05:04, 07/04/2023

Bên trong phòng hồi sức sơ sinh

Trái ngược với nhịp sống bên ngoài đầy sôi động, bên trong phòng hồi sức sơ sinh, Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), mỗi khoảnh khắc, mỗi phút giây và mỗi nhịp thở của các bé sinh non, yếu ớt đang được đội ngũ y, bác sĩ nuôi dưỡng, ấp ủ, chiến đấu và dành sự sống để được trở về khỏe mạnh trong vòng tay cha mẹ.

Trái ngược với nhịp sống bên ngoài đầy sôi động, bên trong phòng hồi sức sơ sinh, Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), mỗi khoảnh khắc, mỗi phút giây và mỗi nhịp thở của các bé sinh non, yếu ớt đang được đội ngũ y, bác sĩ nuôi dưỡng, ấp ủ, chiến đấu và dành sự sống để được trở về khỏe mạnh trong vòng tay cha mẹ.
 
Công việc áp lực 
 
Hơn 7 giờ, bàn giao ca trực xong, điều dưỡng Đặng Thị Thu Hương bắt đầu kiểm tra ven em bé bệnh nặng, rồi đến các bé nhẹ hơn; kiểm tra đường huyết, dây truyền; xử trí theo y lệnh; làm hồ sơ, liên hệ người nhà; tắm, thay tã, cho bé bú sữa... Hơn chục bé nhẹ cân, sinh non, có bệnh lý đang nằm trong lồng ấp hoặc giường sưởi đều được các điều dưỡng theo dõi liên tục. Gần 12 giờ, điều dưỡng Hương tranh thủ ăn trưa rồi lại vội quay về tiếp tục công việc để điều dưỡng khác ăn trưa. 
 
Niềm vui của điều dưỡng khi các bé khỏe lên.
Niềm vui của điều dưỡng khi các bé khỏe lên.
 
 
Bác sĩ chuyên khoa II Phan Hữu Chính - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Nhi đã giành lại sự sống rất ngoạn mục cho nhiều trẻ thập tử nhất sinh, góp phần cùng bệnh viện giữ vững và nâng cao chất lượng điều trị. Thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục đầu tư cho Khoa Nhi các thiết bị thiết yếu trong cấp cứu và hồi sức cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh. Dự kiến, trong tháng 4, Khoa Nhi sẽ được trang bị bộ hạ thân nhiệt di động hiện đại dành riêng cho trẻ.
Bệnh lý ở trẻ sơ sinh rất phức tạp, lại thường diễn tiến nhanh, trở nặng cũng nhanh. Thế nên, quá trình theo dõi, điều trị và chăm sóc bé của các bác sĩ, điều dưỡng luôn vất vả hơn bình thường. Một kíp trực hồi sức sơ sinh 12 giờ có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng, 1 hộ lý, chăm sóc từ 20 đến 25 bé, cao điểm có lúc chăm tới 30 bé. Với những ca nặng, 1 điều dưỡng ưu tiên chăm 2 bé, thậm chí chỉ theo sát một bé có diễn biến xấu. 
Bác sĩ Nguyễn Thị Khánh Uyên - Phó Trưởng khoa Nhi vừa khám cho một bé xong thì nhận điện thoại từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh báo chuẩn bị đón ca sơ sinh chuyển viện. Vừa trao đổi chuyên môn qua điện thoại, bác sĩ Uyên cùng kíp trực cũng đã chuẩn bị sẵn sàng đón ca sơ sinh chuyển viện sắp tới. Đúng lúc này, phía khu vực giao sữa, có tiếng khóc rấm rứt. Bà mẹ 42 tuổi ở xã Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) sinh con được 2 ngày thì bé có triệu chứng ngủ nhiều, lơ mơ, bỏ bú, nhịp thở nhanh, chẩn đoán nhiễm khuẩn sơ sinh. Sau 1 ngày điều trị, bé đã bú được 20ml sữa và đang theo dõi tiếp, nhưng mẹ bé quá lo lắng vì chưa được gần con nên cứ đứng ngồi không yên… Bác sĩ Uyên nhẹ nhàng giải thích, động viên cho bà mẹ bình tâm trở lại rồi vội quay vào tiếp tục công việc… 

 

Khu vực điều trị các bé sơ sinh bệnh nặng.
Khu vực điều trị các bé sơ sinh bệnh nặng.
 
Ban đêm, khối lượng công việc không hề giảm. Toàn bộ quy trình sẽ áp lực hơn rất nhiều nếu có 1 ca diễn biến xấu. Thế nhưng, không phải người nhà nào cũng thông cảm. Có người từng bức xúc đạp vỡ cửa kính đòi vào kiểm tra vì nghi ngờ điều dưỡng… ngủ! 
 
Tấm lòng của những “mẹ hiền”
 
Chăm sóc và điều trị trẻ sinh non luôn là thách thức trong hồi sức sơ sinh, đặc biệt là những trẻ sinh cực non (dưới 28 tuần tuổi thai), cực nhẹ cân (dưới 1.000g). Để chăm sóc trẻ sơ sinh, các bác sĩ, nhân viên y tế không chỉ cần kiến thức, kinh nghiệm, mà phải có tình yêu thương như người làm cha mẹ để phát hiện sớm mọi sự thay đổi của bé, từ cử chỉ, màu da, tiếng thở, nhịp tim… Nắm bàn tay nhỏ xíu của con, chị M.T.H.N (32 tuổi, ở huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) cười hạnh phúc: “Tôi sinh con khi được 29 tuần 4 ngày. Cháu chỉ nặng 1.000g, nhỏ xíu, phải nằm lồng ấp. Cả gia đình rất lo lắng, hoang mang, có lúc tưởng chừng hết hi vọng. Nhờ các y, bác sĩ ở đây tận tâm chăm sóc, sau khi nằm lồng ấp 18 ngày, cháu được gặp mẹ, chăm sóc “da kề da”. Sau gần 2 tháng rưỡi, giờ cháu đã tự bú được, cân nặng 3,6kg. Tôi rất biết ơn các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây”. 
 
Cho bé bú sữa.
Cho bé bú sữa.
 
Khoảng 3 năm trước, phòng hồi sức sơ sinh tiếp nhận một bé trai ở huyện Khánh Vĩnh. Bé được sinh mổ, nhưng bị tràn dịch, phù cứng bì, phải can thiệp phổi… Sau hơn 2 tháng được chăm sóc ngày đêm, bé dần đáp ứng, hồi phục và xuất viện về với mẹ. “Gần đây, khi đi khám tầm soát, mẹ dẫn bé ghé thăm, nhìn thấy bé vui vẻ, lanh lợi, mấy cô không nhận ra, mẹ phải nhắc lại”, điều dưỡng Hương kể đầy phấn khởi. Bác sĩ Uyên cũng không quên ca sinh non 30 tuần thời điểm dịch Covid-19. Sau khi bé vào phòng, được chăm sóc đã cai thở máy thì mẹ bị dịch Covid-19 và lây sang bé, khiến bé trở nặng, tiểu cầu giảm mạnh. Các bác sĩ phải đổi thuốc liên tục, nhưng 14 ngày sau test lại vẫn dương tính. Hội chẩn với tuyến trên, câu trả lời nhận được là bé khó qua khỏi! Nhưng sau hơn 3 tháng được chăm sóc tích cực, bé đã qua cơn nguy kịch, mạnh khỏe trở về trong vòng tay mẹ. 
 
Bé hồng hào sau khi tắm.
Bé hồng hào sau khi tắm.
 
 “Giành được một em bé ở ranh giới sinh tử trở về vòng tay cha mẹ là hạnh phúc lớn nhất của các y, bác sĩ. Nhưng chúng tôi vẫn luôn dặn nhau, không chỉ cố gắng cứu sống trẻ còn phải nỗ lực hết sức để bệnh nhi hồi phục với ít di chứng nhất, phát triển bình thường, lớn lên khỏe mạnh”, bác sĩ Nguyễn Thị Khánh Uyên - Phó Trưởng khoa Nhi tâm sự.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Huy - Trưởng khoa Nhi, các bé sinh non rất dễ tổn thương, dễ gặp các nguy cơ sau sinh, như: Ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, xuất huyết, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da, tan máu, thiếu máu… Bệnh lý thường diễn tiến trở nặng nhanh. Nhờ sự quan tâm đầu tư trang thiết bị của tỉnh và lãnh đạo bệnh viện, sự tận tâm của các y, bác sĩ, điều dưỡng, sự phối hợp chặt chẽ của các khoa phòng khác, nhiều trường hợp trẻ sinh non tháng, nhẹ cân đã đáp ứng điều trị và xuất viện. 5 năm trước, tỷ lệ nuôi sống trẻ sinh non, nhẹ cân ở khoa chỉ đạt khoảng 70%, hoặc phải chuyển lên tuyến trên; gần đây, tỷ lệ này đạt hơn 90%. Hiện nay, khoa có khả năng điều trị được trẻ sinh non hơn 26 tuần tuổi thai và nuôi dưỡng được nhiều em bé cân nặng dưới 900g. Chia sẻ niềm vui này, điều dưỡng Hương nói với chúng tôi: Họ hạnh phúc khi thấy các con phát triển tốt lên từng ngày, cai máy thở, bú được, ngủ ngon... và càng hạnh phúc hơn là khi trải qua những khoảnh khắc gần như phải chấp nhận thua cuộc nhưng rồi bé lại khỏe trở lại như có phép màu. Tuy nhiên, chúng tôi biết, các bé không phải hồi phục từ phép màu nào, mà từ sự nâng niu, chăm chút từng phút, từng giây của những “người mẹ”, “người cha” mặc blouse trắng. 
 
NGUYỄN VŨ - CÁT ĐAN