09:01, 23/01/2019

Học 2 buổi/ngày cấp tiểu học: Cần thêm trường, lớp

Dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học là một trong những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới; song bài toán về cơ sở vật chất, phòng học đang là vấn đề nan giải ở một số địa bàn.

Dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học là một trong những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới; song bài toán về cơ sở vật chất, phòng học đang là vấn đề nan giải ở một số địa bàn.


Gần 92% học sinh học 2 buổi/ngày


Năm học 2018 - 2019, vì không đủ phòng học cho tổng cộng hơn 1.100 học sinh (HS), Trường Tiểu học Phước Long 2 (TP. Nha Trang) chỉ có thể tập trung dạy 2 buổi/ngày với khối lớp 1, 2, các khối lớp 3, 4, 5 đều học 1 buổi. Một trong những điểm dễ nhận biết của lớp học 1 buổi/ngày là phòng học được phân chia theo 2 lớp sáng - chiều, mỗi lớp có 2 sơ đồ với phần trang trí khác nhau. Theo cô Huỳnh Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng nhà trường, trường chỉ có 14/30 lớp học 2 buổi/ngày, đạt 46,7%. Thiệt thòi rất lớn đối với các em học 1 buổi/ngày là không được tham gia các môn học tự chọn như tiếng Anh, Tin học như HS cùng khối lớp ở phần lớn các trường tiểu học khác, vì vậy không đáp ứng được chương trình tiểu học mới. Các hoạt động ngoại khóa của nhà trường cũng khó tập trung đông HS…

 

Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang).

Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang).


Ngoài Trường Tiểu học Phước Long 2, TP. Nha Trang còn có 3 trường chưa đảm bảo 100% HS học 2 buổi/ngày, trong tổng số 41 trường tiểu học. Số HS vào lớp 1 tăng nhanh, sự hình thành của các khu đô thị làm tăng dân số đột biến ở một số địa bàn như: Phước Đồng, Phước Long, Phước Hải, Vĩnh Hòa… khiến cho việc triển khai dạy 2 buổi/ngày của thành phố càng “căng” hơn. Trong khi đó, trường, lớp và biên chế giáo viên gần như không tăng. Tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày của TP. Nha Trang năm học này đã giảm 0,8% so với năm trước (từ 96,7% xuống còn 95,9%). Chưa kể sĩ số nhiều lớp lên đến 40 - 45 em, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.


Tính chung toàn tỉnh, năm học này có 195/197 trường tiểu học với 91,8% HS được học 2 buổi/ngày. Trong đó, 2 trường chưa triển khai dạy 2 buổi/ngày là Tiểu học Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa) và Tiểu học - THCS Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh). Tuy nhiên, trong số các trường đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày thì vẫn còn những điểm trường, khối lớp dạy 1 buổi/ngày vì thiếu phòng học. Chỉ có 2 huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh đã thực hiện dạy 2 buổi/ngày đối với 100% HS tiểu học.


Cần thêm trường, thêm lớp


Theo ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, dạy học 2 buổi/ngày, với thời lượng tối đa 7 tiết/ngày nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho HS; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lý và giáo dục HS của gia đình và xã hội... Ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, nhờ được tỉnh đầu tư đảm bảo các điều kiện dạy học 2 buổi/ngày nên HS dân tộc thiểu số đi học chuyên cần hơn và có điều kiện tăng cường tiếng Việt.

 

zzHọc sinh một trường tiểu học của TP. Nha Trang.

Học sinh một trường tiểu học của TP. Nha Trang.

 

Theo quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến 2025 đã được điều chỉnh, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ thành lập thêm 6 trường tiểu học. Giai đoạn 2021 - 2025, thành lập thêm 2 trường.

Từ năm học 2020 - 2021, khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đối với khối lớp 1, một trong những yêu cầu đề ra là các trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày để đảm bảo các nội dung giáo dục. Tại Khánh Hòa, đến thời điểm đó, dự kiến sẽ đảm bảo 100% HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày, còn HS tiểu học phấn đấu đạt 95%. Đối với các trường, lớp chưa thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn về vấn đề này, trong đó có thể bố trí thêm buổi học thứ 6 trong tuần để bảo đảm hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.


Trong bối cảnh đổi mới giáo dục nói chung và nhằm đảm bảo đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% HS tiểu học nói riêng, các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thêm trường, lớp. Việc đầu tư cần ưu tiên cho các trường ở địa bàn có dân số tăng nhanh do hình thành các khu đô thị và một số vùng khó khăn. Bên cạnh đó, tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ giáo viên, trong đó có đội ngũ giáo viên Tin học, ngoại ngữ, đảm bảo các điều kiện đón đầu Chương trình giáo dục phổ thông mới.


H.NGÂN