23:18, 28/04/2023

Ký ức ngày toàn thắng

XUÂN THÀNH - ĐÌNH LÂM

Ngày 30-4-1975 là một thời khắc lịch sử không quên với dân tộc Việt Nam. 48 năm đã qua, ký ức về những trận chiến ác liệt ở các cửa ngõ Sài Gòn, hình ảnh người dân cảm xúc vỡ òa, trên tay vẫy cờ hoa chào mừng đoàn quân giải phóng vẫn còn vẹn nguyên trong tim của những người lính năm xưa.

Tiết mục Hát mừng Nha Trang giải phóng sẽ được các nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào tối 30-4. Ảnh: NHÂN TÂM
Tiết mục Hát mừng Nha Trang giải phóng sẽ được các nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào tối 30-4. Ảnh: NHÂN TÂM

Tiến về Sài Gòn

Tuy đã đi qua 48 năm nhưng trong ký ức của cựu binh Lương Văn Nhân (nguyên Chính trị viên Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10), những ngày tháng 4-1975 lịch sử không thể nào quên. Ông nhớ, sau khi giải phóng Nha Trang, Sư đoàn 10 đã hành quân hướng về miền Nam. Trải qua những trận chiến ác liệt, chiều 22-4, Sư đoàn 10 có mặt tại huyện Dầu Tiếng, Tây Ninh để chuẩn bị bước vào đợt quyết chiến cuối cùng - chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Là đơn vị chủ lực của Quân đoàn 3 (đánh về Sài Gòn từ hướng Tây Bắc), Sư đoàn 10 được giao nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.

Cựu binh Lương Văn Nhân xem lại những phần thưởng của thời trai trẻ tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Sáng 27-4, lực lượng Sư đoàn 10 được tăng cường thêm Trung đoàn Đặc công 198, Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320, chia làm 2 hướng bắt đầu đánh chiếm cầu Bông trên Quốc lộ 1 và cầu Sáng nằm trên đường 25. “Đây là 2 tuyến đường huyết mạch tiến về nội ô Sài Gòn từ hướng Tây Bắc, được địch bố trí lực lượng phòng ngự rất mạnh. Vì thế, sư đoàn phải bố trí lực lượng tổng hợp dùng xe tăng, pháo binh, bộ binh, đặc công đánh liên tục trong suốt ngày 27 và 28-4 mới mở thông được 2 tuyến đường này. Đến sáng 29-4, cánh quân của Quân đoàn 3 đã vào đến đất Củ Chi. Địch điều tiểu đoàn biệt động quân cùng số lượng lớn xe tăng, xe thiết giáp tổ chức chống cự ở đoạn đường băng qua cánh đồng Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Với sức tiến công mạnh mẽ của quân ta, sau hơn 1 giờ giao chiến, địch phải bỏ chạy, vứt bỏ xe tăng, xe thiết giáp rất nhiều. Cánh cửa phía Tây Bắc Sài Gòn được mở ra, chiều tối 29-4, Sư đoàn 10 đã đến khu vực sát sân bay Tân Sơn Nhất. Khi ấy, chúng tôi đã nhìn thấy đường băng của quân địch, các máy bay nằm xa xa, nhưng vì chưa có lệnh tiến nên phải ém quân lại”, ông Lương Văn Nhân kể.

Với cựu chiến binh Đỗ Hữu Việt (nguyên Giám đốc Công ty Thủy sản 584 Nha Trang), ký ức về những ngày tiến về Sài Gòn vẫn còn vẹn nguyên. Khi ấy, với quân hàm Thượng sĩ, là Trợ lý quân lực Ban Tham mưu Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), ông Việt tham gia chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ. Tháng 4-1975, Trung đoàn 141 vòng từ chiến trường Tây Ninh xuống tiêu diệt chi khu Định Quán, khai thông đường 20, cùng đơn vị bạn tấn công phá vỡ tuyến phòng thủ Xuân Lộc và tiến thẳng vào Sài Gòn theo hướng Quốc lộ 1 và trực tiếp cùng các lực lượng khác giải phóng Sài Gòn. “Khi được lệnh giải phóng Sài Gòn, anh em ai cũng xung phong ra trận. Lúc đó, nhiều người bị sốt rét nặng cũng xin được tham gia chiến dịch. Bao nhiêu năm anh em chiến đấu, bao nhiêu năm nằm rừng, nếm mưa bom, bão đạn cũng chỉ chờ có ngày giải phóng miền Nam để kết thúc chiến tranh”, ông Việt bùi ngùi nhớ lại.

Ngày 30-4 lịch sử

Sáng 30-4, Sư đoàn 10 sử dụng lực lượng Trung đoàn 24 thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; Trung đoàn 28 phối hợp với Trung đoàn 24 đánh từ ngã tư Bảy Hiền vào chiếm Bộ Tổng tham mưu địch. Ông Lương Văn Nhân nhớ lại: “Sáng sớm 30-4, chúng tôi xuất kích vào sân bay. Với sự hỗ trợ của biệt động thành, lực lượng tăng thiết giáp đi đầu đánh mở đường. Trên đường tiến quân, lực lượng của ta gặp phải sự kháng cự quyết liệt của địch, nhất là tại mũi tiến công vào cổng số 5. Chúng sử dụng xe tăng, pháo binh bắn cháy một số xe tăng và gây cho ta không ít thương vong ở khu vực Lăng Cha Cả. Lực lượng Tiểu đoàn 4 đi đầu bị thiệt hại nặng. Từ phía sau vượt lên, tôi thấy nhiều anh em ở đơn vị cũ bị thương nhưng không thể dừng lại”. Gần 11 giờ ngày 30-4, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn 24 đã vào chiếm giữ gần hết các mục tiêu trong sân bay Tân Sơn Nhất. Khi vào sân bay Tân Sơn Nhất, quân ta chia lực lượng để chốt giữ. Đến hơn 12 giờ, những người lãnh đạo ở Sư đoàn 10 mới biết quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện!

Đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)
Đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)

Trong lúc đó, từ trưa 28-4, Quân đoàn 4 đã có mặt ở sông Thị Nghè, cách Dinh Độc Lập không bao xa. Tuy nhiên, thời điểm này quân địch vẫn chống trả quyết liệt, quân ta chưa thể tiến nhanh để đánh chiếm sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Rạng sáng 30-4, Trung đoàn 141 nhận được lệnh sẽ tiến đánh vào Dinh Độc Lập để cắm cờ và chút nữa thì “làm nên lịch sử”. “Do thiếu giao liên nên đã đánh chệch hướng. Khi nghe đài phát thanh phát lời đầu hàng của Dương Văn Minh thì chúng tôi đang ở khu Chợ Lớn…”, ông Đỗ Hữu Việt nhớ lại. Sau này, ông Việt cùng đồng đội mới biết, sau khi tiêu diệt cụm chốt cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại cầu Thị Nghè, Tiểu đoàn Xe tăng 1 (Lữ đoàn 203, thuộc Quân đoàn 2) đã tiếp cận cổng Dinh Độc Lập qua ngả Thảo Cầm Viên. Xe tăng 843 lao vào húc cánh cổng phụ bên trái của dinh nhưng bị kẹt lại. Còn xe tăng 390 do Chính trị viên Đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy húc đổ cánh cổng chính và tiến vào sân Dinh Độc Lập. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã ra khỏi xe tăng 843, lấy cờ trên xe đem vào treo lên cột cờ trên Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975.

Ông Đỗ Hữu Việt xem lại hình ảnh lưu niệm những lần họp mặt cùng đồng đội tham gia giải phóng Sài Gòn năm 1975.

Trong ký ức của những người lính giải phóng miền Nam năm ấy, đường phố Sài Gòn khi đơn vị tiến quân vào trưa 30-4 lúc đấy khá vắng lặng, quần áo, súng ống của lính chế độ cũ vứt đầy đường. Mãi đến khi lời đầu hàng của Dương Văn Minh vang lên trên đài phát thanh thì quân và dân ta hò reo, ăn mừng. Tiếng súng vang lên khắp nơi để mừng đất nước được giải phóng. Bao năm mong chờ, giờ phút lịch sử thống nhất đã đến. Tin quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, đất nước được thống nhất được loan báo qua đài phát thanh. Ở Nha Trang, từ trưa 30-4, nhiều người dân biết tin cũng đã đổ ra đường ăn mừng. “Khi ấy, tất cả ai cũng vui mừng khôn xiết. Ngay trong đêm 30-4, phường Tân Lập đã tổ chức văn nghệ chào mừng, thông báo cho người dân: Sài Gòn đã được giải phóng. Những ngày sau, các phường khác cũng tổ chức văn nghệ chào mừng ngày thống nhất đất nước… Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử ấy”, ông Võ Đình Thu (khi ấy là Chủ tịch Ủy ban Quân quản phường Tân Lập, Nha Trang) nhớ lại!

Năm tháng đi qua, niềm vui của ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. “Đêm đầu tiên trên đất Sài Gòn, tôi nôn nao không ngủ vì quá vui mừng. Cuối cùng, đất nước cũng thống nhất, mình sẽ được trở về. Giây phút ấy, tôi nhớ những đồng đội đã hy sinh, họ không được may mắn như chúng tôi”, ông Việt nói.

XUÂN THÀNH - ĐÌNH LÂM