11:12, 27/12/2013

Viết tiếp loạt bài về Công ty Hiển Vinh

Sau khi Báo Khánh Hòa có loạt bài điều tra: "Công ty bí ẩn và dự án từ thiện đáng ngờ", Công an tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc điều tra và bước đầu xác định, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Hiển Vinh (gọi tắt Công ty Hiển Vinh) và Khối liên doanh, địa chỉ tại số 68 Phan Đình Phùng, phường Xương Huân, TP. Nha Trang do ông Cao Văn Xứng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị có dấu hiệu lừa đảo.

Sau khi Báo Khánh Hòa có loạt bài điều tra: “Công ty bí ẩn và dự án từ thiện đáng ngờ”, Công an tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc điều tra và bước đầu xác định, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Hiển Vinh (gọi tắt Công ty Hiển Vinh) và Khối liên doanh (KLD), địa chỉ tại số 68 Phan Đình Phùng, phường Xương Huân, TP. Nha Trang do ông Cao Văn Xứng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị có dấu hiệu lừa đảo.

 


Kỳ 1: Nhiều hành vi mờ ám

 


Vào thời điểm năm 2000, Công ty TNHH Hưng Phát (gọi tắt Công ty Hưng Phát), trụ sở 137 Hoàng Văn Thụ, TP. Nha Trang (đã giải thể) do ông Cao Văn Xứng và vợ là Lê Thị Cẩn làm chủ đã nợ Quỹ quay vòng SiDa của Chính phủ với số tiền lên đến gần 567.000 USD cả gốc và lãi (tương đương trên 12 tỷ đồng); kéo dài cho đến nay và không có khả năng chi trả. Thế nhưng, sau khi thành lập Công ty Hiển Vinh và vẽ ra KLD với số vốn khủng, ông Xứng và bà Cẩn đang hào phóng làm “từ thiện trên giấy” với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

 

 

Lô đất 7.380m2 tại khóm Tây Bắc, đường 2-4, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang đã được ông Xứng, bà Cẩn thế chấp và bán cho nhiều người.

 


Xin đất để thế chấp, bán cho nhiều người

 


Theo điều tra của chúng tôi, Công ty TNHH Hưng Phát, trụ sở 137 Hoàng Văn Thụ, TP. Nha Trang do ông Cao Văn Xứng làm Giám đốc được thành lập theo Quyết định số 208, ngày 2- 4-1992 của UBND tỉnh với chức năng kinh doanh là: Thu mua, chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, đại lý thu mua, bán, ký gửi hàng hóa. Ngày 16-12-1992, UBND tỉnh có Quyết định 1338 về việc giao 7.050m2 đất và cho tạm sử dụng 330m2 đất, tổng cộng 7.380m2 tại khóm Tây Bắc, đường 2-4, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang cho Công ty Hưng Phát để xây dựng công trình xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, bàn ghế song mây và chế biến tinh dầu tràm xuất khẩu; kèm theo biên bản giao đất và cắm mốc định vị cùng trích lục bản đồ lô đất 7.380m2 được giao.

 


Sau khi có quyết định giao đất, Công ty Hưng Phát (trực tiếp là bà Lê Thị Cẩn) đã tín chấp lô đất nói trên để vay 144.000 USD, lãi suất 5%/năm, tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam bằng nguồn vốn do Chính phủ Thụy Điển viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam, gọi tắt là Quỹ SiDa. Ngày 4-4-1993, Công ty Hưng Phát tiếp tục lập hồ sơ thế chấp lô đất 7.380m2 nói trên để bảo lãnh cho Xí nghiệp May xuất khẩu Minh Thắng vay 220.087 USD cũng của Quỹ SiDa. Trong quá trình sử dụng vốn vay, Công ty Hưng Phát và Xí nghiệp May xuất khẩu Minh Thắng đều không trả nợ gốc và lãi theo như cam kết đã thỏa thuận với tổng số tiền 364.087 USD (chưa tính lãi). Từ năm 1992 - 1998, tuy Công ty Hưng Phát và Xí nghiệp May xuất khẩu Minh Thắng được Quỹ SiDa cho phép 4 lần gia hạn trả nợ nhưng cả hai đơn vị này cố tình không chấp hành. Theo đơn khởi kiện của đơn vị được ủy nhiệm của Quỹ SiDa là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam do Tổng Giám đốc Vũ Viết Ngoạn đứng đơn gửi Tòa án nhân dân TP. Nha Trang thì đến năm 2000, ông Cao Văn Xứng và vợ là Lê Thị Cẩn đã nợ Quỹ quay vòng SiDa của Chính phủ với số tiền lên đến gần 567.000 USD cả gốc và lãi (tương đương trên 12 tỷ đồng). Đến năm 2001, mặc dù việc trả gốc và lãi của Công ty Hưng Phát đối với ngân hàng vẫn chưa được thanh khoản, Công ty vẫn tiếp tục ký hợp đồng số 15/HĐ (ngày 12-4-2001) bán toàn bộ diện tích đất đã thế chấp cho Công ty TNHH Việt Long (tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) với giá trị hợp đồng 6,5 tỷ đồng.

 

 

Các công trình nhà xưởng của Công ty Hưng Phát chưa hoàn thiện, bỏ hoang từ năm 1992 cho đến nay.

 

 

 

 

 


Theo điều tra của chúng tôi, kể từ khi được UBND tỉnh giao đất, Công ty Hưng Phát chỉ tiến hành xây dựng tường rào, còn việc xây nhà làm việc, nhà xưởng đều dở dang, không hoàn thiện và không được đưa vào sử dụng; thậm chí các công trình dở dang đang bị các chủ thầu xây dựng quản lý theo phán quyết của Tòa án vì ông Xứng, bà Cẩn không có khả năng trả nợ. Hơn thế, kể từ cuối năm 1995, ông Xứng và bà Cẩn đã cắt hộ khẩu tại Nha Trang và chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, Công ty Hưng Phát không hoạt động tại Nha Trang nên toàn bộ nhà xưởng xây dựng dở dang trên bị bỏ hoang từ đó đến nay. Trên thực tế, Công ty Hưng Phát hoàn toàn không sử dụng đất theo mục đích đã xin cấp, việc xây dựng các công trình chỉ nhằm chiếm giữ đất và có lý do cho việc thế chấp và mua bán đất.

 


Căn cứ vào các hành vi nói trên, tại văn bản trích yếu số 70/PC15 (ngày 10-6-2008) của Công an tỉnh Khánh Hòa gửi Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam về việc giải quyết thu hồi nợ, Công an tỉnh Khánh Hòa nhận định: “Hành vi sai phạm của ông Cao Văn Xứng và bà Lê Thị Cẩn đã có yếu tố của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, do cả Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) là 2 cơ quan được Chính phủ giao quản lý nguốn vốn Quỹ SiDa từ chối tư cách pháp nhân là người bị hại (nguyên đơn dân sự) nên Công an tỉnh Khánh Hòa chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Xét thấy việc ký hợp đồng bán đất đã thế chấp của ông Cao Văn Xứng và bà Lê Thị Cẩn cho Công ty TNHH Việt Long có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng vụ việc xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh nên Công an tỉnh Khánh Hòa đã có công văn số 20/PC15 (ngày 7-7-2006) đề nghị Công an TP. Hồ Chí Minh thụ lý điều tra theo thẩm quyền”. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, không hiểu vì sao vụ án bị “chìm xuồng”(?).

 


Tiếp tục hành vi mờ ám

 


Sau khi trốn nợ và chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, đến tháng 3-1997, ông Xứng và bà Cẩn thành lập Công ty TNHH Chế biến, trồng trọt, chăn nuôi Thịnh An Khương (viết tắt Công ty Thịnh An Khương) tại tỉnh Bình Phước do bà Cẩn làm giám đốc. Trong quá trình hoạt động, do không có tiềm lực tài chính, Công ty Thịnh An Khương đã lập rất nhiều dự án “ảo” đầu tư trồng rừng, kết hợp với sản xuất lâm nghiệp ở nhiều địa phương và vay vốn của rất nhiều cá nhân và ngân hàng. Chính quyền địa phương một số tỉnh phát hiện có sự mập mờ, đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình đầu tư, hoạt động của Công ty Thịnh An Khương nhưng vẫn chưa xử lý triệt để.  

 


Năm 2007, sau khi mọi việc im ắng, ông Xứng và bà Cẩn quay lại Nha Trang và thành lập Công ty Hiển Vinh do ông Xứng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, được Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa cấp giấy đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 18-9-2007 với tổng vốn điều lệ hơn 3.427 tỷ đồng. Điều kỳ lạ là khi thành lập Công ty Hiển Vinh, trên giấy tờ ông Xứng thể hiện việc góp vốn cổ phần bằng tài sản cố định là lô đất có diện tích 7.380m2 tại khóm Tây Bắc, đường 2-4, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang (lô đất đã được thế chấp, sang nhượng). Từ đó, ông Xứng mới được quy ra sở hữu số cổ phần tại Công ty Hiển Vinh lên đến hơn 686 tỷ đồng, chiếm 20,04% tỷ lệ góp vốn và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Theo Cục Thuế Khánh Hòa, tuy được cấp phép từ năm 2007, nhưng Công ty Hiển Vinh xin tạm ngừng kinh doanh đến tháng 4-2010 mới xin làm thủ tục kê khai thuế để hoạt động lại; hàng năm chỉ đóng 3 triệu đồng thuế môn bài, không hề phát sinh chi phí đầu ra; chi phí đầu vào chủ yếu là tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại...

 


Theo điều tra của cơ quan chức năng, ngoài việc các thành viên trong Công ty Hiển Vinh không góp vốn điều lệ một đồng nào theo quy định, có 2 trường hợp (cổ đông sáng lập, cổ đông khác) không hề có tiền góp vốn vào Công ty Hiển Vinh như nêu trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn được Công ty tự ghi số tiền vào.

 


Tổ phóng viên

 


Kỳ 2: Công ty Hiển Vinh và Khối liên doanh có dấu hiệu lừa đảo?