06:09, 14/09/2015

Giá cước vận tải

Thông tin từ các cơ quan chức năng cho hay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 200 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động.

Thông tin từ các cơ quan chức năng cho hay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 200 doanh nghiệp vận tải (DNVT) đang hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sở Tài chính mới chỉ nhận được kê khai điều chỉnh giá cước của 8 DNVT với mức giảm từ 3 - 8%. Đây quả là điều khó chấp nhận vì giá xăng dầu đã giảm sâu và giảm nhiều lần, nhưng giá cước vẫn chưa giảm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Bởi lẽ, giá cước vận tải là đầu vào của giá nhiều loại hàng hóa, sản phẩm.


Giải thích về việc chậm điều chỉnh giá cước, một số DNVT cho rằng, giá nhiên liệu cứ “nhảy múa” liên tục
trong khi mỗi lần điều chỉnh giá cước các DN đều rất tốn kém công sức, tiền bạc. Với xe taxi là chi phí điều chỉnh đồng hồ, với các xe chạy tuyến cố định là chi phí in vé mới trong khi vé cũ phải bỏ... Trong khi đó, mỗi khi xăng vừa tăng giá, lập tức nhiều hãng taxi đã đồng loạt tăng giá cước với lập luận: “Không tăng giá thì DN phải bù lỗ”, mà không thấy đơn vị nào kêu tốn kém để điều chỉnh!


Phát biểu trên báo Tiền Phong, Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: nhiên liệu chiếm tới 30 - 40% giá cước vận tải nên đúng ra theo quy luật thị trường, xăng giảm đương nhiên cước vận tải phải giảm. Với mức giảm giá xăng dầu trong gần hai tháng qua thì giá cước vận tải phải giảm 5 - 7% tùy theo loại phương tiện. Vậy nên ở đây có dấu hiệu các DNVT liên kết với nhau để găm cho giá cước đứng im.  


Nhiều ý kiến cho rằng: liệu có biện pháp nào mạnh để buộc các DNVT phải giảm giá cước? Mới đây, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản đề nghị các DNVT kê khai lại giá, tính toán chi phí đầu vào để giảm giá cước tương ứng. Bộ Giao thông vận tải cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải và giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên cả nước.


Còn nhớ trong những tháng đầu năm 2015, biện pháp này cũng đã được áp dụng. Ngành chức năng và các địa phương đã thành lập nhiều đoàn thanh tra về giá cước, khi đó các DN mới chịu giảm giá. Tuy nhiên, kết quả của những cuộc kiểm tra này lại chưa được thông tin rộng rãi đến người dân.


Vì thế, công khai những DNVT cố tình không giảm giá cước hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh là việc các cơ quan chức năng cần tính đến để giá cước vận tải vận hành theo đúng quy luật của thị trường.


T.A