẩn an toàn theo quy định của Đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng thì lại bị sóng đánh rung, lắc, không thể ăn uống được. “Nhà hàng nổi là một khối lớn nên khi bị sóng đánh rất rung lắc, khách bị say sóng, chóng mặt nên từ chối ngồi, còn bè làm bằng phi và cây gỗ thì nhiều khối nhỏ nên khi gặp sóng sẽ dập dềnh, ít bị rung lắc hơn. Vì thế, hầu hết khách, đặc biệt là khách Việt đều thích ngồi bè nổi cũ”, ông Thuần lý giải. 
 
 
Không chỉ vậy, các nhà hàng nổi bằng composite mặc dù đủ tiêu chuẩn đăng kiểm nhưng các hộ kinh doanh vẫn chưa xin được giấy phép hoạt động. Ông Ly - quản lý bè Xuân Trúc cho biết, nhà hàng nổi đã hạ thủy từ 5 - 6 tháng trước nhưng không xin được giấy phép hoạt động. Bỏ ra hàng tỷ đồng, nhiều hộ bây giờ lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì không thể hoạt động và cũng không thể sang nhượng được cho ai. 
 
 
Hoạt động trái phép vì chưa có quy hoạch
 
 
Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, hiện nay, trong vịnh Nha Trang có tất cả 9 bè kết hợp kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, ở Bãi Tranh có 1 bè, Vũng Ngán 1 bè, còn lại tập trung ở khu vực Làng Chài -  đảo Trí Nguyên. Lúc cao điểm lên đến 14 cơ sở và chưa xảy ra vụ việc mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng của du khách. Khi xảy ra vụ chìm nhà hàng nổi ở vịnh Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận làm hơn 100 người rớt xuống biển, tháng 6-2016, UBND tỉnh đã có thông báo yêu cầu đình chỉ hoạt động đối với các bè nổi vui chơi, giải trí, phục vụ ăn uống đang hoạt động do không có quy chuẩn về điều kiện kỹ thuật, môi trường của cơ quan có thẩm quyền. UBND TP. Nha Trang cũng có thông báo đình chỉ hoạt động của bè nổi phục vụ khách du lịch từ ngày 10-9-2016. Tổ chức, cá nhân nào cố tình tiếp tục hoạt động kinh doanh bằng bè nổi sau khi nhận thông báo này sẽ bị xử lý theo quy định. Đến nay, một số bè bị bão đánh hư đã tự giải tán, không khôi phục lại. Những bè còn lại đã tự khôi phục và vẫn hoạt động rầm rộ. 
 
 
Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết, do đã bị đình chỉ nên các cơ sở này đều hoạt động trái phép. Cơ quan chức năng đã thường xuyên kiểm tra nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hiện nay chưa có quy hoạch cụ thể đối với loại hình kinh doanh nhà hàng nổi nên không có cơ sở để cấp phép. Tất cả bè kinh doanh hiện nay của bà con đều làm tự phát, kể cả đóng bè bằng vật liệu composite. Hiện nay mùa mưa bão đã đến gần, các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn cho du khách, tiến tới xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. “Vì lực lượng chức năng vừa xuất phát trong bờ thì ngoài các bè đã thông tin cho nhau biết và không đón khách. Khi lực lượng chức năng vừa đi khỏi thì lập tức các ca nô đưa khách vào các bè để ăn, uống. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý”, ông Thái nói.
 
 
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cũng cho biết, chủ trương đình chỉ hoạt động kinh doanh các bè kinh doanh ăn uống là đúng đắn và vừa qua các địa phương đã thực hiện rất quyết liệt. Tuy nhiên, tình hình tái phát hoạt động tại vịnh Nha Trang dẫn đến nguy cơ mất an toàn rất cao. Những diễn biến này sở đã báo cáo với UBND tỉnh tại cuộc họp thường kỳ đầu tháng 9 vừa qua, đồng thời đề nghị TP. Nha Trang tăng cường kiểm tra, xử lý để đảm bảo an toàn.
 
 
Lưu Khánh