11:08, 21/08/2018

Khi xích lô lên đời

Chỉ cần một cú vít ga, chiếc xích lô điện đã lao nhanh trên phố với tốc độ của xe máy điện. Những chiếc xích lô như vậy đang trở thành nét độc đáo của du lịch biển Nha Trang nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ an toàn giao thông.

Chỉ cần một cú vít ga, chiếc xích lô điện đã lao nhanh trên phố với tốc độ của xe máy điện. Những chiếc xích lô như vậy đang trở thành nét độc đáo của du lịch biển Nha Trang nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ an toàn giao thông.


Nhan nhản xích lô độ chế


5 giờ chiều, đường Trần Phú bắt đầu đông nghịt xe cộ qua lại. Ngay giao lộ Trần Phú - Biệt Thự, 2 chiếc xích lô điện chở 6 du khách đang bon bon chạy trên đường bỗng đột ngột bẻ cua, tạt đầu một xe máy đang di chuyển sát lề. Mặc cho tiếng thắng gấp của xe máy, 2 “bác tài” xích lô vẫn vô tư giữ nguyên tốc độ cho xe đi vào đường Biệt Thự. Người điều khiển xe máy chỉ còn biết làu bàu trong miệng và ném ánh mắt khó chịu theo 2 xích lô vừa đi qua. Bà Trần Thị Thu - một người bán hàng rong bên vỉa hè chép miệng: “Mấy ông xích lô điện hồi này chạy ghê lắm. Xe chở 2 - 3 người mà chạy ầm ầm. Xưa phải đạp, muốn chạy nhanh cũng không được, bây giờ có bình điện, xe chạy bon bon không tốn sức mấy ông lại sinh ra chạy ẩu”.

 

Khách du lịch rất thích đi xích lô.

Khách du lịch rất thích đi xích lô.


Dạo một vòng quanh thành phố, hầu như ở các đường chính thuộc khu vực trung tâm đều có xích lô điện. Mỗi khu vực ngã ba, ngã tư hay các khu thương mại, lúc nào cũng có 3 - 4 xe ngồi đợi khách. Ghé vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, hỏi thăm các “bác tài” về xe xích lô điện, người đàn ông tên Bình (phường Phương Sài) nói: “Xích lô điện bây giờ nhiều lắm. Cả thành phố này tính sơ sơ cũng phải 150 chiếc. Cách đây 2 năm, Nha Trang chỉ có 30 chiếc xích lô điện, vậy mà chỉ từ năm trước đến năm nay số lượng xe mới lắp ráp lên cả trăm chiếc. Bây giờ xích lô đạp không còn mấy người dùng”.


Đang nói chuyện rôm rả, ông Lê Văn Báo (đã chạy xích lô gần 20 năm), vừa chạy xong một cuốc xe cũng tấp vào góp vui. Ông chỉ cho chúng tôi xem, phần bánh sau đã được thay thế bằng một mâm động cơ điện. Các nút điều khiển được đặt ngay tay lái. Dưới ghế ngồi của khách là nơi chứa 4 bình điện 27 ampere đủ chạy khoảng 40km mới phải nạp lại. Ông Báo cho biết: “ Chỉ cần 2 ngày là ráp xong một chiếc xích lô điện. Thợ độ xích lô điện hiện có khoảng 6 người làm được nhưng có một người ở khu Lò Heo (phường Vạn Thạnh) là ráp tốt nhất. Cách đây mấy năm, có một ông ở dưới Cửa Bé ráp phần đuôi xe đạp điện vào xích lô chạy nên một số người mới bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu độ chế thành những chiếc xích lô điện như hiện nay. Loại bình dùng cho xích lô đa phần là bình của xe máy điện, tốc độ có thể đạt tới 40 - 50km/giờ, tùy thuộc vào loại IC lắp cho xe. Nếu dùng IC 800 xe chạy rất mạnh nhưng như vậy sẽ nguy hiểm. Dùng IC 500, tốc độ khoảng 30km/giờ, loại này có thể chậm hơn, yếu hơn nhưng an toàn cho khách. Một chiếc xích lô điện mới có giá từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, tùy vào vật liệu làm xe”.

 
Xung đột về lợi ích


Trò chuyện với những người lái xích lô, không ít người than thở về tình trạng tranh giành khách, vi phạm bến bãi. Đặc biệt, do số lượng xích lô điện tăng đột biến nên bắt đầu xảy ra những lộn xộn trong giá cả. Các xích lô ngoại tỉnh cũng đưa xe về Nha Trang chạy tự phát, tạo ra những cạnh tranh không lành mạnh, lợi ích bị xung đột.

 

Các xe xích lô điện đón trả khách lộn xộn dưới lòng đường.

Các xe xích lô điện đón trả khách lộn xộn dưới lòng đường.


Để đối phó với tình trạng xích lô chạy lộn xộn, mất an ninh trật tự, Đội tự quản xe ôm, xích lô phường Lộc Thọ được thành lập. Tất cả các thành viên trong đội tự quản đều mặc đồng phục màu vàng, có phù hiệu; khi chạy xe đều phải tuân thủ đón khách theo bến quy định. Được biết, trong số khoảng 150 xích lô điện hoạt động tại TP. Nha Trang, hiện đã có khoảng 100 chiếc tham gia đội tự quản. Những người tham gia đội tự quản đều là những người lái xích lô ở địa phương.


Ông Thiện (Tổ trưởng Tổ 2, Đội tự quản xe ôm, xích lô phường Lộc Thọ) cho biết: “ Khi chưa có xích lô điện, đạp xích lô vất vả nên ít người hành nghề này. Kể từ khi xuất hiện xích lô điện, số người tham gia tăng nhanh. Chúng tôi có đội tự quản nên anh em chạy xe đều tuân thủ các quy định chung. Song hiện nay, bắt đầu xuất hiện nhiều xe của ngoại tỉnh chạy rước khách lộn xộn. Tôi ở đây có mười mấy anh em, phụ trách hẻm 64 nhưng cũng nhiều lần bị giành khách. Không ít người sử dụng xe xích lô cũ, kém chất lượng rồi độ chế mâm điện, bình ắc quy vào chạy. Làm như vậy sẽ mang tiếng cho đội ngũ xích lô của Nha Trang. Nhiều anh em chạy ẩu, đón khách không bến bãi, khiến khách du lịch than phiền, uy tín du lịch Nha Trang bị ảnh hưởng”.


Còn ông Nguyễn Giác Viên (phường Phước Tân) cho biết: “Từ ngày có xích lô điện, chúng tôi có khách nhiều hơn trước. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng tranh giành khách giữa xe tự quản và các xe tự phát ở ngoại tỉnh vẫn thường xảy ra. Giá cả của các xe tự phát cũng không thống nhất. Thông thường một cuốc xe dạo quanh thành phố 30 phút chúng tôi lấy từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng. Nhưng với anh em chạy tự phát có khi khách trả 80.000 hoặc 100.000 đồng họ cũng chạy. Khi gặp du khách không am tường, nhiều khi họ lấy đến 200.000 - 250.000 đồng/cuốc xe!”.


Nên quản hay cấm?


Trước những bất cập của xích lô điện, nhiều ý kiến cho rằng nên cấm các loại xe độ chế như vậy. Song, cũng không ít người ủng hộ để loại xe này tồn tại nhằm phục vụ  du lịch và giúp người nghèo mưu sinh.

 


Theo lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang, trước nay dù chưa siết chặt loại hình xích lô, nhưng trong quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các tài xế chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; đặc biệt là không được thay đổi kết cấu xe. Thời gian qua xuất hiện xích lô điện phần nào gây ảnh hưởng đến giao thông thành phố. “Tuy chưa có vụ tai nạn giao thông nào liên quan đến xích lô, nhưng phòng tránh là không thừa. Tôi cho rằng, vẫn nên tạo điều kiện cho loại hình xích lô hoạt động, nhưng kiên quyết xử lý nếu cố tình độ chế, thay đổi kết cấu phương tiện; như vậy là rất nguy hiểm và nghiêm cấm”, Trung tá Nguyễn Sĩ Hồng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang nói.


Theo ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, việc có loại hình xe xích lô phục vụ du khách là điều cần thiết và tạo nét đẹp riêng. Cách đây khoảng 5 năm, xe xích lô được quản lý khá bài bản khi nằm trong các hợp tác xã. Thời điểm đó chỉ có xích lô đạp, chứ chưa có xích lô điện. “Quan điểm của hiệp hội là nên giữ lại loại hình này để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý tốt lại là một vấn đề. Tôi cho rằng, cần phải thành lập và đưa các xích lô này vào một hợp tác xã hoặc một hiệp hội nào đó để quản lý. Khi vào đấy, các tài xế cũng sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ lái xe, nghiệp vụ giao tiếp, thậm chí là vốn kiến thức về ngoại ngữ. Có như vậy vừa quản lý được chất lượng hoạt động xích lô mà còn tạo cho du khách cái nhìn đúng và thiện cảm hơn về loại hình này. Trước mắt, cơ quan quản lý nhà nước về loại hình xích lô cần phải xử lý nghiêm đối với các hành vi hoán cải, độ chế, làm ảnh hưởng đến kết cấu của xe”, ông Thành đề xuất.


Tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, xích lô đã bị cấm. Tuy nhiên, ở Nha Trang xích lô vẫn đang góp phần trong hoạt động phục vụ du lịch và giúp không ít người nghèo mưu sinh. Vì vậy, quản lý phương tiện này như thế nào là câu hỏi dành cho các cơ quan chức năng.



Đình Lâm - Mạnh Hùng