Bất chấp gian khổ, đòn roi ác nghiệt của địch trong nhà tù, các đảng viên trưởng thành trong những năm tháng chiến tranh gian khổ mãi giữ trọn lời thề sắt son với Đảng. Giờ đây, đã ở tuổi "xưa nay hiếm", những đảng viên ấy vẫn năng nổ trong công tác, truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay…
Bất chấp gian khổ, đòn roi ác nghiệt của địch trong nhà tù, các đảng viên trưởng thành trong những năm tháng chiến tranh gian khổ mãi giữ trọn lời thề sắt son với Đảng. Giờ đây, đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, những đảng viên ấy vẫn năng nổ trong công tác, truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay…
Thành lập chi bộ, đấu tranh trong nhà tù
Một chiều đầu xuân Quý Mão, khi hương Tết vẫn còn chưa phai, tôi ngược lên thị trấn Diên Khánh tìm gặp ông Dương Chí, đảng viên 75 năm tuổi Đảng. Ở tuổi 92, người cán bộ lão thành ấy vẫn nhớ như in về những dấu mốc trong cuộc đời mình. Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi - vùng đất giàu truyền thống cách mạng, 16 tuổi, chàng trai Dương Chí đã tham gia bộ đội liên khu V. Năm 1949, ông Chí vinh dự được kết nạp vào Đảng, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam - Bình Định. Năm 1953, trong một trận đánh lớn tại Quảng Nam, ông bị thương rồi giải ngũ. Tập kết ra Bắc năm 1954, phụ trách công tác đảng, đoàn ở các đơn vị dân sự nhưng lòng ông không nguôi nhớ về miền Nam, nơi người thân đang phải sống trong vòng kìm kẹp của kẻ thù.
Năm 1963, khi có chủ trương đưa những cán bộ tập kết trở lại chiến trường miền Nam, ông Chí đã xung phong trở về khu V - một trong những chiến trường ác liệt nhất thời kỳ đó. “Tháng 3-1963, tôi nhận được quyết định đi B. Sau thời gian học tập, rèn luyện ở Hòa Bình, chúng tôi vượt Trường Sơn đến tháng 12-1963 mới vào đến chiến khu Hòn Dữ, huyện Khánh Vĩnh”, ông Chí nhớ lại. Làm công tác tuyên truyền, ông Chí đã bám trụ ở địa bàn huyện Diên Khánh xây dựng cơ sở cách mạng. Đầu tháng 1-1967, do bị chỉ điểm, ông Chí đã bị địch vây bắt ở xã Diên Phú (Diên Khánh). Địch tra tấn rất dã man để moi tin tức nhưng ông Chí cắn răng chịu đựng với câu trả lời “tôi vừa ở miền Bắc vào, tổ chức giao đi xin gạo để ăn nên không nắm được gì”. “Đi theo Đảng, dấn thân làm cách mạng là chấp nhận tù đày, hi sinh”, ông Chí lý giải về sức mạnh tinh thần giúp mình vượt qua những màn tra tấn dã man như chích điện, đi tàu bay (treo người lơ lửng rồi đẩy mạnh cho húc đầu vào tường), đi tàu thủy (nhận nước)...
Sau 1 tháng tra khảo nhưng không mang lại kết quả, địch đưa ông vào Trung tâm Cải huấn Nha Trang (còn gọi là Nhà lao lớn). Ở đây, ông Chí cùng nhiều bạn tù đã cương quyết chống lại việc chào cờ, không hát quốc ca của ngụy. Sau đợt tấn công Tết Mậu Thân 1968, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta bị bắt. “Để lãnh đạo anh em đấu tranh, tháng 5-1968, chúng tôi bàn thảo, quyết định thành lập chi bộ trong nhà tù với 12 đảng viên. Chi ủy có 5 người, tôi làm Bí thư Chi bộ”, ông Chí kể lại. Phong trào đấu tranh lên cao, địch đã đưa những người cầm đầu đi nhốt riêng, ông Chí cùng các bạn tù quyết định tuyệt thực. Những chiến sĩ trong tù cũng đấu tranh yêu cầu trả anh em về trại tù binh. Đến đầu tháng 6-1968, địch đưa 32 chiến sĩ cách mạng “cứng đầu” ở Trung tâm Cải huấn Nha Trang lên Nhà lao Pleiku (tỉnh Gia Lai). Ở đây, ông Chí cùng các đảng viên từ Nha Trang tiếp tục bắt liên lạc, móc nối với Đảng bộ trong nhà tù để hoạt động, tổ chức đấu tranh. “Chúng tôi thành lập 2 đội diệt ác. Trong một lần địch tổ chức cho tù nhân đi xem phim, chúng tôi bàn kế hoạch, cắt điện, diệt một tên chỉ huy trại tù… Sau đợt đó, địch bắt một số anh em đi tra khảo, rồi đưa tất cả ra trại tù Phú Quốc vào tháng 12-1968”, ông Chí nhớ lại những ngày bền gan đấu tranh với địch.
Ở Nhà tù Phú Quốc, những chiến sĩ cách mạng bị giam trong những buồng giam chật chội, thường xuyên bị đánh đập vô cớ. Nhưng đòn roi của kẻ thù không thể khuất phục được ý chí các chiến sĩ cách mạng. “Chúng tôi xác định, ở tù là bị quản thúc về thân thể, nhưng không cầm tù được ý chí cách mạng. Trong tù, chúng tôi tiếp tục sinh hoạt đảng, tổ chức kết nạp đảng viên, dạy học cho nhau, tổ chức đấu tranh không tham gia xây dựng hàng rào nhà tù và xây lô cốt, không giặt đồ cho các cai tù”, ông Chí kể.
Sau hơn 7 năm bị giam cầm, tháng 3-1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Chí cùng các bạn tù được trao trả tại sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị). “Được về với cách mạng, ai cũng vui mừng. Không biết ai khởi xướng, chúng tôi cởi áo quần ném trả lại cho địch, chỉ còn độc cái quần đùi trên người. Nhiều người không đợi được đò đã nhảy ùm bơi qua sông hướng về bờ Bắc, nơi quân dân ta đang đợi sẵn”, ông Chí kể mà nước mắt rưng rưng xúc động.
Sắt son trọn đời theo Đảng
Chia tay ông Chí, tôi về lại Nha Trang gặp bà Huỳnh Thị Tám (sinh năm 1947, ở số nhà 85A đường Bạch Đằng, phường Tân Lập). “Cha tôi từng bị địch bắt tù gần 2 năm vì nuôi giấu cán bộ thời chống Pháp. 18 tuổi, khi đang làm chủ tiệm may, tôi đã làm liên lạc cho cán bộ cách mạng về nằm vùng ở Hòn Khói, Ninh Hòa. Năm 1965, khi có nguy cơ bị lộ, tôi lên căn cứ Hòn Hèo, đi học y tá rồi về công tác ở Bệnh xá Hòn Hèo”, bà Tám kể. Tháng 3-1967, địch càn quét mạnh ở khu vực Hòn Hèo, toàn bộ cán bộ bệnh xá, thương binh bị địch bắt ở gộp đá chùa Hang. “Địch đưa chúng tôi về trại giam Biên Hòa để thẩm vấn. Tất cả chúng tôi không khai báo gì, một mực nói “chỉ biết chăm sóc thương binh…”, bà Tám nhớ lại.
Không khai thác được gì nên địch đã đưa số tù binh nữ ra Trại giam Phú Tài (tỉnh Bình Định). Ở đây, bà Tám tham gia đội xung kích, đi đầu trong phong trào đấu tranh của tù binh. “Hồi ấy, trại giam Phú Tài có đến gần 970 nữ tù nhân. Trong tù có tổ chức Đảng, chi đoàn hoạt động. Tất cả đoàn kết để chống lại âm mưu của địch bằng cách không tham gia học tố cộng, không chào cờ địch, không làm tạp vụ cho cai tù… Đấu tranh suốt 7 ngày đêm, địch đánh chết 2 người, nhưng chúng tôi không lùi bước nên cuối cùng chúng phải nhượng bộ”, bà Tám kể.
Năm 1969, địch gọi bà Tám cùng một số bạn tù người Khánh Hòa lên để dụ ký giấy chiêu hồi, nhưng tất cả đều cự tuyệt. “Chúng bảo tôi đẹp thế này, ở tù làm gì cho phí tuổi trẻ. Chỉ cần ký vào giấy chiêu hồi là được về nhà làm ăn, lấy chồng sinh con. Tôi trả lời dứt khoát là tôi xác định đã đi theo cách mạng là theo trọn đời. Tên địch thẩm vấn tức tối lấy song giường quật thẳng vào đầu khiến tôi ngất xỉu”, bà Tám nhớ lại.
Tháng 2-1972, bà Tám được chuyển vào trại tù ở Cần Thơ. Ở đó, bà tiếp tục tham gia phong trào đấu tranh, được kết nạp vào Đảng vào đêm 1-8-1972. “Trước đó, cấp trên yêu cầu tôi viết lý lịch để xin vào Đảng. Tôi lấy cây tre vót nhọn làm bút, giấy bằng vỏ bao xi măng, dùng mực lấy từ con mực (thân nhân thăm nuôi) nấu cô lại để làm mực viết. Lý lịch rất ngắn gọn, nét chữ rất to… Đêm đó, tôi đang ngủ thì chị Út Sương (quê Tây Ninh) đập vào chân, nói nhỏ đi ra ngoài rồi dẫn tôi ra nhà ăn của trại tù để làm Lễ kết nạp Đảng. Tổ chức đã chuẩn bị sẵn cờ Đảng (thêu bằng tay), bình hoa bằng giấy, có dòng chữ Lễ kết nạp Đảng. Bí thư Đảng ủy nhà tù đọc quyết định rất ngắn gọn… Tôi run lên vì xúc động, tuyên thệ xong là khóc vì quá sung sướng. Đó là giây phút tôi không bao giờ quên được”, bà Tám xúc động kể. Tháng 2-1973, bà Tám được trao trả tại Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Được tổ chức phân công, bà Tám chuẩn bị sẵn lá cờ Đảng trong người, khi xuống sân bay, bà đã rút lá cờ vẫy chào, lòng tràn ngập niềm vui vì được trở về với cách mạng.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Dương Chí đã tiếp tục công tác ở huyện Diên Khánh đến khi nghỉ hưu năm 1984. Bà Huỳnh Thị Tám chuyển sang công tác ở ngành thương nghiệp Khánh Hòa rồi nghỉ hưu năm 1990. Với tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên, ông Chí và bà Tám đều tích cực tham gia nhiều hoạt động của địa phương, giáo dục con cháu giữ vững truyền thống cách mạng của gia đình. Riêng ông Chí thường xuyên tham gia hoạt động kể chuyện, giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh các trường trên địa bàn. Hiện nay, ông Dương Chí là Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Diên Khánh, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống kháng chiến cứu nước huyện. Bà Huỳnh Thị Tám là Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP. Nha Trang. Năm 2022, ông Chí đã vinh dự được tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, bà Tám cũng vinh dự được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. “Nhiều đồng đội của tôi đã hi sinh trong những năm tháng chiến đấu với quân thù. Với tôi, được sống đến hôm nay, thấy đất nước, quê hương đổi mới, phát triển là hết sức may mắn. Tôi nguyện giữ trọn lời thề khi được kết nạp vào Đảng, giáo dục con cháu nỗ lực học tập, công tác để góp phần xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng phát triển, giàu đẹp hơn”, lời tâm sự của ông Chí cũng chính là tấm lòng của lớp đảng viên lão thành.
XUÂN THÀNH