06:12, 18/12/2013

Tận diệt chim trời

Mùa này, từ những cánh đồng thanh vắng đến phố phường đông đúc, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp thợ bẫy chim. Họ không còn sử dụng phương pháp bẫy sập lồng (chỉ bắt được từng con) như trước đây mà thay vào đó là những tấm lưới, cành "chông" phết keo để tóm cả đàn chim. Những loại bẫy mới này đang từng ngày tận diệt chim trời.

Mùa này, từ những cánh đồng thanh vắng đến phố phường đông đúc, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp thợ bẫy chim. Họ không còn sử dụng phương pháp bẫy sập lồng (chỉ bắt được từng con) như trước đây mà thay vào đó là những tấm lưới, cành “chông” phết keo để tóm cả đàn chim. Những loại bẫy mới này đang từng ngày tận diệt chim trời.

 


Săn chim từ ruộng đồng

 


Chiều cuối tuần, chúng tôi theo chân anh Bùi Xuân Tuấn từ xã Cam Phước Đông đến tận cánh đồng lúa Đồng Bà Thìn (phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) để chứng kiến cảnh thợ săn lão luyện này “sát” chim. Xuyên qua ngôi làng ven cánh đồng, anh Tuấn dẫn chúng tôi qua nhiều đoạn đường đất gập ghềnh đến nơi xa tít giữa đồng lúa mênh mông. Đến một ngã ba giao nhau giữa 2 con đường nội đồng, anh Tuấn dừng xe, trầm ngâm phóng tầm mắt về tứ phía, rồi nói: “Ô kê, cái dèo (vị trí giăng lưới - P.V) này được đấy. Bí kíp của nghề này quan trọng nhất là biết cách chọn dèo, sau đó là cách giăng lưới thế nào để có thể đón được chim đến từ mọi hướng”.

 

Một số đồ nghề dùng để dụ chim trời bay đến.
Một số đồ nghề dùng để dụ chim trời bay đến.

 

Khoảng 18 giờ, khi cánh đồng vắng hẳn bóng người cũng là lúc anh Tuấn bắt đầu giăng lưới. Theo quan sát của chúng tôi, từ nơi dừng chân, lưới được giăng về 3 hướng theo 3 ngả đường tạo thành hình chữ T; mỗi hướng giăng 2 dãy lưới song song (một thấp, một cao) kéo dài khoảng 100m. Với kinh nghiệm hơn chục năm trong nghề bẫy chim, chỉ hơn 30 phút, anh Tuấn đã giăng xong 600m lưới. Tiếp đến, anh kéo dây điện nối 6 cái loa dọc theo các hướng đã giăng lưới, rồi dùng bạt che thành cái lều ngay ở ngã 3 đường để trú ngụ qua đêm. Trước khi mở máy phát tiếng chim dụ bầy, anh Tuấn không quên treo 6 cái chuông vào đầu những sợi dây lưới. “Giăng lưới kiểu chữ T này là hiệu quả nhất, nó như một “trận đồ bát quái”, dù chim bay từ ruộng lên hay từ trên trời đáp xuống đều đón được hết. Khi bị dính lưới, chim sẽ vùng vẫy rất mạnh nên ta chỉ việc ở trong lều đợi chuông kêu mà chạy ra gỡ chim, không cần đi kiểm tra”, anh Tuấn nói.

 

 

Lúc chiều tà, thợ bẫy chim bắt đầu giăng lưới.
Lúc chiều tà, thợ bẫy chim bắt đầu giăng lưới.

 

Bóng đêm phủ xuống cánh đồng, anh Tuấn bắt đầu mở máy MP4 đã nối sẵn với những chiếc loa, tiếng chim quốc, gà nước, cò lửa, le le đồng loạt cất lên inh ỏi. Chỉ sau khoảng 10 phút chờ đợi, một loạt tiếng chuông đã rung lên; anh Tuấn bật dậy giục chúng tôi chạy nhanh ra gỡ chim, còn anh cũng lao theo hướng khác. Một lát sau, anh Tuấn trở về lều với 3 con gà nước trên tay, nhưng chúng tôi thì chẳng thấy con nào dính bẫy. “Do mấy ông chậm chạp quá nên chim thoát ra hết. Nhưng không sao, đó chỉ là mấy con lẻ tẻ dưới ruộng bay lên. Mình chủ yếu phục kích những đàn chim trên trời sà xuống. Lát nữa chuông kêu, 2 ông chạy 2 hướng kia, còn tôi chạy hướng này nhé”, anh Tuấn “phân công” và phát cho chúng tôi mỗi người 1 cái đèn pin để đeo sẵn trước trán, sẵn sàng thu hoạch những mẻ lưới tiếp theo.

 


Từ 20 giờ trở đi, tiếng kêu “quốc quốc”, “kịch kịch”... gọi bầy của những loài chim nước cất lên loạn xạ trong bầu không khí tĩnh mịch giữa cánh đồng mênh mông. Chúng tôi cứ tưởng đàn chim trời đã sà xuống, nhưng anh Tuấn cho biết: “Đó là tiếng chim phát ra từ loa của nhiều nhóm bẫy chim khác. Chúng nó đánh càng đông thì mình càng trúng vì càng dụ được nhiều chim bay về trong khi tiếng chim của tụi nó do tui sang và bán lại, không chuẩn bằng tiếng gốc, hơn nữa vị trí giăng lưới của mình lại đắc địa nhất vùng này”.

 


Theo anh Tuấn, thời điểm này là cuối mùa bẫy những loài chim di trú nên số lượng chim ít hơn và thường chỉ bay qua cánh đồng này vào lúc gần sáng chứ không phải thường xuyên trong đêm như cách đây 1 tháng. Và vì chuông... ít kêu nên chúng tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Đến 4 giờ sáng, anh Tuấn đánh thức chúng tôi dậy và quả quyết: “Mấy ông lát nữa chạy thật nhanh mà gỡ chim nhé. Trời mưa lất phất mà lặng gió thế này thì kiểu gì đàn chim cũng sà xuống”.

 


Đúng như dự đoán., sau đó không lâu, từng loạt âm thanh “rào rào” bay đến. Tức thì, xen lẫn trong tiếng chim gọi bầy phát ra từ những chiếc loa là những tiếng đập cánh vùng vẫy, tiếng kêu “toác toác” tuyệt vọng của những chú chim trời khi dính lưới và cả tiếng thúc giục khẩn trương của những nhóm săn chim xung quanh. Gỡ xong mẻ lưới này, trời cũng đã tờ mờ sáng, anh Tuấn và những nhóm xung quanh đều thu lưới đi về. Không biết những người kia bắt được bao nhiêu, nhưng riêng anh Tuấn đã tóm được hơn bốn chục con chim, gồm các loại như quốc lủi, quốc bơi, gà nước, cò lửa, tương đương trên dưới 10kg. 

 

 

Lúc chiều tà, thợ bẫy chim bắt đầu giăng lưới.
Càng về khuya càng có nhiều chim dính bẫy.

   
 

Đến phố thị

 


Buổi trưa, trời nắng ấm sau đợt mưa lạnh dài ngày, chúng tôi gặp lại ông Sáu Lục (xã Đại Lãnh) khi ông đang giăng bẫy bắt chim sẻ ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa.

 


Lần trước gặp ông Sáu Lục bẫy chim ở TP. Nha Trang, ông cho biết, ông vốn làm nghề buôn chó mười mấy năm. 2 năm trước, trong dịp đi vào Đồng Nai, tình cờ thấy một nhóm thanh niên bẫy chim sẻ bằng keo rất hiệu quả, ông liền tìm mua loại keo này cùng với máy phát tiếng chim sẻ gọi bầy mang về dùng thử. Thời gian đầu, mỗi ngày ông có thể dễ dàng bẫy được cả trăm con chim sẻ về làm mồi nhậu. Sau đó, ông tìm hiểu nhu cầu về chim tại các quán nhậu, rồi quyết định bỏ nghề buôn chó, cải tạo lồng nhốt chó thành lồng nhốt chim sẻ, rồi suốt gần 2 năm nay rong ruổi từ Vạn Ninh đến Nha Trang, lấy nghề bẫy chim sẻ làm kế sinh nhai. “Lần đó tôi mua 1kg keo với giá 1,2 triệu đồng, 1 bộ máy phát nhạc 400.000 đồng kèm 1 file tiếng chim sẻ 500.000 đồng, làm đến tận bây giờ. Nghề bẫy chim sẻ có thể làm quanh năm, trừ khi trời mưa. “Vừa rồi mưa kéo dài, tôi thất nghiệp cả tháng, nay mới đi làm lại”, ông cho biết.

 


Theo ông Sáu Lục, chim sẻ có tập tính sống theo bầy, thích trú ngụ, kiếm ăn những nơi nhà cửa đông đúc như ở thành phố. Loài chim này có mật độ rất dày, bản tính dạn dĩ nên rất dễ bẫy. Cũng vì thế, hiện nay có rất nhiều người chuyên làm nghề bẫy chim sẻ, riêng trong làng ông đã có đến 5 - 6 người làm nghề này nên mỗi lần đi bẫy chim, ông thường xuyên gặp phải “đồng nghiệp”.

 


Vui buồn nghề bẫy chim

 


Quê gốc ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, gia đình anh Bùi Xuân Tuấn chuyển vào lập nghiệp ở xã Cam Phước Đông từ 15 năm trước. Cái nghề bẫy chim từ nhỏ ở quê cũng theo anh vào nơi ở mới và từ đó đến nay đã trở thành nghề chính của không chỉ riêng anh mà còn của nhiều người trong gia đình. “Khi vào đây, ba mẹ tôi chỉ mua được miếng đất làm nhà chứ không có ruộng nương gì, nhưng nhờ nghề bẫy chim mà nuôi chúng tôi khôn lớn. 4 anh chị em nhà tôi đã lập gia đình ở riêng hiện cũng đều sống nhờ nghề này”, anh Tuấn chia sẻ.

 


Nhưng bên cạnh đó, theo anh Tuấn, nghề bẫy chim cũng lắm gian nan, thậm chí nhiều phen còn gặp tình huống nguy hiểm vì thường xuyên phải thức trắng đêm giữa đồng, đối mặt với mưa dầm gió rét, muỗi mòng, rắn rết... “Một đêm cách đây 3 năm, cũng trên cánh đồng này, khi tôi và đứa em rể đang nằm chợp mắt trong lều thì một con rắn cạp nong to bằng ngón chân cái trườn vào. Bất ngờ phát hiện, anh em tôi vùng ra khỏi màn, nhưng không may là trước khi thoát ra, em rể tôi đã bị nó mổ một phát vào gót chân. Tôi tức tốc gọi người chở đi cấp cứu nên nó mới qua được”, anh Tuấn kể. Còn việc đi bẫy chim ở những cánh đồng xa, đêm hôm bị bọn lưu manh mò đến tận lều hành hung để trấn lột chim về làm mồi nhậu là chuyện anh vẫn thường gặp.

 


Câu chuyện đi bẫy chim gặp phải bọn lưu manh trấn lột cũng chính là nỗi ám ảnh của ông Sáu Lục. “Năm ngoái, đang trên đường vào Nha Trang bán chim, đến chân đèo Rọ Tượng, tôi bị một nhóm thanh niên chặn lại “xin” chim làm mồi nhậu. Tôi miễn cưỡng bắt cho chục con nhưng chúng đòi lấy cả lồng. Tôi chống cự, bọn chúng liền đạp đổ xe, khiến tôi bị trật khớp chân, rồi còn đòi “tịch thu” đồ nghề. Cuối cùng tôi đành “cho” chúng gần 200 con chim và xin giữ lại đồ nghề”, ông kể.

 


Theo ông Sáu Lục, anh Tuấn cũng như nhiều thợ bẫy chim chuyên nghiệp, những loài chim mà họ đánh bẫy không thuộc loài quý hiếm hay cấm đánh bắt, vì thế chưa một ai từng bị các cơ quan chức năng “hỏi thăm”. Cũng chính vì thế nên ngày càng có nhiều thợ bẫy chim hành nghề chuyên nghiệp; và họ đang không ngừng cải tiến phương pháp bẫy để tận diệt chim trời.

 


Chim trời bị tận diệt, môi trường sinh thái bị mất cân bằng, sâu bọ phá hoại mùa màng sinh sôi, lấy đâu ra thiên địch? Hay để rồi đồng ruộng lại tràn ngập thuốc trừ sâu?

 

NAM - LONG