10:10, 20/10/2020

Khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh - tư duy đột phá của Đảng

Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII, phần "Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN" có ghi rõ: "Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất được hỗ trợ phát triển thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao".

 

LTS: Để tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 và 2045, từ số báo này, Báo Khánh Hòa mở chuyên mục Góp ý Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trân trọng mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến.

 

Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ: Báo Khánh Hòa 77 Yersin, Nha Trang (ngoài bì ghi rõ Góp ý các văn kiện Đại hội XIII của Đảng) hoặc: toasoan.bkh@gmail.com.  

 

 

 

Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII, phần “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN” có ghi rõ: “Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất được hỗ trợ phát triển thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao”.


Nhận thức từng bước sáng rõ


Trong quá trình nhận thức từ thực tiễn, Đảng ta từng bước hoàn chỉnh lý luận, đưa thành phần kinh tế tư nhân đúng vị trí, vai trò trong nền kinh tế đất nước. Trong quá trình đổi mới, thực hiện cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thành phần kinh tế tư nhân ngày một khẳng định vai trò của mình trong cơ cấu kinh tế của đất nước.


Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân và tổ chức được thể chế hóa và được pháp luật bảo vệ.


Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã ghi: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Đến dự thảo Báo cáo Chính trị kỳ này tiến thêm một bước: “Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, phát triển thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao”. Có thể thấy đây là một tư duy mang tính đột phá trong nhận thức và lý luận của Đảng về kinh tế tư nhân.


Dân giàu nước mới mạnh


Các nền kinh tế mạnh trên thế giới đều dựa trên các tập đoàn kinh tế mạnh. Nhìn ra các nước gần gũi với chúng ta như Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc sau này là các nền kinh tế mới nổi của khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia... sẽ thấy rất rõ điều này. Trong khi đó, chúng ta vẫn loay hoay với các ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước. Thời gian qua, những quyết định phi thị trường khi sáp nhập các doanh nghiệp nhà nước thành các tập đoàn, tổng công ty 90, 91… cộng với năng lực quản trị yếu kém đã khiến nền kinh tế nước ta phải trả giá. Những vụ đổ bể các tập đoàn Vinashin, Vinalines, những vụ thất thoát tài sản của các ngân hàng gắn với bong bóng bất động sản bị vỡ... kìm hãm sự phát triển của kinh tế đất nước.


Thực tiễn của nước ta trong giai đoạn 2015 - 2020, khi chính sách kinh doanh rõ ràng, nhiều tập đoàn tư nhân mạnh đã hình thành và phát triển. Những tên tuổi Vingroup, Massan, Vietjet, Hòa Phát… đã vươn tầm quốc tế. Tư nhân đã dám đầu tư xây sân bay, đầu tư ngành công nghiệp ô tô, ngành công nghiệp thép, các tập đoàn mua bán lẻ…


Trong các hội nghị doanh nghiệp đối thoại với chính phủ, các doanh nghiệp đã đề nghị thẳng với Thủ tướng, để kinh tế tư nhân phát triển, họ chỉ cần cơ chế, chính sách nhất quán chứ không cần vốn ưu đãi. Đề xuất này của giới doanh nhân cũng chính là sự đồng cảm với thông điệp của Chính phủ, đó là xây dựng một chính phủ kiến tạo. Cách đây 75 năm, ngày 13-10-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới Công Thương, thể hiện rõ tư tưởng của Người về thành phần kinh tế tư nhân: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này”.


Trần Ngân
(Nguyễn Thiện Thuật, TP. Nha Trang)