10:11, 28/11/2022

Chiến thắng Tây Bắc 1952: Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm

Cách đây 70 năm, Trung ương Đảng đã mở chiến dịch tiến công Tây Bắc và giành thắng lợi. Chiến thắng Tây Bắc 1952 đã đi vào lịch sử kháng chiến giành độc lập dân tộc, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự, chính trị, kinh tế, tạo ra thế và lực mới để tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng Tây Bắc đã khẳng định sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới.

Cách đây 70 năm, Trung ương Đảng đã mở chiến dịch tiến công Tây Bắc và giành thắng lợi. Chiến thắng Tây Bắc 1952 đã đi vào lịch sử kháng chiến giành độc lập dân tộc, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự, chính trị, kinh tế, tạo ra thế và lực mới để tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng Tây Bắc đã khẳng định sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới.

Là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược


Tây Bắc là một vùng chiến lược quan trọng. Từ đây, quân địch có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc và che chở cho Thượng Lào. Lực lượng địch chiếm đóng ở đây chỉ có 8 tiểu đoàn và 43 đại đội, gồm phần lớn là quân ngụy. Lực lượng Âu - Phi có 3 tiểu đoàn chốt ở Sơn La, Lai Châu làm nhiệm vụ cơ động; ngoài ra có tiểu đoàn dù ở Hà Nội khi cần, dùng đường không cơ động đến tăng viện.


Tháng 9-1952, Trung ương Đảng chủ trương tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh và quyết định mở chiến dịch tiến công Tây Bắc nhằm mục đích: “Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc, mở rộng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế (Lào Cai - Vân Nam) và tạo những điều kiện mới cho cách mạng Lào”. Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, chỉ định Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng. Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm các đại đoàn 308, 312, 316; Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148); 6 đại đội sơn pháo 75 ly; 3 đại đội súng cối 120 ly; 1 Trung đoàn công binh và 11 đại đội bộ đội địa phương. Dân công cần huy động phục vụ chiến dịch khoảng 35.000 người.


Chiến dịch được chuẩn bị chu đáo, mở màn ngày 14-10-1952 và diễn ra với 3 đợt chiến đấu quyết liệt. Đợt 1: Từ ngày 14 đến 23-10-1952, quân ta tiến công tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vành đai ngoài Tây Bắc của địch, giải phóng vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ đường số 13 nối Yên Bái với Nghĩa Lộ. Đợt 2: Từ ngày 7 đến 22-11-1952, quân ta vượt sông Đà, tiến công tiêu diệt khu phòng thủ Mộc Châu, giải phóng tỉnh Sơn La, Điện Biên Phủ.  Đợt 3: Từ ngày 30-11 đến 10-12-1952,  quân ta tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản (thuộc xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) và sau đó, căn cứ tình hình thực tế, ngày 10-12-1952, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch.


Sau 2 tháng mở chiến dịch, quân ta đã tiêu diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch; nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động địch bị xóa sổ. Âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Nùng tự trị” của Pháp bị thất bại hoàn toàn. Tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái có diện tích rộng 28.500km2 với 25 vạn dân được giải phóng.


Kết quả chiến dịch Tây Bắc đã mở ra một thế chiến lược mới, rất thuận lợi cho ta. Vùng giải phóng đã nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và Thượng Lào. 8/10 diện tích đất đai vùng Tây Bắc được giải phóng nối liền với phía Tây căn cứ địa Việt Bắc. Đường giao thông quốc tế từ Trung Quốc sang Lào Cai (Việt Nam); từ Việt Nam sang Lào; từ Tây Bắc, Việt Bắc xuống Liên khu 3, Liên khu 4 vào Nam dễ dàng, thuận lợi hơn.


Chiến thắng Tây Bắc 1952 đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, là một trong những chiến công oanh liệt, có ý nghĩa chiến lược, làm chuyển biến cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta, góp phần tạo thế và lực mới tiến tới giành thắng lợi cuối cùng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954.


Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp


Chiến thắng Tây Bắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước hết là do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy. Đó là chủ trương “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh” và phương châm tác chiến là “Đánh điểm, diệt viện”. Xác định rõ mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc.


Chiến dịch thắng lợi còn nhờ các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân các địa phương, trực tiếp là các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc đã phát huy tinh thần yêu nước, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy, đoàn kết, khắc phục khó khăn, vừa tích cực đánh giặc bảo vệ hậu phương, vừa tham gia phục vụ kháng chiến, cung cấp sức người, sức của bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi.


Chiến thắng Tây Bắc đã cho thấy tài thao lược, chỉ đạo tác chiến của Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, sự đoàn kết, quyết tâm chiến đấu cao của các lực lượng tham gia chiến dịch mà nòng cốt là các đại đoàn chủ lực. Cùng với đó, công tác huy động lực lượng phục vụ, bảo đảm hậu cần chiến dịch được tiến hành chu đáo, khẩn trương với quy mô lớn; hoạt động phối hợp tác chiến giữa các chiến trường nhất là chiến trường sau lưng địch với chiến trường Tây Bắc được tiến hành đồng bộ, góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp để giành chiến thắng...


70 năm đã trôi qua, song những bài học kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng Tây Bắc 1952 vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vận dụng những bài học quý từ Chiến thắng Tây Bắc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo, vùng trời của Tổ quốc; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc…


T.K
(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)