12:04, 23/04/2022

Nhớ mãi một thời gian khó

75 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa như một dòng chảy mà mạch nguồn bắt đầu từ báo Thắng - tờ báo xuất bản trên chiến khu Hòn Dữ (Diên Khánh) trong những ngày đầu quân và dân Khánh Hòa đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp.

. LƯƠNG KIÊN ĐỊNH - nguyên Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa

 
75 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa như một dòng chảy mà mạch nguồn bắt đầu từ báo Thắng - tờ báo xuất bản trên chiến khu Hòn Dữ (Diên Khánh) trong những ngày đầu quân và dân Khánh Hòa đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau này, do tình hình thực tế và nhiệm vụ cách mạng, tờ báo Thắng đổi tên thành báo Giải phóng. Tháng 10-1975, hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên cùng nhập vào thành Báo Phú Khánh. Đến tháng 6-1989, tỉnh Phú Khánh lại tách ra làm hai và tờ báo cũng trở lại tên Khánh Hòa đến bây giờ.

 



Trong suốt dòng chảy 75 năm báo chí cách mạng Khánh Hòa, có 14 năm (từ 1975 - 1989) mang tên báo Phú Khánh. 5 năm tôi được gắn bó với tờ báo Phú Khánh thực sự là những năm tháng khó khăn. Nhưng chính những năm tháng khó khăn đó đã giúp cho tôi rèn luyện, thử thách và trưởng thành.


Tôi chuyển ngành từ Quân đội về Báo Phú Khánh tháng 8-1983. Chân ướt, chân ráo về tòa soạn, ngay ngày đầu tiên, Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc gọi tôi vào phòng ông rồi bảo: “Cháu là đảng viên trẻ, lại được rèn luyện trong quân đội nên sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ nhé”. Tôi chưa kịp hiểu ra thì ông đã động viên: “Tòa soạn báo có văn phòng thường trú tại thị xã Tuy Hòa. Hiện tổ có 3 người, nhưng chưa có đảng viên, cháu ra đó công tác và cố gắng giúp đỡ để anh em phát triển đảng”.


Ở tòa soạn tìm hiểu tờ báo và làm quen với cán bộ, phóng viên tờ báo, đúng 1 tuần sau tôi xách ba lô ra tổ thường trú. Tổ phóng viên thường trú có tôi nữa là 4 người, anh Phạm Ngọc Phi là tổ trưởng (sau này khi tách tỉnh, anh Phi có giai đoạn làm Tổng Biên tập Báo Phú Yên). Nhiệm vụ của tổ phóng viên thường trú là phụ trách toàn bộ các huyện, thị xã của tỉnh Phú Yên bây giờ gồm 1 thị xã và 4 huyện. Trong tổ, chúng tôi lại phân công mỗi người phụ trách 1 huyện. Riêng tổ trưởng được “ưu tiên” phụ trách thị xã Tuy Hòa và huyện Tuy Hòa. Ngày đó đi công tác cơ sở thật gian nan, vất vả. Phóng viên như chúng tôi chỉ có chiếc xe đạp cà tàng. Cả tòa soạn chỉ có vài chiếc xe máy cũ. Mỗi lần đi cơ sở, chúng tôi phải dậy từ 4 giờ sáng để ra bến xe xếp hàng mua vé xe đi huyện (mặc dù có thẻ nhà báo được ưu tiên mua vé nhưng vì mỗi ngày chỉ có 1-2 chuyến xe đi huyện nên nếu không ra sớm là hết vé). Về huyện, có khi chúng tôi phải nằm lại cả tuần để đi về xã, lấy tư liệu và viết bài. Ngày đó phương tiện liên lạc thật khó khăn. Viết bài xong, chúng tôi phải ra bưu điện hoặc bến xe gửi bài về tòa soạn tại Nha Trang. Tòa soạn có hơn 30 phóng viên mà báo lại xuất bản 1 tuần có 2 kỳ, mỗi số báo có 4 trang nên bài viết cứ phải “xếp hàng”. Có những bài viết đầu tháng đến cuối tháng mới được đăng nên “tính thời sự” hầu như không còn nữa. Ngày đó, phóng viên chỉ hưởng lương đơn thuần và không có khái niệm thu nhập thêm từ nhuận bút. Vì định mức cho phóng viên chỉ 2-3 bài nhưng có khi cũng chẳng đủ định mức vì không có “đất” để đăng.


Thời kỳ Báo Phú Khánh có thể coi là giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Trước thời kỳ đổi mới đất nước năm 1986, thời bao cấp cái gì cũng phải tem, phiếu nên đời sống cán bộ, phóng viên vô cùng khó khăn. Chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, tổ phóng viên thường trú của chúng tôi lại trở thành “điểm tựa” về đời sống của cả tòa soạn. Với lợi thế của mình, lại được ở vựa lúa Tuy Hòa nên chúng tôi thường xuống các hợp tác xã nông nghiệp (ngày đó mô hình hợp tác xã phổ biến và rất mạnh) xin mua gạo, mua heo theo giá “hữu nghị” để cung cấp cho tòa soạn. Hôm nào mua được gạo, heo rồi tổ chức mổ heo tại tòa soạn chia cho cán bộ, phóng viên thì hôm đó vui như Tết.


Ngày nay, Báo Khánh Hòa phát triển khá toàn diện cả về lượng lẫn về chất. Tờ báo ngày càng hiện đại, đời sống cán bộ, phóng viên được nâng cao. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi một thời gian khó là những kỷ niệm khó quên trong đời làm báo.




L.K.Đ