09:10, 30/10/2022

Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

Thời gian qua, ngành Thuế và Hải quan tỉnh Khánh Hòa tổ chức nhiều hội nghị đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan, thủ tục hành chính. Qua đó, nhiều vướng mắc đã được kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, ngành Thuế và Hải quan tỉnh Khánh Hòa tổ chức nhiều hội nghị đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp (DN) về chính sách thuế, hải quan, thủ tục hành chính. Qua đó, nhiều vướng mắc đã được kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh.


Những vướng mắc


Tại hội nghị đối thoại với DN về thuế - hải quan mới đây, đại diện các DN đã nêu lên những vướng mắc về hàng hóa xuất nhập khẩu, biểu mẫu, giấy tờ về thuế - hải quan; việc hoàn thuế, hoàn thuế nhập khẩu; thuế xuất, nhập khẩu DN đối với hoạt động chế biến thủy sản; hóa đơn điện tử; hoạt động gia công sản xuất; kiểm tra sau thông quan, phân luồng hàng hóa…

 

Đại diện các doanh nghiệp nêu vướng mắc tại hội nghị.

Đại diện các doanh nghiệp nêu vướng mắc tại hội nghị.


Theo đại diện Công ty TNHH Đại lý thuế HAT (TP. Nha Trang), thời gian qua, các chi cục thuế yêu cầu DN phải đăng ký trích khấu hao tài sản cố định nên rất phiền hà cho DN. Trong khi đó, tài sản là thuộc sở hữu của DN nhưng mỗi khi phát sinh lại phải báo cáo cơ quan thuế. Cùng với đó, hiện nay, ngành Thuế đã triển khai hóa đơn điện tử nhưng báo cáo chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, các DN vẫn phải gửi chi cục thuế đóng dấu, gây mất thời gian của DN.


Đại diện Công ty TNHH Hải Vương (Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm) cho biết, công ty nhập khẩu bình CO2 về cần mở tờ khai hải quan nhập khẩu. Tuy nhiên, trong quy trình yêu cầu đối với mặt hàng này, để mở tờ khai nhập khẩu phải có chứng nhận kiểm định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). Trên thực tế, khi liên hệ, Sở LĐ-TB-XH không có chức năng kiểm định mà phải chuyển vào Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực II (cơ quan khác trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH) để kiểm định. Sau khi có kết quả, Sở LĐ-TB-XH mới xác nhận, làm thủ tục hải quan nhập khẩu. Như vậy, DN phải qua nhiều khâu thực hiện phức tạp, chờ đợi lâu, mất nhiều thời gian…


Lắng nghe và chia sẻ


Theo ông Phan Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, ngành Hải quan luôn lấy ý kiến của DN làm trung tâm, nỗ lực cải cách theo hướng số hóa để giúp DN thực hiện thủ tục nhanh chóng. Đơn vị đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại hải quan - DN nhằm phổ biến, tuyên truyền pháp luật về hải quan, thuế và pháp luật có liên quan; duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn cấp cục và cấp chi cục, qua đó tiếp nhận, hướng dẫn và giải đáp vướng mắc của các DN. Đồng thời, tổ chức gặp gỡ DN để ghi nhận vướng mắc, kiến nghị và kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan những vướng mắc vượt thẩm quyền. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hải quan. Nguyên nhân chính là do việc kiến nghị sửa đổi luật, nghị định, thông tư cần nhiều thời gian. Thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ thí điểm triển khai khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật theo nguyên tắc DN nắm bắt rõ pháp luật, tự tuân thủ, giảm hoạt động giám sát của cơ quan hải quan.


Ông Lương Xuân Thu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết, hàng năm, cơ quan thuế đều khảo sát nhu cầu đào tạo của DN để tổ chức các hội nghị đào tạo, bồi dưỡng với tiêu chí đi sâu vào thực tiễn những vấn đề DN cần tháo gỡ. Tuy nhiên, 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tổ chức các hội nghị tập huấn, chương trình cập nhật kiến thức cho người nộp thuế bị hạn chế. Thời gian tới, ngành Thuế tỉnh sẽ khảo sát nhu cầu của DN, kịp thời tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, phổ biến các chính sách mới cho DN. Về việc niêm yết thủ tục hành chính, đại diện Cục Thuế tỉnh khẳng định, cơ quan thuế đảm bảo niêm yết đầy đủ, công khai mọi thủ tục hành chính tại các bộ phận, cơ quan thuế. Tuy nhiên, việc tiếp cận của DN vẫn còn hạn chế. Do đó, sắp tới, cơ quan thuế sẽ tiến hành triển khai quét mã QR thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hơn cho DN. Ngoài ra, hiện nay, cơ quan thuế có nhiều kênh tiếp nhận vướng mắc, đặc biệt ngay tại trang thuedientu.gdt.gov.vn, DN có thể gửi nội dung cần giải đáp để cơ quan thuế phản hồi cho DN.


Đối với khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 15/2022 về việc lập hóa đơn riêng thuế suất 8% để được giảm thuế, thời gian qua, Chính phủ đã khắc phục bằng việc ban hành Nghị định số 41/2022 sửa đổi Nghị định số 123/2020 về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 15 về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%. Theo đó, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn riêng, tức là nếu cơ sở kinh doanh nhiều mặt hàng có thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, cơ sở kinh doanh tiết kiệm thời gian lập hóa đơn, tiết kiệm chi phí sử dụng hóa đơn, thuận tiện trong hạch toán kế toán và kê khai thuế. Qua đó, giảm chi phí tuân thủ thuế, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và các tổ chức, cá nhân kinh doanh…

 

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Văn phòng đại diện tại Khánh Hòa (VCCI), có 60,5% DN được khảo sát cho rằng thời gian qua, quy trình, thủ tục về thuế - hải quan được cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi hơn cho DN. Tuy nhiên, vẫn còn 18% DN gặp vướng mắc. Ngoài ra, vẫn còn DN cho rằng việc niêm yết công khai thủ tục tại cơ quan giải quyết thủ tục hành chính chưa đầy đủ, khó hiểu…


C.VÂN