07:01, 04/01/2014

Tết về, ấm nhà mới

Với 10 tỷ đồng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, 273 gia đình ở huyện Vạn Ninh và 13 gia đình ở thị xã Ninh Hòa sẽ được đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014 trong ngôi nhà mới ấm áp.

Với 10 tỷ đồng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, 273 gia đình ở huyện Vạn Ninh và 13 gia đình ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) sẽ được đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014 trong ngôi nhà mới ấm áp.

 


Xuân vui trong lòng người bán vé số

 

 

Tại lễ bàn giao nhà đại đoàn kết, ngày 30-12-2013, đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao sự hỗ trợ của Agribank và mong muốn các doanh nghiệp khác cũng nỗ lực đồng hành cùng chính quyền trong việc giúp đỡ các hộ nghèo. Số lượng nhà được bàn giao đợt này đã góp phần giúp huyện Vạn Ninh giải quyết dứt điểm nhà tạm để tập trung vào công tác xây dựng nông thôn mới. Đồng chí cũng chúc các hộ nghèo đón Tết đầm ấm trong ngôi nhà mới.

Bình thường, từ 5 giờ sáng, vợ chồng anh Phạm Đức Hùng và chị Trần Thị Trở (Phú Hội 1, Vạn Thắng, Vạn Ninh) đi bán vé số ở khu vực Tu Bông đến chiều tối mới về. Nhưng hôm chúng tôi ghé thăm, anh chị ở nhà, bởi đó là ngày Agribank Chi nhánh Khánh Hòa, UBMTTQ Việt Nam tỉnh làm lễ bàn giao nhà đại đoàn kết và tặng quà Tết mừng nhà mới cho anh chị. Chúng tôi cùng gia chủ ngồi trò chuyện ngay khoảng trống trước sân và ngắm căn nhà. Anh Hùng, sau cú ngã suýt chết vì hái dừa, giờ nói rất khó khăn. Anh bảo mừng quá vì được ngân hàng hỗ trợ tiền xây nhà mới. Căn nhà cũ bằng đất, bé xíu, ngủ nơm nớp lo không biết sụp lúc nào.

 


Trước đây, anh Hùng làm nghề hái dừa thuê. Gần chục năm đi hái thuê không sao, đến hôm hái giùm ít trái thì bị té từ cây dừa cao hơn chục mét xuống, ngất xỉu. Anh vào bệnh viện với lá phổi dập nát, phải cắt một bên. Đau xót hơn là sau đó, anh bị nhiễm trùng phổi, vết thương không bao giờ lành. Khi anh gỡ miếng băng dán bên ngực trái, chúng tôi bàng hoàng thấy lỗ thủng to bằng quả trứng, nhìn rõ cả khoang ngực. Cạnh đó, một lỗ thủng cỡ đầu ngón tay đang loét dần. Chị Trở bảo, vào TP. Hồ Chí Minh, các bác sĩ lắc đầu, giờ anh cầm cự hàng ngày bằng thuốc, sống được cũng nhờ trời thương! Nhưng vết lở vẫn loang rộng dần, gặm nhấm cơ thể chỉ còn da bọc xương của người đàn ông hom hem. Mỗi lần mời người ta mua vé số hay nói chuyện, anh lại phải lấy tay đè chặt miếng băng che vết thương sâu hút ấy. Tiền công bán vé số, cộng với thỉnh thoảng mấy người khách trúng số thương tình cho thêm phải chia năm sẻ bảy. Phần mua thuốc hàng ngày cho anh Hùng, phần sinh hoạt, phần nuôi 2 đứa con, một đứa đang học lớp 12. “Thấy con ham học, bắt nghỉ tội nó nên tôi phải ráng” - anh Hùng bùi ngùi. Với hoàn cảnh ấy, đối với họ, ngôi nhà là giấc mơ xa vời nếu không có nguồn tiền hỗ trợ 35 triệu đồng của Agribank. Ngoài nguồn tiền ngân hàng, người thương cho dăm bao xi măng, người góp thêm chút vật liệu, cuối cùng cũng có ngôi nhà xây chắc chắn 40m2. “Mừng quá! Thợ vừa xây xong, coi được ngày là về nhà mới luôn” - chị Trở chia sẻ.

 

 

Đơn chiếc, tuổi xế chiều, bà Trương Thị Miển đã có nhà mới.
Vợ chồng ông Trần Quốc Dũng và bà Đỗ Thị Truyền (giữa) trước căn nhà mới.

 

Suốt thời gian thợ xây nhà, tuy bị mù không nhìn thấy được nhưng đôi tay của ông Trần Quốc Dũng vẫn cảm nhận được ngôi nhà đang dần thành hình. Ông Dũng bị mù còn bà  Đỗ Thị Truyền, vợ ông bị khuyết tật tay chân bẩm sinh. Hai ống chân và tay phải của bà nhỏ như ống nứa, lại cong vòng khiến bà chẳng thể đứng thẳng, di chuyển phải nhờ cả tay. Ông quê tận Cà Mau, hiện sống cùng bà ở thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh. Họ cùng vào TP. Hồ Chí Minh bán vé số rồi kết đôi nhờ mai mối. Thế là “Cổ thành mắt chỉ đường cho tui, còn tui làm đôi chân cho cổ” - ông Dũng kể. Người con trai duy nhất bị tai nạn mất đã nhiều năm nên giờ chỉ còn hai tấm thân già nương tựa vào nhau. Từ ngày nhà cũ bị sập, không còn chỗ ở, ông bà kê tạm cái giường, quây mấy tấm tôn ở nhờ người bà con. Ông trưởng thôn tốt bụng mang cho mấy tấm bạt che tạm để đỡ mưa tạt, gió lùa. Từ hôm biết mình được xây nhà, vợ chồng ông về quê ở luôn chờ nhà mới. Rờ rẫm mở khóa cổng chỉ để cho khách đứng ngoài ngắm vì chưa tới ngày đẹp về nhà mới, ông Dũng cười hiền lành: “Nhà rộng, thoáng và đẹp các cô ạ”.

 


Về nhà mới, mừng đến không ngủ được

 

 

1
Niềm vui của Mẹ con chị Trần Thị Thanh Tâm trong căn nhà mới.

 

Đến thăm nhà mới của vợ chồng chị Trần Thị Thanh Tâm (thôn Tân Đức Tây, xã Vạn Lương, Vạn Ninh), chúng tôi không khỏi mừng cho họ. Ngôi nhà cao, thoáng, khá rộng rãi, mái ngói, nền gạch bông, tổng giá trị xây dựng 80 triệu đồng. Chị Tâm bị sốt rồi bại liệt từ nhỏ, chẳng làm được gì. Lấy chồng, chị cũng chỉ ở nhà trông con, còn anh đi làm mướn, thêm 3 đứa con (lớn nhất 10 tuổi, nhỏ nhất mới 8 tháng) nên cảnh nhà lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Căn nhà của anh chị đóng ván ẩm thấp, chỉ đủ kê chiếc giường. Mùa lụt, nước ngập tới đầu gối, cả nhà chỉ biết ngồi trên giường chờ nước rút. “Nhưng nay thì an tâm rồi, không lo ngập lụt gì nữa”, chị Tâm cười. Rất hồn nhiên, bé Phan Ngọc Anh Quyên (9 tuổi), con gái thứ hai của anh chị sà vào lòng chúng tôi, líu lo kể: “Hồi mới xây nhà xong, con tới trường khoe các bạn. Khi tới chơi, bạn nào cũng bảo nhà con bây giờ giàu rồi! Trước ở nhà cũ, nền xi măng, con chỉ quét nhà là xong, nay ở nhà mới, lát gạch bông, con phải quét, rồi lau, nhưng con không thấy mệt, vì có nhà đẹp thích hơn”.

 


Ở thị trấn Vạn Giã, lâu nay bà Trương Thị Xảnh (sinh năm 1929, tổ dân phố 15) sống khá tuềnh toàng cùng người cháu ngoại trong căn nhà tạm. Chồng chết, con rể, con gái cũng chết, bà Xảnh một mình nuôi cháu bằng khoản tiền Nhà nước trợ cấp cho người già, còn lại nhờ hàng xóm, họ hàng. Đến nay, tuy người cháu đã đi biển được, nhưng may ra đủ nuôi thân, nên hai bà cháu vẫn nương nhau mà sống. Vì vậy, căn nhà đại đoàn kết của hai bà cháu chỉ xây dựng vừa đúng khoản tiền mà ngân hàng hỗ trợ (35 triệu đồng) nhưng hễ nói đến nhà mới là bà lại rớt nước mắt vì mừng. Bà bảo, ở nhà mới thấy ấm lòng lắm, không còn lạnh như nhà cũ. Tuy nghèo, nhưng giờ có nhà mới, bà cũng phải nghĩ cách tiết kiệm để sắm dần chút đồ đạc.

 

Đơn chiếc, tuổi xế chiều, bà Trương Thị Miển đã có nhà mới.
Đơn chiếc, tuổi xế chiều, bà Trương Thị Miển đã có nhà mới.

 

Trong ngôi nhà mới xây xinh xắn, bà Trương Thị Miển (72 tuổi, thôn Tân Đức Tây, xã Vạn Lương, Vạn Ninh) nói: “Tôi sống đơn chiếc, nhờ Nhà nước, ngân hàng giúp xây nhà chứ tôi chẳng có đồng nào bỏ thêm vào”. Cũng cảnh đơn chiếc, tuổi xế chiều, bà Nguyễn Thị Hải (tổ dân phố 7 Vạn Giã) mới được ở nhà mới nhờ tiền hỗ trợ của Agribank, cộng thêm vài triệu đồng tiết kiệm của bà và người cháu giúp thêm vật liệu, tiền công. Bà bảo: “Cha chết để lại cho tôi miếng đất, nhưng tôi vẫn để đấy và đi ở nhờ nhà bà con, họ hàng vì nghĩ cả đời cũng chẳng đủ tiền xây nhà. Giờ được ngân hàng và chính quyền giúp đỡ, có được căn nhà của riêng mình, tui mừng lắm. Về nhà mới đã 5 ngày rồi mà ban đêm, tui vẫn trằn trọc không sao ngủ được vì mừng quá!”. Xốc lại bao gạo vừa được tặng trong ngày bàn giao nhà mới, bà Nguyễn Thị Nhãn (Vạn Thắng 2) cũng đồng tình: “Tui cũng mừng lắm, ngủ không được”.  Ông Đoàn Kim Anh (tổ dân phố 10 thị trấn Vạn Giã) cũng xúc động: “Trong mơ tôi cũng không dám nghĩ tới căn nhà mới. Chính nhờ sự hỗ trợ này, tôi và nhiều hộ nghèo mới được ăn Tết Giáp Ngọ trong căn nhà mới ấm cúng”...

 

Ngoài nhà mới, các gia đình còn được nhận quà Tết từ Agribank Chi nhánh Khánh Hòa.
Ngoài nhà mới, các gia đình còn được nhận quà Tết từ Agribank Chi nhánh Khánh Hòa.


 

Đồng hành cùng người nghèo

 

Trong 286 nhà đại đoàn kết, có 97 nhà được xây dựng đúng với số tiền được tài trợ, còn lại đều nhận được sự hỗ trợ thêm của gia đình, bà con, dòng họ...  Đa số nhà xây có diện tích từ 30 đến 70m2.

Mỗi nhà mỗi cảnh, đều bùi ngùi niềm thương cảm. Như thế, càng tăng thêm giá trị những ngôi nhà mới được Agribank hỗ trợ xây dựng cho người nghèo. Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa chia sẻ: Nhiều trường hợp, xây nhà ở nơi hẻo lánh, đi bờ ruộng, đường lầy lội, quanh co, phải “tăng bo” bằng xe đạp từng bao xi măng, viên gạch đến công trình. Hay phải chở vật liệu từ đất liền ra đảo như ở Điệp Sơn, Khải Lương (Vạn Thạnh, Vạn Ninh)..., ảnh hưởng nhất định đến tiến độ xây dựng. Nhưng cuối cùng, việc xây dựng đã hoàn thành đúng tiến độ. Chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng khi bà con được đón Tết trong căn nhà mới”.

 

 

KHÁNH NINH - THIỀU HOA