10:10, 25/10/2020

Cần có giải pháp đồng bộ để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Dự thảo văn kiện lần này đánh giá rất cụ thể, thẳng thắn quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong dự thảo văn kiện có khẳng định, nhiệm kỳ qua, nhất là trong 4 năm, từ 2016 đến 2019...

Dự thảo văn kiện lần này đánh giá rất cụ thể, thẳng thắn quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong dự thảo văn kiện có khẳng định, nhiệm kỳ qua, nhất là trong 4 năm, từ 2016 đến 2019, nền kinh tế của Việt Nam duy trì được mức độ tăng trưởng khá cao; hạ tầng cân đối vĩ mô tốt; chính trị xã hội ổn định và đối ngoại được tăng cường; vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng lên rõ rệt. Trong đó, ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP.


Trong 5 năm qua, số lượng khách quốc tế tăng bình quân 15%/năm, đến năm 2019 đã đạt hơn 18 triệu lượt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, du lịch phát triển nhanh nhưng chưa bảo đảm tính bền vững, chất lượng nguồn nhân lực du lịch tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng bộ và tính chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, ít sản phẩm đặc trưng. Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất nghiêm trọng đến ngành du lịch và nhiều ngành dịch vụ như: Giao thông vận tải, hàng không, ăn uống, giải trí…, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh.


Du lịch là ngành kinh tế có tính liên ngành, tác động lớn đến nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 chưa đề cập kỹ đến giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững trong thời gian tới. Theo tôi, dự thảo cần làm rõ hơn những hạn chế của du lịch hiện nay và đưa ra các giải pháp như: Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch; gắn du lịch với phát triển kinh tế đêm; có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch… Theo dự báo của tổ chức du lịch thế giới, phải đến năm 2024, hoạt động du lịch mới trở lại như trước dịch Covid-19. Do đó, dự thảo cần có thêm những giải pháp đồng bộ để phục hồi du lịch sau dịch Covid-19, nhất là việc khôi phục thị trường khách quốc tế.


Thành Nguyễn






Làm rõ hơn định hướng về cơ chế, chính sách đối với giáo dục


Quan điểm “Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) là quốc sách hàng đầu” được đưa ra lần đầu tiên trong Nghị quyết số 04 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về tiếp tục đổi mới sự nghiệp GD-ĐT. Xuyên suốt nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta luôn ưu tiên, quan tâm đến GD-ĐT, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người. Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục xác định: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương GD-ĐT cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Trong đó, xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và THCS; tiếp tục quan tâm đến giáo dục miền núi, hải đảo; Nhà nước tăng đầu tư cho giáo dục gắn với đổi mới cơ chế…


Dự thảo văn kiện Đại hội XIII cũng đưa ra những định hướng có tính chiến lược, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 phải “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài”. Thực tế, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, giáo dục nước ta tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Vì vậy, đổi mới GD-ĐT theo hướng “đột phá” là một nội dung vừa có tính chiến lược, vừa cấp thiết, được cả xã hội quan tâm. Thiết nghĩ, nội dung này cần được làm rõ hơn, có tính hệ thống hơn, gắn với việc kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được và điều chỉnh những vấn đề còn hạn chế. Trong đó, cần làm rõ hơn định hướng về cơ chế, chính sách đối với giáo dục, đổi mới hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, nâng cao năng lực và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo…


T.V
(Phường Tân Lập, Nha Trang)