22:07, 21/04/2023

Khó quản việc dạy thêm, học thêm

HOÀNG NGÂN

Hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang tràn lan các trung tâm, cơ sở... tổ chức dạy thêm, học thêm ở tất cả cấp học. Nguyên nhân ban đầu là do áp lực học hành, thi cử, tiếp đến từ yêu cầu của phụ huynh và cả giáo viên… nên nhiều học sinh đang phải gồng mình với những buổi học thêm kín lịch.

Chạy sô học thêm

Tan trường lúc 16 giờ 30, em N.N.T (Trường Tiểu học Vĩnh Hòa 2) được mẹ đợi sẵn ở cổng trường. Ngồi trên xe, ăn vội ổ bánh mì, em được mẹ đưa tới nhà cô giáo để cô kèm cặp, phụ đạo. Gần 18 giờ, bà Hạnh, mẹ em lại tất tả chở con đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm. Những ngày cuối tuần, em cũng gần như không được nghỉ ngơi bởi lịch học thêm kín mít. “Cháu tiếp thu chậm, nếu không đi học thêm thì không theo kịp các bạn. Giờ học chương trình mới, cha mẹ cũng không biết kèm cặp con ra sao!”, bà Hạnh cho biết.

Học sinh theo học tại một trung tâm gia sư trên đường Mạc Đĩnh Chi.
Học sinh theo học tại một trung tâm gia sư trên đường Mạc Đĩnh Chi.

Nhiều học sinh cấp THCS, THPT cũng trong cảnh tương tự. Không ít học sinh ngoài buổi học chính khóa còn phải “chạy sô” tới 3, 4 ca học thêm mỗi ngày. Bà Lê Ngọc My, có con học lớp 9 Trường THCS Bùi Thị Xuân cho biết: “Cháu còn yếu mấy môn Hóa, Sinh nhưng giờ không còn thời gian, phải tập trung học mấy môn chính trước để chuẩn bị thi vào lớp 10. Đưa đón con cả ngày tôi cũng mệt, nhưng không học thì cháu khó vào được lớp 10 công lập chất lượng”.

Ngoài những học sinh có nhu cầu học thêm thực sự, cũng có không ít phụ huynh cho con đi học thêm chỉ vì bận đi làm nên nhờ cô giữ giùm, hoặc đi học cho yên tâm, hay được cô “gợi ý” vì quá áp lực về điểm số… Hiệu trưởng một trường THCS cho hay: “Tôi đã tìm hiểu, có rất nhiều học sinh chia sẻ với các thầy cô là không muốn đi học thêm nhưng cha mẹ bắt đi. Thực tế, các em đi học chỉ để đối phó, không hiểu bài. Nhiều em quá tải vì học thêm, không có thời gian tham gia các hoạt động, trau dồi các kỹ năng khác”.

Nở rộ dạy thêm, học thêm

Xuất phát từ nhu cầu của đông đảo phụ huynh, học sinh, việc dạy thêm, học thêm cũng được tổ chức dưới nhiều hình thức. Cứ vào chiều tối, một trung tâm gia sư trên đường Mạc Đĩnh Chi lại có rất đông học sinh theo học, từ lớp 1 đến lớp 12. Tại đây, các học sinh cặm cụi ghi chép, làm bài, còn giáo viên liên tục đi lại, dò bài, kèm cặp. Không chỉ vậy, tình hình học tập hàng ngày được giáo viên theo dõi và thông báo đến phụ huynh. Trung tâm này còn nhận bán trú cấp 2, cấp 3, luyện thi lớp 9 lên 10, luyện thi đại học, tổ chức học theo nhóm, học 1 kèm 1, gia sư tại nhà…

Tại một địa điểm dạy thêm khác trên đường Trần Quý Cáp, trong căn phòng chật hẹp, hàng chục học sinh cấp 3 ngồi san sát nhau trên các dãy bàn. Phụ huynh một học sinh lớp 12 học tại đây cho biết: “Tôi nghe người quen giới thiệu nên cho con học thử. Điều kiện dạy học tuy có hơi chật chội nhưng nếu thầy dạy tốt thì cháu sẽ theo luôn”.

Hình ảnh một lớp học thêm trên đường Trần Quý Cáp được giáo viên đăng lên mạng.

Các hình thức dạy thêm tại nhà cũng muôn hình vạn trạng. Nhiều giáo viên tổ chức dạy tại nhà riêng, hoặc phụ huynh đứng ra tổ chức học cho nhóm và mời giáo viên đến dạy. Trên nhiều trang mạng xã hội, một số giáo viên đăng thông tin mở lớp dạy kèm, dạy thêm công khai, thậm chí cả ở cấp tiểu học, mầm non. Không ít phụ huynh cũng lên mạng để tìm gia sư, giáo viên cho con.

Thầy Trần Thiện Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản cho biết, gần như 100% học sinh của trường đều đi học thêm trong hoặc ngoài trường, không môn này thì môn khác. Hiện nay, trường có khoảng 1.400 học sinh, nhưng chỉ có hơn 300 em học thêm tại trường, chủ yếu là lớp 6 đến lớp 8. Học sinh lớp 9 đa số đăng ký học thêm ở ngoài trường để ôn thi chuyển cấp. Phần lớn phụ huynh muốn gửi con học thêm ở ngoài trường và lựa chọn giáo viên theo mong muốn của mình.

Được biết, tháng 9-2022, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục ngoài học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa tỉnh. Theo đó, các trường tổ chức dạy thêm trong nhà trường không được thu vượt quá 12.000 đồng/học sinh/tiết (cấp THCS) hoặc quá 15.000 đồng/học sinh/tiết (cấp THPT). Mức thu này thấp hơn so với mức thu do các trường thỏa thuận với cha mẹ học sinh trước đây. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số giáo viên, nhà trường không mặn mà với dạy thêm trong nhà trường và học sinh phải ra ngoài học. 

Cần có sự quản lý bài bản, đồng bộ

Ông Trần Nguyên Lập - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Nha Trang cho biết, trước đây, theo Thông tư số 17/2012 của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT có thẩm quyền cấp phép dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường đối với cấp THPT; phòng GD-ĐT cấp phép đối với cấp THCS. Riêng cấp tiểu học nghiêm cấm dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, năm 2019, Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định 2499 công bố hết hiệu lực một số điều của Thông tư số 17. Theo đó, sở và phòng GD-ĐT không còn chức năng cấp phép dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường. Cá nhân hay tổ chức muốn thành lập trung tâm, cơ sở dạy thêm, học thêm ngoài trường chỉ cần liên hệ qua Sở Kế hoạch và Đầu tư xin cấp phép thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Giáo viên không được tổ chức dạy thêm mà chỉ được tham gia giảng dạy tại các công ty dưới sự cho phép của hiệu trưởng. Còn việc dạy thêm trong nhà trường do hiệu trưởng chịu trách nhiệm.

Do không còn chức năng cấp phép dạy thêm, học thêm nên hiện nay, Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang không nắm được có bao nhiêu trung tâm, cơ sở dạy thêm ở ngoài nhà trường và đã được cấp phép hay chưa. Để kiểm tra việc dạy thêm, học thêm chỉ có thể thực hiện khi UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Còn lại hoạt động dạy thêm, học thêm do UBND các xã, phường quản lý. Bà Nguyễn Minh Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Phước Long cho biết: “Hàng năm, trên địa bàn phường có một số cơ sở dạy thêm giải thể, một số mới mở nên phường đang rà soát, thống kê lại. Riêng đối với những nhóm do giáo viên đứng lớp dạy chỉ khoảng 5, 7 em thì phường không nắm hết được. Mỗi lần kiểm tra, người dạy nói chỉ kèm cặp cho con cháu trong nhà, hay con của bạn bè gửi gắm nên rất khó xử lý”.

Được biết, năm 2014, phòng GD-ĐT TP. Nha Trang ban hành quy định xử lý hành chính đối với công chức, viên chức giáo dục thuộc phòng quản lý vi phạm quy định dạy thêm. Trong đó, nêu rõ hình thức xử lý, như: Giáo viên vi phạm lần thứ nhất thì xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ năm học; vi phạm lần thứ hai thì bị xem xét điều chuyển công tác; tập thể có cá nhân vi phạm cũng bị hạ thi đua. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có trường hợp nào bị xử lý. Lãnh đạo phòng GD-ĐT thành phố cho rằng, nếu xử lý những vi phạm về dạy thêm, học thêm thì cả nước phải làm đồng bộ, triệt để, chứ nơi này làm, nơi kia không thì rất khó. Hiệu trưởng một trường THCS thừa nhận: “Hiện nay, chỉ có thể quản lý dạy thêm trong nhà trường, chứ không thể kiểm soát được việc giáo viên dạy thêm ở ngoài trường. Nếu biết, cũng không nỡ xử lý vì giáo viên cũng cần có thêm nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống, trong điều kiện đồng lương nhà giáo còn eo hẹp như hiện nay. Thêm nữa, nếu kỷ luật giáo viên thì hiệu trưởng cũng bị trách nhiệm liên đới”.

Dạy thêm, học thêm là nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm tràn lan, học theo phong trào, thiếu sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ, đồng bộ chỉ tốn kém về thời gian, tiền bạc của phụ huynh mà không mang lại hiệu quả. Khi nào chưa giải quyết được những bất cập của ngành giáo dục như chương trình quá nặng, chạy đua theo thành tích, đồng lương giáo viên không đủ sống, các quy định, chế tài quản lý chưa chặt chẽ, rõ ràng... thì việc dạy thêm, học thêm có lẽ vẫn là một câu chuyện dài chưa có hồi kết.

HOÀNG NGÂN