10:10, 30/10/2022

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022: Nâng cao trách nhiệm để hoàn thành

Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Khánh Hòa mới chỉ đạt hơn 56%. Nếu không có những giải pháp kịp thời, hiệu quả thì rất khó hoàn thành giải ngân vốn vào cuối năm như đã cam kết.

Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Khánh Hòa mới chỉ đạt hơn 56%. Nếu không có những giải pháp kịp thời, hiệu quả thì rất khó hoàn thành giải ngân vốn vào cuối năm như đã cam kết.


Một số đơn vị chưa giải ngân được vốn


Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công được hơn 3.600 tỷ đồng; số vốn chưa phân bổ đề nghị điều chuyển về ngân sách Trung ương gần 171,5 tỷ đồng do không còn nhu cầu sử dụng. Đến hết quý III/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 48,2% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 50,4% so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế. Đến ngày 30-10, tỷ lệ giải ngân tạm tính ước đạt hơn 56%. Hiện nay, 24 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn thấp hơn mức giải ngân bình quân chung toàn tỉnh; 17 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung toàn tỉnh. Tuy nhiên, có tới 8 đơn vị, gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Trường Sa, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Công Thương, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng và Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đến đầu quý IV chưa có tỷ lệ giải ngân vốn. Có thể thấy, tỷ lệ giải ngân vốn hiện nay khá thấp, nếu không có những giải pháp phù hợp, năm nay, tỉnh rất khó đạt tỷ lệ giải ngân 100% như đã cam kết với Chính phủ.

Thi công đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang

Thi công đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang


Ông Châu Ngô Anh Nhân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa như mong đợi. Ngoài nguyên nhân khách quan, về chủ quan, một số dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn trong năm 2022, nhưng hiện nay còn vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân còn chậm. Bên cạnh đó, mặc dù chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo đối với công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh, song công tác kiểm đếm, thẩm định và phê duyệt đơn giá, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án vẫn còn chậm, kéo dài thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.


Quyết liệt thực hiện các giải pháp


Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư tập trung đẩy mạnh giải ngân, hoàn thành kế hoạch vốn được giao năm 2022; xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân có liên quan trong năm 2022. Đối với các dự án gặp vướng mắc về công tác bồi thường giải tỏa và quy hoạch, sở kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện dự án và đơn vị có liên quan khẩn trương xử lý kiến nghị và báo cáo tình hình thực hiện, kết quả xử lý định kỳ vào ngày 13 và ngày 27 hàng tháng cho đến khi kiến nghị được xử lý dứt điểm, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng tháng, quý về tình hình thực hiện giải ngân và kiến nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án...

 

Thực hiện  công trình  trồng cây xanh  dải phân cách  đường  Võ Nguyên Giáp.

Thực hiện công trình trồng cây xanh dải phân cách đường Võ Nguyên Giáp.


Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ cố gắng hơn nữa trong đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. “Từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ có những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo giải phóng mặt bằng cũng như tái định cư đối với các dự án trọng điểm của tỉnh. Thành phố xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần sự phối hợp của tất cả các cơ quan, đoàn thể”, ông Khánh khẳng định.


Trong khi đó, ông Vũ Chí Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị, các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai dự án, nếu có những vướng mắc về giá đất, giải phóng mặt bằng thì cần nhanh chóng trao đổi trực tiếp với sở và các đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ.

 

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu, các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn. UBND tỉnh sẽ tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc hoàn chỉnh hồ sơ, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư để triển khai thi công đảm bảo đúng tiến độ dự án; kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải đẩy nhanh việc nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vào cuối năm; trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, phải thực hiện thủ tục thanh toán vốn cho dự án. Các thành viên Tổ tư vấn đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh theo dõi, chỉ đạo, xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn thành công tác kiểm đếm khối lượng giải tỏa; xác minh nguồn gốc sử dụng đất; lập phương án bồi thường, niêm yết công khai lấy ý kiến, hoàn chỉnh phương án trình Sở Tài nguyên và Môi trường phương án giá đất. Đồng thời, tăng cường tổ chức tuyên truyền, giải thích cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng của từng dự án, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện.


ĐÌNH LÂM