10:08, 20/08/2015

Góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định hình phạt tử hình đối với 22 tội danh. Dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh, cụ thể là các tội: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch

Vấn đề 3: Các thay đổi bổ sung về hình phạt tử hình


a) Về bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm:


Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định hình phạt tử hình đối với 22 tội danh. Dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh, cụ thể là các tội: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh. Đồng thời, dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy quy định tại Điều 194 của BLHS hiện hành.


Bạn đọc có thể góp ý theo hai loại ý kiến:


Loại ý kiến tán thành và đề nghị nếu có quy định hình phạt chung thân không giảm án thì nên bỏ thêm hình phạt tử hình đối với một số tội phạm nữa, vì:


- Điều này sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương giảm áp dụng hình phạt tử hình theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.


- Trên thực tế, với sự thay đổi nhiều mặt trong đời sống xã hội, trong các tội danh trên, khách thể của một số tội phạm không còn nguy hiểm nữa hoặc một số tội chưa bao giờ xảy ra. Ngoài ra, nếu các tội phạm này xâm hại đến các vấn đề an ninh quốc gia thì vẫn có thể bị xử lý về các tội phạm tương ứng có quy định hình phạt tử hình.


- Đối với tội cướp tài sản, bản chất của tội này là tước đoạt quyền sở hữu của người khác bằng vũ lực, người phạm tội chỉ nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác chứ không phải là xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Nếu chứng minh được người phạm tội còn có ý định tước đoạt sinh mạng của nạn nhân thì có thể xử lý về tội giết người mà hình phạt cao nhất là tử hình.


Loại ý kiến không đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội này vì việc duy trì hình phạt tử hình là để bảo đảm sự răn đe, phòng ngừa chung.


b) Về quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm, nhưng sau khi bị kết án đã khắc phục về cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc lập công lớn.


BLHS hiện hành không quy định vấn đề này, còn dự thảo bổ sung quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.


Bạn đọc có thể góp ý theo hai loại ý kiến:


Ý kiến tán thành vì:


- Đây là quy định nhằm hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế theo chủ trương của Đảng.


- Mục đích chính của quy định này là tạo cho người bị kết án tử hình cơ hội cuối cùng để được sống nhưng phải có sự nỗ lực, tích cực. Người được áp dụng quy định này vẫn phải chịu án tù chung thân.


- Quy định này còn giúp các cơ quan chức năng thu hồi lại được các tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát, lãng phí (đây là vấn đề nhức nhối hiện nay).


- Diện đối tượng áp dụng quy định này cũng rất hẹp, chủ yếu tập trung vào đối tượng bị kết án tử hình về một số tội mang tính kinh tế chứ không áp dụng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người và xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.


- Đây cũng là kinh nghiệm của nước ngoài nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng.


Ý kiến không đồng tình vì cho rằng ở khía cạnh nào đó, quy định này sẽ dễ dẫn đến cách hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình.


c) Về vấn đề giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm: Quy định này là hoàn toàn mới so với BLHS hiện hành. Về vấn đề này, bạn đọc có thể góp ý theo 2 loại ý kiến:


Ý kiến thứ nhất cho rằng, việc áp dụng tù chung thân không giảm án tạo cho người đã bị kết án tử hình một cơ hội để tiếp tục được sống, đồng thời cũng tạo cơ hội để khắc phục sai lầm có thể xảy ra trong quá trình tố tụng. Quy định này cũng góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế và là bước quá độ để loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình.


Ý kiến thứ hai cho rằng đối với người bị kết án tử hình được ân giảm thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 20 năm và phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 25 năm.


d) Về quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên:


Quy định này là hoàn toàn mới so với BLHS hiện hành. Về vấn đề này, bạn đọc có thể góp ý theo 2 loại ý kiến:


Ý kiến đồng tình vì cho rằng, đây là một hướng góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế, mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, là đặc ân của Nhà nước đối với đối tượng người bị kết án đã đến tuổi thượng thọ, được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.


Ý kiến đề nghị không nên bổ sung quy định này vì thực tế tuổi thọ trung bình nước ta đã được nâng cao hơn trước. Mặt khác, người 75 tuổi vẫn có thể là người chỉ huy các băng nhóm tội phạm.


LÊ MINH

 




Tội tham ô, tham nhũng cần áp dụng hình phạt tử hình


Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này đưa trách nhiệm hình sự của pháp nhân là rất cần thiết. Bởi vì, trên thực tế, pháp nhân gây ra nhiều hậu quả và nguy hại đến con người, xã hội. Trong khi đó, việc xử lý hành chính chưa đủ mạnh và nhiều khó khăn. Nhiều vụ việc lớn về trốn thuế, nợ bảo hiểm xã hội, gây ô nhiễm môi trường... cần phải xử lý hình sự.


Tôi cũng đồng tình việc Bộ luật Hình sự quy định về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tôi. Quy định này tạo ra sự minh bạch, có tác dụng giáo dục người chưa thành niên. Đồng thời, cơ quan thi hành pháp luật sẽ áp dụng xử lý chính xác hơn. Ngoài ra, tôi tán thành việc bỏ 7 tội danh tử hình mà nên áp dụng hình phạt chung thân suốt đời, không có hình thức giảm án cho các tội danh này. Đặc biệt, tôi đề nghị bổ sung tội tham ô, tham nhũng phải tử hình. Bởi vì tội danh này để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, làm tha hóa nhân cách con người, tạo ra các tệ nạn xã hội. Đồng thời bổ sung thêm tội danh công chứng, chứng thực trái pháp luật vì đã có không ít trường hợp sai sót, để lại hậu quả về tranh chấp, thua thiệt cho người trong cuộc.


Nguyễn Thiện Hùng 
(Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh)
V.G (ghi)

 

--------------------------------------------------------------------------


Góp ý về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên


Thực trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật hiện nay đang ở mức báo động. Nhiều vụ án xảy ra ở mức độ rất nghiêm trọng. Vì thế, quan điểm cần tránh bớt việc xử lý hình sự với người chưa thành niên phạm tội là hoàn toàn đúng đắn nhưng tôi thấy băn khoăn một số vấn đề sau:


Hiện nay, hành vi xúi giục người chưa thành niên phạm tội chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chứ không phải là tội danh cụ thể. Trong khi đó, chính sự xúi giục của kẻ xấu mới là tác nhân lớn nhất khiến các em phạm tội. Vì thế, đối với những người cầm đầu, xúi giục hoặc kích động trẻ em phạm tội, nếu chứng minh được hành vi tác động đó trực tiếp dẫn đến việc người chưa thành niên phạm tội thì cần buộc họ chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với tội phạm mà người chưa thành niên phạm tội. Có như vậy mới giảm bớt được tình trạng người chưa thành niên phạm tội.


Lê Quang Vũ
(Hẻm 72 Đồng Nai, Nha Trang)