12:04, 23/04/2022

Hồi xưa, chúng tôi làm báo…

. Phạm Ngọc Anh - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa


Nói là hồi xưa nhưng thực ra chỉ cách đây khoảng 40 năm. 40 năm mà thấy như xa lắc xa lơ rồi, vì từ đó đến giờ, Báo Khánh Hòa đã đổi thay rất nhiều.



 

 

. Phạm Ngọc Anh - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa


Nói là hồi xưa nhưng thực ra chỉ cách đây khoảng 40 năm. 40 năm mà thấy như xa lắc xa lơ rồi, vì từ đó đến giờ, Báo Khánh Hòa đã đổi thay rất nhiều.

 

Nhà báo Ngọc Anh tại Trường Sa, tháng 4-2008.

Nhà báo Ngọc Anh tại Trường Sa, tháng 4-2008.


Hồi ấy, tòa soạn Báo Phú Khánh đặt tại 81 Yersin, với diện tích nhỏ hẹp, gồm 1 dãy nhà 2 tầng và 1 dãy nhà 1 tầng cũ kỹ. Sau ngày đất nước giải phóng, mọi thứ dường như mới bắt đầu, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Cả tòa soạn chỉ có 2 máy đánh chữ, 2-3 máy ảnh chụp bằng phim. Phóng viên mỗi tháng được cấp 1 bút bi và 1 xấp giấy vừa đen vừa nhám để viết bài. Mọi người đi cơ sở bằng xe đạp, đi huyện thì bắt xe đò. Điện thoại để bàn thời ấy không phải nhà nào cũng có. Nhà in của báo lúc ấy so với bây giờ cách nhau một trời một vực. Thiết bị in ấn cũ kỹ, công nhân ngồi tỉ mỉ xếp từng chữ chì vào khuôn để dập ra trang báo…


Khó khăn là thế, nhưng từ Ban Biên tập đến cán bộ, nhân viên, phóng viên ai cũng tâm huyết với nghề, đoàn kết vượt qua khó khăn. Với tôi, do mới vào nghề, ngoài việc tìm tài liệu, sách vở để có thêm kiến thức về báo chí, còn phải cố gắng học hỏi đồng nghiệp, tự rút ra kinh nghiệm trong từng bài viết hay những lần đi công tác cơ sở. Những nhà báo lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm như các chú: Cung Giũ Phú, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Đông, Tô Phương… và những nhà báo đi trước như các anh, chị: Hoài Thu, Bích Thủy, Thành Tiến, Hà Bình… luôn chỉ bảo, dìu dắt cho những phóng viên trẻ. Nhân lực ít, công việc lại nhiều, ngoài 3 số báo định kỳ, cơ quan còn tập trung làm các đặc san. Tôi nhớ mãi kỷ niệm có lần cùng các đoàn viên Chi đoàn đi bán báo dạo. Năm 1982, World Cup diễn ra ở Tây Ban Nha (Espana 82). Nhân sự kiện này, Ban Biên tập quyết định xuất bản một đặc san phục vụ cho giải bóng đá thế giới ấy, giao nhiệm vụ cho Chi đoàn phát hành thêm. Lần đầu đi bán báo, mọi người ai cũng lo. “Cái khó ló cái khôn”, chúng tôi nghĩ ngay ra cách bán báo cho các cổ động viên xem bóng đá. Thế là, các đoàn viên trong Chi đoàn chia nhau vào sân vận động 19-8 Nha Trang trước khi trận đấu diễn ra để rao bán từng tờ báo cho cổ động viên. Thật mừng, đặc san lần ấy phát hành được hơn 10 ngàn bản - một con số không hề nhỏ.


Ngoài niềm vui từ công tác chuyên môn, từ những lần đạt giải báo chí trong tỉnh và trong nước, chúng tôi còn nhận được sự quan tâm của Ban Biên tập. Tôi luôn trân trọng cảm ơn chú Nguyễn Ngọc, nguyên Tổng Biên tập báo trong việc tạo điều kiện cho các phóng viên trẻ học thêm Đại học báo chí, mặc dù họ đã có một bằng đại học chuyên ngành khác. Chính vì vậy, phóng viên của báo nhiều người có đến 2, 3 bằng đại học và nắm rất vững kỹ năng làm báo.


Không chỉ quan tâm lãnh đạo về công tác chuyên môn, Ban Biên tập còn chỉ đạo Chi đoàn tổ chức các buổi sinh hoạt, các đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” hát cho nhau nghe. Lúc ấy, để tập hợp đông đảo đoàn viên, lãnh đạo các cơ quan thường chỉ đạo liên chi đoàn tổ chức hoạt động tập thể. Liên chi đoàn bao gồm cả đoàn viên của tòa soạn, nhà in và phân xã (Thông tấn xã Việt Nam tại Khánh Hòa). Vui nhất là mỗi lần biểu diễn văn nghệ. Nhiều đoàn viên có con nhỏ vẫn hăng hái tham gia các tiết mục đơn ca, song ca. Có chị đang biểu diễn trên sân khấu (nói là sân khấu chứ thực ra chỉ là cái bục được lắp từ những miếng gỗ) thì ở dưới, mấy đứa trẻ lên 5 lên 3 thấy mẹ cứ vẫy tay, í ới gọi “mẹ ơi, mẹ ơi!”; có bé còn chạy lên ôm chân mẹ, làm ai cũng cười.


Niềm vui của chúng tôi lớn dần qua từng năm tháng, qua từng chặng đường phát triển, từ chỗ báo xuất bản 3 số/tuần, 4 số/tuần, lên 5 số, 6 số/tuần. Đặc biệt, sự ra mắt của Báo Khánh Hòa điện tử cách đây 19 năm (anh Lương Kiên Định làm Tổng Biên tập) chính là cột mốc đầy ấn tượng mà trước đây những người làm báo chúng tôi chưa từng nghĩ tới. Báo giấy và báo điện tử bổ sung cho nhau, tạo nên diện mạo mới cho báo chí Khánh Hòa. Thông tin cũng vì thế mà đa dạng, nhiều chiều, phong phú về hình thức và nội dung thể hiện.


6 năm xa rời Báo Khánh Hòa, mỗi khi nhớ lại thời làm báo của mình, cảm xúc trong tôi lại dâng trào. Ban Biên tập Báo Khánh Hòa hiện nay và đội ngũ phóng viên vừa nhiệt huyết vừa năng động đã và đang áp dụng có hiệu quả mô hình Tòa soạn hội tụ, nhanh chóng tiếp cận với xu hướng làm báo hiện đại. Chúng tôi tự hào về điều đó, và trân trọng những đồng nghiệp đang viết tiếp truyền thống quý báu mà Báo Khánh Hòa đã đạt được.


N.A