11:08, 24/08/2018

Mía không còn ngọt

Mía đường là cây trồng đã giúp cho hàng nghìn hộ gia đình ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) ăn nên làm ra, có của ăn của để. Nhưng rồi với nhiều lý do, cây trồng này hiện nay không còn hiệu quả như trước; mức độ quan tâm chăm sóc của người dân cũng vì thế suy giảm dần.

 

Mía đường là cây trồng đã giúp cho hàng nghìn hộ gia đình ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) ăn nên làm ra, có của ăn của để. Nhưng rồi với nhiều lý do, cây trồng này hiện nay không còn hiệu quả như trước; mức độ quan tâm chăm sóc của người dân cũng vì thế suy giảm dần.


Bỏ lơ cây mía


Đến vùng mía xã Ninh Tây, nơi có hơn 3.000ha mía đường, chúng tôi gặp ông Phan Ngọc Hà ở thôn Xóm Mới. Trong ngôi nhà khá khang trang, ông bắt đầu câu chuyện với một chút ngậm ngùi: “Gia đình tôi đủ ăn, đủ mặc, xây được nhà cửa, lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn cũng nhờ vào gần 20ha mía. Cũng như nhiều hộ dân nơi đây, chúng tôi đã gắn bó lâu năm và thầm cảm ơn cây trồng này đã giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhưng những năm gần đây, cây mía không còn vị ngọt như trước. Năm rồi, nhà tôi chỉ còn 12ha, tính toán xong xuôi lỗ hơn 20 triệu đồng. Tôi đã phải chuyển dần sang trồng keo và những cây khác”. Theo chia sẻ của nông dân 57 tuổi này, chúng tôi được biết không riêng gì nhà ông, mà hầu hết các hộ trồng mía hiện nay ở những diện tích mía lưu gốc cũng chỉ đang chăm sóc cầm chừng. Nhiều hộ thậm chí chẳng ngó ngàng gì tới cây mía. “Nói là lưu gốc, nhưng thực ra nhiều người đang “bỏ thí” cây mía muốn sống sao cũng được” - ông Hà cho biết.

 

Người dân không còn mấy mặn mà với cây mía đường

Người dân không còn mấy mặn mà với cây mía đường


Ông Bùi Tấn Hợi ở thôn Tây, xã Ninh Tân cũng đã mạnh dạn chuyển đổi 2,5ha mía sang trồng mít, bưởi, xoài, mãng cầu…, khi vừa kết thúc niên vụ mía 2017-2018. Ông Hợi chia sẻ, lúc cao điểm, nhà ông có hơn 10ha mía. Mỗi năm thu hoạch cũng đủ trang trải cuộc sống. Nhưng 2 năm trở lại đây, ông đều phải nếm trải cảnh thất bát. Vụ năm trước mất mùa. Năm nay, sản lượng đạt nhưng mía đổ ngã nhiều, công chặt tốn kém hơn. Giá thu mua mía lại giảm mạnh cho nên sau khi trừ hết chi phí, ông không lãi được đồng nào. Hiện nay, ông chỉ còn 4ha mía.


Bà Hoàng Thị Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tân cho biết, cây mía thất thu nhiều năm liên tiếp nên đa số người dân trên địa bàn xã không mấy mặn mà nữa. Năm 2015, toàn xã có gần 1.600ha mía, diện tích ấy giảm dần, đến niên vụ vừa qua chỉ còn 1.145ha. Dự kiến niên vụ tới đây sẽ chỉ còn khoảng 1.000ha.


Giảm mức độ đầu tư, cùng với điều kiện thời tiết từ đầu năm đến nay chủ yếu nắng hạn, nên lướt qua những cánh đồng mía bạt ngàn ở các xã: Ninh Tân, Ninh Tây, Ninh Thượng, Ninh Sim, Ninh Trung… đâu đâu cũng có thể dễ dàng nhận ra những khoảng màu vàng vọt, héo rũ. Mía Ninh Hòa chủ yếu sống nhờ nước trời, mà gần 8 tháng qua, trời không có lấy giọt mưa. “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã có khoảng 20ha mía bị cháy. Một phần do nắng gắt kéo dài, một phần là người dân giảm đầu tư, ngay cả việc dọn dẹp thực bì sau khi thu hoạch như mọi năm cũng không thực hiện nên nguy cơ cháy mía vẫn còn rất cao”, ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết.



Khắp nơi bán rẫy


Theo chân một người quen đi đến vùng mía của xã Ninh Trung, gần giáp ranh với xã Ninh Thượng, nơi đây có kênh chính hồ Đá Bàn dẫn nước chảy qua nên việc trồng mía thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trải dài trên cả một quả đồi có đến hàng trăm hecta, nhiều chủ rẫy nơi đây đang kêu bán đất. Tại đây có thể gom được hơn 10ha rẫy liền kề để mua nếu nhà đầu tư có nhu cầu, còn mua rải rác từ 2 đến 5ha càng dễ dàng hơn.

 

Đến vùng mía Ninh Thượng sát bên, được tin có người tìm mua rẫy, một số hộ dân nơi đây đã lân la tìm đến, tham khảo giá mua, giá bán và khẳng định có thể gom được 30ha liền nhau để bán. Theo ông Tư Hạ, người có rẫy ở Ninh Thượng: “Mía không còn hiệu quả. Chúng tôi phải bán bớt đất trồng mía để lấy vốn chuyển sang cây khác. Nhiều hộ dân ở đây chưa có ý định bán rẫy, nhưng nếu có người hỏi mua với giá hợp lý cũng bán luôn”. Còn theo ông Hoàng, người đang sở hữu hơn 10ha rẫy mía ở xã Ninh Trung, ông đã mua 1.000 cây xoài giống chuẩn bị trồng. “Hầu hết các hộ nông dân gắn bó với cây mía đều không có sẵn vốn, nên phương thức bán bớt rẫy lấy vốn chuyển đổi cây trồng đang được áp dụng. Tất nhiên là khi cây mía không còn hiệu quả người dân mới phải buộc chuyển sang cây khác”, ông Hoàng nói.


Theo lãnh đạo xã Ninh Tây, từ đầu năm đến nay, người dân có nhu cầu bán rẫy tăng hơn so với các năm trước; phần vì bán bớt để trả nợ do 2 năm liên tiếp thất bát, phần để lấy vốn trồng cây ăn quả.


Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa Ninh Hòa, trong 2 năm gần đây, diện tích đăng ký đầu tư có giảm so với trước. Ở niên vụ tới, công ty đã ký hợp đồng đầu tư được 11.300ha ở Ninh Hòa và huyện M’Đrăk (Đắk Lắk), trong đó Ninh Hòa khoảng 8.000ha, giảm hơn so với năm trước.

 

Ông Hà ở Ninh Tây ươm giống dừa xiêm để trồng thay cây mía.

Ông Hà ở Ninh Tây ươm giống dừa xiêm để trồng thay cây mía.

 

Trăn trở chuyển hướng cây trồng


Hiện nay, nhiều người dân, đặc biệt là ở các xã phía Tây của thị xã Ninh Hòa như: Ninh Tây, Ninh Thượng, Ninh Sơn và một số xã có diện tích đất nông nghiệp không bằng phẳng như Ninh Tân lại đang đau đầu với việc trồng cây gì để thay thế cây mía.


Ông Hà than thở: “Mấy ngày nay tôi lên vườn bưởi, thấy sâu bọ phá dữ lắm, ăn trụi lá non mà chưa biết phải làm sao. Tôi vừa trồng vừa mò mẫm chứ thực ra chưa có nhiều kinh nghiệm trồng loại cây này. Chỉ mong mưa thuận gió hòa”. Cũng theo nông dân này, trước đây ông có trồng khoai sáp, nhưng trời nóng quá khiến cây khô kiệt. Trồng chuối thì gặp phải sâu bệnh, trồng bắp lại rơi vào cảnh rớt giá. Nghe nói cây mít dễ trồng, dễ chăm, lại hiệu quả nhưng trồng rồi chưa biết bán ở đâu khi chưa có nhà máy chế biến, sấy khô như ở miền Tây nên cũng chưa dám đụng vào.


Trăn trở của ông Hà cũng là nỗi niềm của những nông dân chúng tôi gặp, đang suy nghĩ trong quá trình “dứt tình” với cây mía. Bởi khi trồng mía, mỗi năm đến vụ chăm sóc mía, người trồng được các nhà máy đường đầu tư về giống, phân bón, công chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển… rồi cấn trừ vào cuối vụ. Trồng cây khác không những đòi hỏi về kỹ thuật, trình độ, mà còn yêu cầu rất cao về vốn đầu tư. Theo ước tính, để chuyển sang trồng 1ha cây ăn quả, nông dân phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng. Đó là đối với những diện tích thuận lợi về nước tưới, giao thông, điện lưới. Còn nếu phải đầu tư vào các hạng mục này thì phải lên đến hàng tỷ đồng.


Theo ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, tại Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2016-2020, Ninh Hòa đã xác định giảm diện tích mía từ hơn 12.240ha vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 9.200ha vào năm 2020. “Thực tế, trước năm 2016, cây mía mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong 2 niên vụ gần đây nhất, cây mía không còn hiệu quả như mong đợi, diện tích toàn thị xã giảm xuống còn 11.200ha là phù hợp với lộ trình giảm diện tích theo Nghị quyết” - ông Cửu nhấn mạnh. Hiện nay, diện tích trồng mía ở Ninh Hòa chỉ có chưa đầy 20% diện tích chủ động nước tưới, nên hoạt động chuyển đổi từ mía sang trồng bưởi, mít, xoài… được người dân thực hiện ở những nơi chủ động nước này. Còn đối với khu vực không chủ động nước tưới, hoạt động chuyển sang trồng keo cũng đang diễn ra khá mạnh.


Được biết, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn theo Quyết định 1609 năm 2018 của UBND tỉnh, UBND thị xã đã yêu cầu các xã phổ biến đến từng hộ dân, trong đó đặc biệt là chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng. Năm 2018, UBND thị xã Ninh Hòa đã ban hành kế hoạch hỗ trợ cho hơn 30ha chuyển đổi cây trồng với kinh phí hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng. Hiện nay, các xã tiếp tục tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của người dân để xây dựng kế hoạch hỗ trợ năm 2019.


CÔNG ĐỊNH