11:04, 29/04/2017

Những khúc hát reo mừng hòa bình

Ngày 30-4-1975, miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất. Thời khắc lịch sử đó, toàn dân đã xuống đường hát vang những ca khúc vui mừng chiến thắng.  Những ca khúc như: Đất nước trọn niềm vui, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Nối vòng tay lớn... lần đầu tiên vang lên trên đài phát thanh ở cả hai miền Nam, Bắc...

Ngày 30-4-1975, miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất. Thời khắc lịch sử đó, toàn dân đã xuống đường hát vang những ca khúc vui mừng chiến thắng.  Những ca khúc như: Đất nước trọn niềm vui, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Nối vòng tay lớn... lần đầu tiên vang lên trên đài phát thanh ở cả hai miền Nam, Bắc đã trở thành những khúc ca reo mừng hòa bình, thống nhất đất nước.  

Trong những tháng ngày lịch sử đó, cả dân tộc dõi theo bước chân của đoàn quân giải phóng. Tin vui chiến thắng đã trở thành niềm cảm hứng để các nhạc sĩ viết nên nhiều khúc ca hùng tráng, dự cảm về ngày toàn thắng của dân tộc. Ngày 2-4 ở Nha Trang, ngay khi thành phố giải phóng, nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy (tên thật là Trần Đình Lý)  đã viết nên ca khúc Nha Trang giải phóng với giai điệu sôi nổi, ca từ ngắn gọn mà tươi vui: “Tin vui Nha Trang giải phóng/Gông cùm Nha Trang ta giải phóng…”. Nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy kể rằng, khi nhìn hàng ngàn người reo vui mừng thành phố được giải phóng, nhạc sĩ đã nhớ ngay đến Bác Hồ, tưởng tượng nếu như còn sống Người sẽ đi thăm từng nhà nên mới viết “Bác đã về đây với Nha Trang, với mọi nhà”. Ca khúc nhanh chóng được lan truyền, hát vang trên đường phố.  

 

Ca khúc Đất nước trọn niềm vui do Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn

Ca khúc Đất nước trọn niềm vui do Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn


Nhạc sĩ Hoàng Hà kể rằng, cuối tháng 4-1975, tin tức về các cánh quân ta bao vây bốn phía chuẩn bị đánh vào Sài Gòn đã tạo cho ông một niềm hưng phấn kỳ lạ. Dự cảm về ngày chiến thắng đã đến rất gần, đêm 26-4, trong căn nhà ở Yên Phụ, Hà Nội, ông đã viết khúc khải hoàn ca Đất nước trọn niềm vui với giai điệu thiết tha, rộn ràng: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say những bước chân rộn về đây. Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng...”. Ngay sáng hôm sau, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tiến hành thu âm ca khúc này với giọng hát của NSND Trung Kiên.


Cũng trong thời khắc lịch sử đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết ca khúc Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng với lòng thành kính tưởng nhớ vị cha già của dân tộc. Chiều 30-4-1975, cùng với tin thông báo Sài Gòn được giải phóng, khúc ca khải hoàn Đất nước trọn niềm vui, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng đã vang lên trên làn sóng phát thanh làm nức lòng muôn triệu con tim người dân Việt.


Trong khi cả nước đang reo mừng chiến thắng, trưa 30-4-1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đến Đài Phát thanh Sài Gòn để hát Nối vòng tay lớn, kêu gọi tinh thần hòa hợp dân tộc. “Rừng núi dang tay nối lại biển xa. Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà...”, những lời ca đầy nhiệt huyết, tràn đầy tình yêu quê hương, yêu chuộng hòa bình lần đầu tiên được vang lên trên làn sóng phát thanh.


Trước khi cất tiếng hát kêu gọi người Việt “từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói những lời ruột gan, tâm huyết: “…Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta, là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này cũng như những điều mơ ước (của) các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất (thì) hôm nay chúng ta đã đạt được...”.


42 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, nhưng mỗi khi nghe lại những lời kêu gọi đầy tâm huyết, trách nhiệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta không khỏi xúc động về tinh thần yêu chuộng hòa bình, yêu quê hương đất nước của ông. “Tổ quốc muôn đời trọn vẹn cả non sông thống nhất, rạng rỡ Việt Nam” không chỉ là tiếng lòng của người nghệ sĩ mà đã trở thành khát vọng của cả dân tộc Việt Nam.


THÀNH NGUYỄN