09:09, 04/09/2019

Kiến nghị xây dựng kè suối Phước Thủy

Suối Phước Thủy (xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh) nằm ở hạ lưu tràn xả lũ hồ chứa nước Đá Đen. Qua nhiều năm, dòng suối bị sạt lở. Điều này dẫn đến nguy cơ đất sản xuất ven bờ suối cũng bị sạt lở khi hồ xả lũ. Vì vậy, việc xây dựng kè gia cố, bảo vệ 2 bờ suối Phước Thủy là rất cần thiết.

Suối Phước Thủy (xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) nằm ở hạ lưu tràn xả lũ hồ chứa nước Đá Đen. Qua nhiều năm, dòng suối bị sạt lở. Điều này dẫn đến nguy cơ đất sản xuất ven bờ suối cũng bị sạt lở khi hồ xả lũ. Vì vậy, việc xây dựng kè gia cố, bảo vệ 2 bờ suối Phước Thủy là rất cần thiết.


Sinh sống và sản xuất bên bờ suối Phước Thủy hơn 40 năm qua, ông Võ Hết (thôn Xuân Thọ, xã Xuân Sơn) luôn cảm thấy bất an vào mùa mưa, nhất là khi hồ chứa nước Đá Đen xả lũ làm đất sản xuất của gia đình ông bị xói lở, cuốn trôi cây trồng theo dòng nước. Đưa chúng tôi ra khu vực suối, ông Hết cho biết, lòng suối Phước Thủy trước đây chỉ có hơn 1m, thế nhưng hiện nay đã xói lở rộng hơn 5m, riêng gia đình ông đã mất hơn 1.000m2 đất sản xuất. Hiện giờ ông chỉ có thể trồng cỏ cho bò chứ không dám mạnh dạn trồng các loại cây khác.

 

Nhiều đoạn suối Phước Thủy gây sạt lở đất sản xuất của người dân

Nhiều đoạn suối Phước Thủy gây sạt lở đất sản xuất của người dân


Bà Võ Thị Đường (thôn Xuân Thọ) cũng có diện tích đất sản xuất nằm cạnh bờ suối Phước Thủy. Bà cho biết, dù có hơn 2ha đất vườn nhưng bà chỉ có thể trồng các loại cây màu trên diện tích vườn nằm xa bờ suối do sợ bị xói lở gây thiệt hại sản xuất. Bà rất mong các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm xây dựng kè bảo vệ 2 bên bờ suối để tránh sạt lở đất sản xuất của người dân.


Theo quan sát của chúng tôi, việc xói lở đã tạo nên lòng suối với mặt cắt ngang có nơi rộng đến 15m, ăn sâu vào đất sản xuất của người dân, cây trồng bị bong gốc, đổ ngã. Ông Trần Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết, suối Phước Thủy nằm ở hạ lưu tràn xả lũ hồ chứa nước Đá Đen, có chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa bàn xã Xuân Sơn và xã Vạn Lương. Phạm vi ảnh hưởng lớn nhất là đoạn suối ngay sau tràn xả lũ đến cầu Xuân Thọ dài khoảng 2km, đây là khu vực xảy ra xói lở mạnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của hàng chục hộ sống ven suối do sạt lở đất và hơn 65 hộ bị ảnh hưởng ngập lụt. Riêng về đất sản xuất, dọc 2 bên bờ suối có khoảng 10ha đất nông nghiệp bị sạt lở và 150ha lúa bị ngập lụt khi có mưa lớn kết hợp với lượng nước xả lũ của hồ chứa nước Đá Đen.


Những năm qua, cử tri địa phương thường xuyên kiến nghị các cấp quan tâm xem xét xây dựng kè gia cố, bảo vệ 2 bên bờ suối Phước Thủy. Với kiến nghị trên, huyện Vạn Ninh đã cấp kinh phí hỗ trợ địa phương hơn 330 triệu đồng làm kè rọ đá tạm thời với chiều dài 40m mỗi bên, đồng thời nạo vét điểm đầu tại khu vực tràn xả lũ. Theo lãnh đạo huyện, đây chỉ là giải pháp tình thế chứ chưa làm giảm nguy cơ xói lở 2 bên suối, nhất là khi mùa mưa đang đến. Chỉ cần hồ chứa nước Đá Đen xả lũ với lưu lượng khoảng 30m3/giây là có thể gây xói lở và ngập lụt cho vùng hạ du. Để bảo vệ người dân và đất sản xuất hai bên bờ suối thì cần xây dựng kè kiên cố.


Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, địa phương đã thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ sạt lở hai bên bờ suối Phước Thủy. Qua đánh giá, địa phương nhận thấy việc đầu tư khơi thông, mở rộng dòng chảy, điều chỉnh các đoạn chảy bị uốn cong và xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ suối Phước Thủy (đoạn từ hạ lưu tràn xả lũ của hồ chứa nước Đá Đen đến cầu Xuân Thọ với chiều dài mỗi bên khoảng 1,5km) là rất cần thiết. Điều này nhằm bảo đảm khả năng tiêu thoát lũ, chống ngập úng, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong khu vực. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư dự kiến để thực hiện tuyến kè trên rất lớn, khoảng 36 tỷ đồng. Vì vậy, huyện đã có tờ trình đề nghị tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương và hỗ trợ kinh phí để huyện thực hiện đầu tư xây dựng công trình kè gia cố, bảo vệ bờ suối Phước Thủy.


Thanh Hải