10:01, 29/01/2019

Để vô địch, không thể "chơi" bóng

Tuy không được đánh giá cao bằng đội tuyển Iran tại Asian Cup 2019, nhưng đội tuyển Nhật Bản mới là đội bước vào chung kết sau trận bán kết với đội tuyển Iran. Không chỉ là một trận thắng, Nhật Bản còn dạy cho Iran một bài học: để vô địch, "chơi" bóng giỏi vẫn là chưa đủ.

Tuy không được đánh giá cao bằng đội tuyển Iran tại Asian Cup 2019, nhưng đội tuyển Nhật Bản mới là đội bước vào chung kết sau trận bán kết với đội tuyển Iran. Không chỉ là một trận thắng, Nhật Bản còn dạy cho Iran một bài học: để vô địch, “chơi” bóng giỏi vẫn là chưa đủ.
 
Đội tuyển Nhật Bản cho thấy bản lĩnh vượt trội so với đội tuyển Iran tại Asian Cup 2019.
Đội tuyển Nhật Bản cho thấy bản lĩnh vượt trội so với đội tuyển Iran tại Asian Cup 2019.
Trước khi trận bán kết Asian Cup 2019 diễn ra, mọi sự chú ý đều hướng về phía đội tuyển Iran, chứ không phải là đội tuyển Nhật Bản, dù cho đội tuyển Nhật Bản mới là đội đang nắm giữ kỷ lục 4 lần vô địch Asian Cup vào các năm: 1992, 2000, 2004 và 2011. Đó là bởi, đội tuyển Iran không chỉ đã từng 3 lần vô địch Asian Cup vào các năm: 1968 , 1972 và 1976, mà họ còn có thành tích thi đấu cực kỳ ấn tượng tại Asian Cup 2019. Trước khi trận bán kết diễn ra, đội tuyển Iran đã có 5 trận bất bại (4 thắng 1 hòa), ghi được 12 bàn không để thủng lưới bàn nào. Các cầu thủ đội tuyển Iran cũng có không ít người đang thi đấu ở các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu, có thể hình cũng như kỹ thuật cá nhân rất tốt.
 
Trong khi đó, con đường đi tới trận bán kết Asian Cup 2019 của đội tuyển Nhật Bản lại gập ghềnh hơn khá nhiều. Tuy trước đó đã toàn thắng cả 5 trận tại Asian Cup 2019, nhưng cách mà đội tuyển Nhật Bản vượt qua đối thủ khó khăn, chật vật hơn đội tuyển Iran rất nhiều. Cả 5 trận thắng đội tuyển Nhật Bản đều vượt qua đối thủ chỉ với 1 bàn chênh lệch, trong đó có những trận thắng đầy khó khăn trước những đối thủ được đánh giá thấp hơn nhiều như: Turkmenistan, Oman, Việt Nam… Qua 5 trận đấu, đội tuyển Nhật Bản ghi được 8 bàn thắng, để thủng lưới 3 bàn, có 3 trận chỉ thắng với tỷ số tối thiểu 1-0. Xét các chỉ số ở trên, việc đội tuyển Iran được đánh giá cao hơn đội tuyển Nhật Bản cũng là điều hết sức bình thường.
 
Nhưng có lẽ rất nhiều người đã bị những chỉ số “khủng” của đội tuyển Iran che mất đi những thực tế về đội tuyển Nhật Bản. Đó là việc đội tuyển Nhật Bản mới là đội toàn thắng tại Asian Cup 2019 cho tới thời điểm hiện tại; đó là việc trong đội hình đội tuyển Nhật Bản cũng có không ít tuyển thủ thi đấu ở những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu; đó là đội tuyển Nhật Bản đã suýt nữa thì tiễn đội tuyển Bỉ với rất nhiều tuyển thủ hàng đầu thế giới về nước tại World Cup 2018; đó là đội tuyển Nhật Bản là đội đề ra mục tiêu vô địch Asian Cup 2019 với phong cách thực dụng hơn, hướng tới những mục tiêu xa hơn như World Cup 2022.
 
Phong cách thực dụng là phong cách nhất quán của đội tuyển Nhật Bản tại Asian Cup 2019. Với phong cách đó, họ có thể thi đấu không quá đẹp mắt, thắng không đậm, không ghi được nhiều bàn thắng, nhưng quan trọng là họ vẫn chiến thắng. Với phong cách đó, đội tuyển Nhật Bản đã dạy cho đội tuyển Iran một bài học, đó chính là: muốn vô địch, phải thi đấu, phải chiến đấu với quả bóng, chứ không phải đơn giản chỉ là “chơi” bóng. Quả thực như vậy, xem đội tuyển Iran thi đấu với đội tuyển Nhật Bản, người ta mới thấy các cầu thủ Iran chơi đơn thuần tới mức nào, chơi “ngây thơ” đến mức nào.
 
Đối đầu với đội tuyển Nhật Bản, các cầu thủ Iran vẫn chơi không khác gì các trận đấu trước. Họ vẫn tấn công ồ ạt, thoải mái sử dụng kỹ thuật cá nhân, thậm chí người ta có cảm tưởng họ đang chơi một trận futsan hơn là chơi một trận bóng đá đỉnh cao bởi tính chất biểu diễn của nó. Nhưng vấn đề là đội tuyển Nhật Bản không để cho các cầu thủ Iran được thi đấu như ý muốn. Các cầu thủ đội tuyển Nhật Bản chủ động áp sát các cầu thủ Iran ngay từ phần sân của đối phương, không cho đối phương có không gian triển khai bóng, bóp nghẹt các đợt tấn công từ khoảng cách xa với khung thành, chủ động phá lối chơi của đối phương. Và rõ ràng là các cầu thủ Iran không hề có sự chuẩn bị về mặt chiến thuật nào khác, họ không có phương án dự phòng, không có phương án hữu hiệu đối phó với chiến thuật của đội tuyển Nhật Bản. Sự ngây thơ càng thể hiện rõ qua bàn thua đầu tiên, khi mà các cầu thủ đội tuyển Iran để cho Yuya Osako ghi bàn bởi còn đang bận… phân bua với trọng tài về pha bóng có phạm lỗi hay chưa.
 
Đó là trận đấu mà đội tuyển Nhật Bản mới là đội chiếm ưu thế trong cả trận, với 53% thời lượng kiểm soát bóng, có 347 đường chuyền so với 301 đường chuyền của đội tuyển Iran, dứt điểm chinh xác 4 lần và ghi được 3 bàn thắng, so với 11 lần dứt điểm, 3 lần chính xác và không ghi được bàn thắng nào của đội tuyển Iran. Tỷ số 3-0 không chỉ cho thấy sự chênh lệch về thế trận, mà đó còn là sự chênh lệch về mặt đẳng cấp, về mặt tư duy chơi bóng giữa 2 đội. Đã hơn 40 năm người Iran chờ đợi một chức vô địch Asian Cup nữa, nhưng nếu cứ thi đấu với tư tưởng “chơi” bóng như vậy, e rằng họ sẽ còn phải tiếp tục chờ đợi trong thời gian khá dài nữa.
Cao Duy