12:09, 01/09/2018

Một vùng quê giàu truyền thống cách mạng

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi tìm về vùng đất  Tứ thôn Đại Điền (thuộc 2 xã Diên Điền và Diên Sơn) nổi tiếng với nhiều gia đình kiên trung với cách mạng. Mỗi bước đi như chạm vào lịch sử, tên đất tên người đã được lưu danh…

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi tìm về vùng đất  Tứ thôn Đại Điền (thuộc 2 xã Diên Điền và Diên Sơn) nổi tiếng với nhiều gia đình kiên trung với cách mạng. Mỗi bước đi như chạm vào lịch sử, tên đất tên người đã được lưu danh…


Một lòng kiên trung với cách mạng


Chúng tôi ghé thăm nhà ông Lê Văn Thành (98 tuổi, ở thôn Nam 2, xã Diên Sơn), người được xem như pho sử sống của vùng này. Trong trí nhớ của ông Thành, vùng đất này xưa kia vốn nghèo khổ, nhưng giàu lòng yêu nước. Trong phong trào Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân làng vùng Tứ thôn Đại Điền đã tập hợp tại đình khua chiêng, đánh trống kéo đến dinh Tuần vũ ở thành Diên Khánh hỗ trợ Việt Minh cướp chính quyền. Sau đó, nhiều gia đình đã nối tiếp nhau đi theo cách mạng, bất chấp gian khổ hy sinh. Không nói đâu xa, gia đình ông Thành là một câu chuyện dài về tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bản thân ông là chiến sĩ 23-10, thương binh hạng 2/4. Đặc biệt hơn, gia đình ông có 4 liệt sĩ, 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (mẹ và vợ ông Thành).

 

Gia đình ông Lê Văn Thành một lòng theo Bác Hồ.

Gia đình ông Lê Văn Thành một lòng theo Bác Hồ.


Qua lời kể của ông Thành, chúng tôi mới biết ông Lê Trọng (sinh năm 1922, em trai ông Thành) là cán bộ tiền khởi nghĩa, bị địch bắt và thủ tiêu tại đồn Đại Điền Đông năm 1947. “Em trai tôi cùng 2 người khác bị địch giết và chôn chung 1 huyệt. Sau này, gia đình tìm thấy xác của 3 người và tổ chức chôn cất cùng một nơi”, ông Thành kể. Tiếp đó, năm 1954, một người em trai khác của ông Thành là ông Lê Khinh (sinh năm 1924, trung đội trưởng của công an huyện) bị địch phục kích và bắn chết đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Năm 1966, sau phong trào Đồng khởi, 2 người con trai lớn của ông Thành là Lê Mãi (sinh năm 1948) và Lê Minh Sáu (sinh năm 1950) thoát ly lên núi tham gia cách mạng. Vài năm sau, người con trai thứ 3 cũng theo chân các anh thoát ly.


Vì còn mẹ già nên ông Thành phải ở lại để phụng dưỡng, âm thầm tiếp tế cho cách mạng, nhiều lần bị địch bắt bớ, tra khảo. Sau khi mẹ qua đời, năm 1973, ông Thành cùng người con trai út đã quyết định bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn và mang theo tài sản hiện có của gia đình lên núi. “Địch khủng bố quá, đến tối 10-6-1973, chúng tôi đành phải ra đi vào đêm không trăng khi chỉ còn 4 ngày nữa là đến ngày mãn tang mẹ. Tôi dặn dò anh chị em, họ hàng thay tôi làm đám giỗ cho mẹ và quyết định bỏ lại mọi thứ lên núi”, ông Thành nhớ về ngày quyết định lên núi. Hai cha con ông Thành với sự trợ giúp của lực lượng cách mạng đã mang theo 1 chiếc máy cày (có giá trị hơn chục cây vàng), 300 giạ lúa, 1 cái máy bơm, 200 lít dầu cặn lên căn cứ Hòn Dữ. Bản thân ông làm ở bộ phận kinh tài với nhiệm vụ giữ kho lương thực do miền Bắc chi viện cho lực lượng cách mạng tỉnh.


Giai đoạn 1973 - 1974, gia đình ông Thành tiếp tục đón nhận tin dữ. Người con trai đầu Lê Mãi - Trưởng Công an huyện Diên Khánh hy sinh tháng 4-1974 trong lần từ núi xuống đồng bằng công tác. Trước đó, đầu năm 1973, người con trai thứ Lê Minh Sáu từ núi về Diên Sơn hoạt động bí mật, nằm vùng đã hy sinh khi bị địch phục kích bắn chết. “Nước mất thì nhà tan, phận làm trai nên các em và con tôi hy sinh vì nước là chuyện bình thường. Không nói đâu xa, ngay trong xã Diên Sơn cũng có nhiều gia đình như gia đình tôi”, ông Thành chia sẻ.

Nhà có 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng


Cùng với cán bộ xã Diên Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Sẽ. Năm nay đã 93 tuổi, nhưng trí nhớ của mẹ Sẽ còn rất tốt. Trong tiếng võng đưa kẽo kẹt, mẹ Sẽ chậm rãi kể về chồng, con và những người thân yêu của mẹ đã nằm xuống trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

 

Mẹ Phan Thị Sẽ ngắm di ảnh con trai.

Mẹ Phan Thị Sẽ ngắm di ảnh con trai.


Vốn có truyền thống cách mạng, gia đình chồng của mẹ đã nuôi giấu cán bộ từ lâu. Từ khi về làm dâu, mẹ đã thấy cả chục cán bộ cách mạng miền Bắc ăn ở dưới các hầm trong nhà. Năm 1966, chồng của mẹ là ông Trần Đức thoát ly lên núi tham gia cách mạng. Năm 1967, ông Đức bị địch phục kích bắn chết trong một lần về đồng bằng hoạt động. Một năm sau, người con trai lớn của mẹ là anh Trần Hăng cũng hy sinh. “Nó đi lên núi hoạt động đã lâu, năm 1968 nó về thăm nhà và nói với tôi đi công tác ở Cam Ranh. Vậy mà, hôm sau tôi đã nghe tin nó bị bắn chết ở Diên An. Chỉ nghe nói bị bắn chết mà không lấy được xác”, ánh mắt mẹ Sẽ trầm ngâm khi đưa bàn tay nhăn nheo vuốt di ảnh con trai.

 

Ông Nguyễn Văn Ghi - Bí thư Huyện ủy Diên Khánh: Tứ thôn Đại Điền là vùng đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng, trong đó gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Sẽ và gia đình ông Lê Văn Thành ở xã Diên Sơn là những gia đình cách mạng tiêu biểu đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến. Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương, mặt trận các đoàn thể đã quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, nhằm tri ân những cống hiến của các gia đình cho cách mạng.

Sự hy sinh của người thân không làm nhụt chí, mà ngược lại càng hun đúc tinh thần, lòng kiên trung với cách mạng của mẹ Sẽ và những người con còn lại. 2 người con Trần Hái, Trần Thị Hay lần lượt theo bước cha, anh lên núi hoạt động cách mạng. “Thằng Hái bị thương và được đưa ra Bắc điều trị đến sau giải phóng mới trở về nhà. Con Hay thì hy sinh năm 1974”, mẹ Sẽ rưng rưng nước mắt kể. Cũng trong thời gian này, mẹ Sẽ bị địch bắt, tra khảo nhiều lần vì tiếp tay cho cách mạng. Mẹ Sẽ nhớ lại: “Hồi đó có 6 cán bộ cách mạng bị bắn chết gần nhà, trong đó có ông Nguyệt Thắng là cán bộ cấp cao. Tôi đã đưa xác ông Nguyệt Thắng đi chôn nên bị địch bắt, tra khảo cả chục lần. Sau khi vừa chôn xác con Hay, tôi cũng bị địch bắt giam 6 tháng tại khu vực chợ Đầm. Dù bị tra tấn bằng đòn roi vào mặt, vào đầu nhưng tôi vẫn kiên quyết không khai báo”. Kìm nén nỗi đau mất chồng, mất con trong lòng, một mình mẹ Sẽ gánh gồng nuôi mẹ chồng già yếu và 5 người con.  Ban ngày đánh xe bò đi ra ruộng, tối đến mẹ lại canh cửa cho bộ đội về nhà lấy gạo. Lúa gạo làm ra, mẹ cất một kho riêng để tiếp tế cho cách mạng, mẹ còn mua dầu lửa để cán bộ đưa lên núi. 


Ông Nguyễn Quang Dũng - cán bộ văn hóa xã Diên Sơn cho biết gia đình mẹ Sẽ có 3 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng là mẹ Sẽ, mẹ chồng và em gái chồng. Chị gái của mẹ Sẽ là bà Phan Thị Chùi (xã Diên Điền) cũng được Nhà nước phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khi có 2 người con hy sinh. Tiếp nối truyền thống của gia đình, con cháu của mẹ Sẽ hôm nay cũng có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương. Con trai mẹ là ông Trần Minh Đức là đại tá công an về hưu. Gia đình mẹ tính cả cháu nội, ngoại, rể có đến 7 người đang công tác trong ngành Công an. “Khi đất nước có chiến tranh, dù biết sẽ có hy sinh, mất mát nhưng gia đình tôi vẫn một lòng, một dạ theo Đảng, theo cách mạng. Khi đất nước hòa bình, tôi vẫn luôn nhắc nhở con cháu noi gương truyền thống của gia đình, cống hiến cho quê hương, đất nước”, ông  Đức nói. 


Từ Diên Sơn, chúng tôi ngang qua Diên Điền vùng nối liền với Diên Sơn để làm nên danh Tứ thôn Đại Điền trong lịch sử oai hùng của Diên Khánh. Trên cổng tam quan đình Đại Điền Trung (xã Diên Điền) vẫn còn dòng chữ nổi bật “Không có gì quý hơn độc lập - tự do” như minh chứng cho sự khát khao độc lập, thống nhất đất nước của người dân Tứ thôn Đại Điền suốt mấy dặm dài lịch sử. Ngước nhìn mái ngói rêu phong, nghe tiếng lá cây xào xạc, bồi hồi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi: “Nước chúng ta. Nước những người chưa bao giờ khuất…”.


HOÀNG DUNG - XUÂN THÀNH