11:04, 24/04/2019

Văn phòng Khu ủy Khu 5 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Thực hiện Công văn số 3411-CV/VPTW/nb, ngày 8-4-2019 của Văn phòng Trung ương Đảng, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Khánh Hòa xin giới thiệu toàn văn "Đề cương tuyên truyền hoạt động của Văn phòng Khu ủy Khu 5" 

Thực hiện Công văn số 3411-CV/VPTW/nb, ngày 8-4-2019 của Văn phòng Trung ương Đảng, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Khánh Hòa xin giới thiệu toàn văn “Đề cương tuyên truyền hoạt động của Văn phòng Khu ủy Khu 5” nhân sự kiện Văn phòng Khu ủy Khu 5 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được tổ chức vào ngày 26-4-2019 tại TP. Đà Nẵng.

Sự ra đời của Văn phòng Khu ủy Khu 5


Tháng 11-1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Phạm Văn Đồng vào Nam Trung Bộ để trực tiếp lãnh đạo kháng chiến. Tháng 12-1946, Trung ương quyết định giải thể Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam và các chiến khu để thành lập Khu 5 (gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum), Khu 6 (gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng). Cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo chung cao nhất của cả hai khu là Liên Khu ủy (sau này gọi là Liên Khu ủy 5 và giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gọi là Khu ủy 5). Từ khi có Liên Khu ủy, có một số cán bộ văn phòng làm công tác giúp việc cho lãnh đạo Liên Khu ủy. Tháng 10-1948, mới hình thành chính thức bộ phận Văn phòng Bí thư Liên khu ủy, tiền thân của Văn phòng Liên Khu ủy 5 và Văn phòng Khu ủy 5 sau này. Văn phòng Khu ủy 5 có chức năng tham mưu, giúp việc và phục vụ cho Khu ủy; nhiệm vụ trọng yếu nhất là nghiên cứu, tham mưu tổng hợp, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy, trực tiếp là Thường vụ Khu ủy. Văn phòng Khu ủy 5 thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, trực tiếp với Văn phòng Trung ương Đảng, với các Tỉnh ủy miền Trung, Tây Nguyên và Trung ương Cục miền Nam. Văn phòng Khu ủy 5 có 6 phòng, ban và các đơn vị, gồm: Phòng Nghiên cứu, tham mưu tổng hợp; Phòng Hành chính - Quản trị; Ban Thông tin liên lạc vô tuyến (VTĐ); Ban Cơ yếu; Ban Giao tế; Đơn vị bảo vệ.

 

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại  xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Ảnh: BKH

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm.

 

Thành tích của Văn phòng Khu ủy khu 5 trong hai cuộc kháng chiến

 

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 21-7-1954, nước ta tạm chia làm hai miền, thực hiện chuyển quân tập kết, sau hai năm sẽ tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tuy nhiên ở miền Nam, Mỹ đã nhanh chóng gạt Pháp, đưa Ngô Đình Diệm về nước lập chính phủ bù nhìn (ngày 7-7-1954), âm mưu xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp phong trào cách mạng và chia cắt lâu dài đất nước ta. Trong bối cảnh đó, tháng 8-1954, Hội nghị Bộ Chính trị bàn về công tác cách mạng ở miền Nam đã khẳng định: kẻ thù trước mắt của nhân dân ta lúc này là đế quốc Mỹ, hiếu chiến Pháp và tay sai của chúng, cụ thể là chính quyền Ngô Đình Diệm. Văn phòng Khu ủy đã kịp thời tham mưu cho Thường vụ Liên Khu ủy tổ chức Hội nghị Liên Khu ủy mở rộng từ ngày 27 đến 28-7-1954 để quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị về chủ trương mới, tổ chức lại bộ máy lãnh đạo và phương châm đấu tranh thời kỳ mới của cách mạng. Sau đó, ra văn bản chỉ đạo các tỉnh khẩn trương tổ chức chuyển quân, tập kết ra Bắc, đồng thời xây dựng phương án bố trí cán bộ, đảng viên ở lại bám chiến trường, hình thành hai bộ phận: một bộ phận hoạt động “Hợp pháp” trong các thành phố, đô thị; một bộ phận hoạt động “Bất hợp pháp” ở các vùng nông thôn, miền núi.


Đầu năm 1955, Trung ương quyết định chuyển hai tỉnh: Quảng Trị và Thừa Thiên về Liên khu 5. Như vậy, Liên khu 5 vào thời điểm này đã trở thành một chiến trường rộng lớn từ vĩ tuyến 17 đến giáp miền Đông Nam Bộ. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trên chiến trường và để giúp chỉ đạo sát các tỉnh, Văn phòng Khu ủy đã tham mưu Liên khu ủy thành lập 4 Liên tỉnh: Liên tỉnh 1 (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam); Liên tỉnh 2 (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên); Liên tỉnh 3 (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng); Liên tỉnh 4 (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk).


Tình hình Liên khu 5 những năm 1955 - 1958 hết sức khó khăn, ác liệt. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã công khai phát động “Chiến dịch tố cộng, diệt cộng” ở miền Nam. Chúng thành lập Ban tố cộng từ trung ương đến xã, lấy lực lượng cảnh sát, mật vụ, tình báo, chiến tranh tâm lý làm nòng cốt, huy động các cơ quan hành chính, lực lượng bảo an, dân vệ và quân cộng hòa cùng tham gia. “Chiến dịch tố cộng đợt 2” vào đầu năm 1956 vẫn lấy trọng tâm là địa bàn các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Thuận, nhưng tập trung chủ yếu là các vùng tự do cũ, vùng căn cứ du kích trong kháng chiến chống Pháp và kể cả trong các cơ quan đơn vị của chúng. Đặc biệt, địch sử dụng các biện pháp đánh phá, bắn giết kéo dài và ác liệt hơn, với phương châm “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Phong trào cách mạng bị thiệt hại không nhỏ, nhất là số cán bộ, đảng viên hoạt động hợp pháp tổn thất nặng nề; có tới 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên và hơn 70% cán bộ xã bị địch bắt, thủ tiêu thậm chí nhiều xã không còn cán bộ lãnh đạo; có tỉnh chỉ còn vài chi bộ và mỗi chi bộ chỉ còn lại 2 đến 3 đảng viên.


Trước tình hình đó, Văn phòng Khu ủy đã tập trung mọi nỗ lực, dồn sức bảo đảm thu thập thông tin, nắm tình hình, kịp thời tổng hợp mọi diễn biến lớn trên địa bàn Liên khu để tham mưu cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo củng cố phong trào cách mạng của Liên Khu ủy. Giữa năm 1958, Văn phòng đã tham mưu, phục vụ thành công Hội nghị Liên Khu ủy mở rộng (có sự tham gia đầy đủ của Bí thư Ban Cán sự đảng các tỉnh). Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình lãnh đạo của Liên Khu ủy, đã kiểm điểm sâu sắc tình hình phong trào cách mạng và rút ra một số vấn đề cần chấn chỉnh trong công tác chỉ đạo của Liên khu từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ. Liên Khu ủy đã đề ra một số nhiệm vụ nhằm chuyển phong trào lên một bước mới; tập trung xây dựng miền Tây các tỉnh đồng bằng và Tây Nguyên thành căn cứ cách mạng; bước đầu xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang ở miền núi với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, bảo vệ nhân dân. Về phương pháp đấu tranh không đơn thuần chỉ là đấu tranh chính trị mà bắt đầu dùng vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị.


Tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 khóa II ra Nghị quyết về đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam, nêu rõ: con đường phát triển của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang đánh đổ quyền thống trị của đế quốc Mỹ và phong kiến, dựng nên chính quyền của nhân dân. Nghị quyết 15 của Trung ương đã mở đường cho phong trào cách mạng miền Nam bùng lên quyết liệt. Trước sự chuyển biến của phong trào cách mạng, để thuận tiện hơn trong chỉ đạo các địa phương, năm 1960, Liên Khu ủy 5 chuyển căn cứ về phía tây huyện Trà My (giáp ranh giữa 3 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum). Cơ quan Liên Khu ủy đứng chân tại khu vực Nước Là, Sông Tranh, làng Tak Pỏ, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My với mật danh là “Mật khu Đỗ Xá”. Tại đây vào tháng 4-1960, Văn phòng Khu ủy đã tổng hợp báo cáo tình hình sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 15 của các tỉnh trên địa bàn Liên khu. Sau đó đã tham mưu, phục vụ tổ chức thành công Hội nghị toàn Liên khu để kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương và đề ra chủ trương phát động phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn trong toàn khu và phát động phong trào nổi dậy của quần chúng từ các tỉnh đồng bằng đến Tây Nguyên.


Tháng 4-1960, Ban Quân sự Liên Khu được thành lập, do đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) - Bí thư Liên Khu ủy làm Trưởng ban và Ban Tuyên huấn Liên khu được thành lập do đồng chí Trương Chí Cương - Phó Bí thư Liên Khu ủy làm Trưởng ban; sau đó, các ban, ngành khác lần lượt được thành lập. Tháng 9-1960, đồng chí Võ Chí Công ra chỉ thị mở đợt hoạt động vũ trang cao điểm trong suốt 6 tháng cuối năm 1960 nhằm phát động quần chúng phá kềm, mở rộng và xây dựng Tây Nguyên cùng miền Tây của các tỉnh đồng bằng trở thành khu căn cứ tương đối hoàn chỉnh, giành quyền làm chủ ở một số khu vực vùng giáp ranh, đẩy mạnh hoạt động ở đồng bằng, rút thanh niên ra xây dựng lực lượng, mở đường hành lang chiến lược Bắc - Nam và Đông - Tây. Lúc này Văn phòng Liên Khu ủy được giao nhiệm vụ đôn đốc, theo dõi việc thực hiện chỉ thị trong toàn Liên khu và cử cán bộ xuống từng tỉnh để chỉ đạo tổ chức Đại hội Đảng bộ các tỉnh. Kết quả trong năm 1960, ở miền núi ta đã đánh 55 trận, diệt 44 trung đội địch, phá hàng chục khu đồn bốt và giải phóng trên 45 vạn dân. Ở đồng bằng đã đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng.

 

Phong trào Đồng khởi 1960 và cuộc đấu tranh diệt ác, phá kềm của nhân dân miền Nam đã giáng đòn quyết định vào chính sách thực dân kiểu mới, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của Mỹ ở miền Nam. Từ năm 1961, tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi thực hiện chiến lược “Phản ứng linh hoạt” và triển khai “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam. Đây là hình thức chiến tranh thực dân kiểu mới, được tiến hành bằng quân đội tay sai, có cố vấn Mỹ chỉ huy cùng với phương tiện chiến tranh, đô la của Mỹ; thực hiện quốc sách “Ấp chiến lược” hòng đè bẹp phong trào cách mạng miền Nam. Trước tình hình này, đầu năm 1961, Bộ Chính trị ra Chỉ thị về phương hướng và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam, trong đó nhấn mạnh: phải tăng cường và đưa đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tiến công địch trên cả hai mặt trận chính trị và quân sự. Chỉ thị đề ra phương châm đấu tranh ở ba vùng: ở rừng núi, lấy đấu tranh quân sự làm chủ yếu, tiến lên làm chủ rừng núi; ở đồng bằng, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị có thể ngang nhau, giành làm chủ toàn bộ vùng đồng bằng; ở đô thị, ra sức xây dựng cơ sở, lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu.


Xuất phát từ yêu cầu chỉ đạo trên chiến trường, tháng 4-1961, Trung ương quyết định chia chiến trường Nam Trung Bộ thành hai khu: Khu 5 gồm các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai; Khu 6 gồm các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức, Lâm Đồng, Quảng Đức, Đắk Lắk. Đồng chí Võ Chí Công được điều động vào Trung ương Cục miền Nam; đồng chí Nguyễn Đôn được chỉ định làm Bí thư Khu ủy 5 kiêm Tư lệnh Quân khu 5. Văn phòng Khu ủy đã tham mưu phục vụ Liên Khu ủy xây dựng nhiệm vụ, phương châm công tác toàn khu, tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, bàn về công tác đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, xây dựng căn cứ địa, giữ vững đồng bằng. Văn phòng cũng tổ chức một bộ phận cán bộ nghiên cứu, cơ yếu, điện đài xuống các địa phương trực tiếp chỉ đạo «Kế hoạch 32A» thí điểm phá kềm giành dân.


Công tác đấu tranh vũ trang thời gian này đạt nhiều kết quả. Chiến dịch vượt Sông Tiên (9-1962) đã giải phóng 3 xã: Sơn - Cẩm - Hà thuộc Tiên Phước, Quảng Nam. Tiêu biểu nhất là Đà Nẵng phát động cuộc đấu tranh kéo dài 76 ngày đêm, tại Đà Lạt trên 10.000 người bao vây Tòa thị chính ngụy. Các cuộc đấu tranh đã làm tê liệt hoạt động của địch ở thành thị. Đặc biệt, tháng 4-1963 ta đã đánh bại cuộc càn quét quy mô lớn nhất với 3 tiểu đoàn địch vào cơ quan đầu não của ta (Mật khu Đỗ Xá), diệt 600 tên địch, bắn rơi 20 trực thăng, thu nhiều vũ khí. Tháng 8-1964, đồng chí Võ Chí Công từ Trung ương Cục về lại Khu 5 làm Bí thư Liên Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5 thay đồng chí Nguyễn Đôn nhận nhiệm vụ mới. Văn phòng Khu ủy đã phục vụ cho Thường vụ Liên Khu ủy tổ chức Hội nghị toàn khu, đánh giá kết quả bước đầu công tác đấu tranh chính trị, vũ trang. Tới cuối năm 1964, ta đã phá 2.100 ấp chiến lược, giải phóng và làm chủ 2.580.000 dân ở cả 3 vùng. Hội nghị cũng đã động viên toàn đảng bộ, quân dân tranh thủ thời cơ liên tục tấn công địch.


Chiến lược Chiến tranh đặc biệt bị phá sản. Tháng 3-1965, Mỹ và các nước chư hầu ồ ạt đưa quân cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam, tiến hành Chiến tranh cục bộ, mở rộng đánh phá miền Bắc. Chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt. Văn phòng Khu ủy đã tham mưu cho Khu ủy mở đợt sinh hoạt chính trị toàn khu, học tập lời kêu gọi của Bác, thư của Đảng; giữ vững lập trường tư tưởng, tổ chức, làm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân dám đánh Mỹ, biết đánh Mỹ. Tổ chức nhiều hội nghị bàn về củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng «Vành đai diệt Mỹ», phát động phong trào quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ. Văn phòng cử nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống các chiến trường có Mỹ đóng quân để nghiên cứu, nắm tình hình báo cáo Thường vụ và giúp các địa phương kế hoạch đánh Mỹ. Với quyết tâm cao, tháng 5-1965 lần đầu tiên ta diệt 1 đại đội Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam), từ đó giải tỏa tâm lý và khẳng định lòng tin quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ. Tiếp đến tháng 8-1965, trận Vạn Tường (Quảng Ngãi) ta đánh bại cuộc hành quân tìm diệt của địch, diệt 900 tên Mỹ, bắn rơi 13 máy bay lên thẳng, diệt 22 xe tăng, xe bọc thép. Cuối năm 1965 đánh bại sư đoàn kị binh bay số 1 của Mỹ ở trận Pleime.


Tháng 7-1965, Văn phòng Khu ủy phục vụ cho Liên Khu ủy tổ chức Đại hội Mặt trận Khu tại xã Kỳ Thịnh (Tam Kỳ, Quảng Nam) trên 200 đại biểu, bầu ra Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Trung Trung Bộ gồm 25 người, do nhà giáo Trần Hữu Duẩn làm chủ tịch, đồng chí Trương Công Thuận làm phó chủ tịch. Tháng 10-1965, Văn phòng Khu ủy tổ chức đoàn công tác gồm cán bộ văn phòng, điện đài, cơ yếu và bảo vệ phục vụ đồng chí Võ Chí Công đi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số huyện vùng sâu để nghiên cứu tình hình. Tháng 12-1965, Văn phòng phục vụ Hội nghị Thường vụ Khu ủy để quán triệt Nghị quyết 12 của Trung ương và ra Nghị quyết động viên toàn Đảng bộ, quân dân quyết tâm đánh địch liên tục, đẩy mạnh diệt Mỹ, diệt và làm tan rã quân ngụy, kiên trì phương châm 2 chân 3 mũi giáp công chống tư tưởng hữu khuynh, sợ Mỹ.


Tháng 4-1966, Trung ương tách hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên ra, Khu 5 còn 9 tỉnh trực thuộc Trung ương cho đến kết thúc chiến tranh. Tháng 9-1966, đồng chí Hoàng Văn Thái làm Quyền Bí thư kiêm Chính ủy và Tư lệnh Quân khu 5 (thay đồng chí Võ Chí Công ra Hà Nội). Văn phòng Khu ủy đã phục vụ Hội nghị Khu ủy vào tháng 3-1967 do đồng chí Hoàng Văn Thái chủ trì. Hội nghị đánh giá cao quyết tâm chiến lược đánh Mỹ, thắng Mỹ và phong trào đấu tranh quyết liệt ở các đô thị; xây dựng kế hoạch cho mùa khô lần thứ 2.


Tháng 9-1967, đồng chí Võ Chí Công ở Hà Nội vào tiếp tục làm Bí thư kiêm Chính ủy Quân khu, đồng chí Chu Huy Mân ở B3 về làm Tư lệnh Quân khu, đồng chí Hoàng Văn Thái vào Trung ương Cục miền Nam. Văn phòng đã tổ chức nhiều Hội nghị về đấu tranh chính trị, công tác binh vận, công tác thành phố, công tác xây dựng căn cứ... Giúp Thường vụ Khu ủy triển khai Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Tổng quân ủy Trung ương; đặc biệt là chuẩn bị kế hoạch tổng tấn công nổi dậy Mậu Thân 1968.


Để chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân, Văn phòng Khu ủy đã tổ chức theo dõi sát tình hình các địa phương, tham mưu cho Thường vụ Khu ủy thông qua các phương án kế hoạch Tết Mậu Thân của các tỉnh, thành; phân công cán bộ theo dõi việc triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch được duyệt ở các địa phương, đặc biệt là chiến trường trọng điểm thành phố Đà Nẵng. Trong chiến dịch, đã bám sát diễn biến tình hình các chiến trường, tổng hợp thông tin báo cáo, động viên toàn lực ngày đêm phục vụ theo yêu cầu của lãnh đạo. Trong công tác hành chính - quản trị, đã bảo đảm nhu cầu vật chất, tập trung lực lượng tổ chức thu mua, vận chuyển các nhu yếu phẩm phục vụ cho chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy, hoạt động của cơ quan tiền phương và cơ quan hậu phương của Văn phòng trước, trong và sau chiến dịch. Trong công tác cơ yếu, triển khai đầy đủ các loại tài liệu, dự phòng dự trữ và trang bị nghiệp vụ cho tất cả các mạng cơ yếu trong khu. Đối với công tác thông tin, liên lạc, phân công cán bộ, báo vụ viên luân phiên bám máy, canh phiên giữ vững liên lạc; bố trí lực lượng, máy móc phục vụ mạng liên lạc của cơ quan chỉ đạo tiền phương và cơ quan hậu phương của Văn phòng, giữa Văn phòng Khu ủy với Văn phòng Trung ương.


Chiến dịch Mậu Thân ở Khu 5, ta đã tấn công vào 13 thành phố, thị xã, 28 quận lỵ, thị trấn, diệt và làm bị thương và tan rã 4 vạn tên địch. Tấn công 19 sân bay, 35 trận địa pháo, 50 khu kho, phá hàng trăm máy bay và rất nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Hàng vạn quần chúng ở nông thôn đã nổi dậy tiến vào thành phố, thị xã. Nhân dân các vùng tranh chấp, vùng địch kiểm soát đã đấu tranh giành làm chủ trên 20 vạn dân. Thắng lợi của Khu 5 đã góp phần cùng miền Nam giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc Mỹ ngụy phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán tại Pa-ri.


Sau Mậu Thân 1968, địch phản kích càn quét đánh phá rất ác liệt, cơ quan phải di chuyển lên huyện Hiên, huyện Giằng phía tây tỉnh Quảng Nam. Nghi có dấu hiệu bị lộ, Văn phòng đề xuất Thường vụ chỉ đạo tất cả các cơ quan của khu (cả Quân khu) phải di chuyển địa điểm mới. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cơ quan Văn phòng Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phải đóng quân kề sát bên nhau. Biết rằng như vậy là quá nguy hiểm và tổn thất nặng nề khi bị lộ và đã không ít lần bị tổn thất. Để bảo đảm an toàn, phải di chuyển liên tục 7, 8 lần trong năm, có tháng di chuyển 3, 4 lần với gần chục nghìn người của cơ quan đầu não, với thời gian chỉ vài ngày phải ổn định nơi ăn, ở trong điều kiện rừng núi là một thử thách khắc nghiệt.


Ngày 9-9-1969, Văn phòng phục vụ Thường vụ Khu ủy tổ chức Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn cứ A Ró, huyện Hiên phía tây Quảng Nam vào với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các cơ quan khu và nhân dân trong vùng căn cứ đến dự. Sau đó, Văn phòng phục vụ Khu ủy mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng toàn khu biến đau thương thành sức mạnh, tiếp tục chiến đấu.


Những năm 1969 - 1970 tình hình rất khó khăn, ác liệt. Chiến dịch kéo dài, lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, cơ sở bị tổn thất nhiều, thiếu thốn lương thực, đạn dược thuốc men, các cơ sở sản xuất bị đánh phá, đói rét, bệnh tật hoành hành. Trước tình hình đó, Văn phòng Khu ủy đã tham mưu Thường vụ Khu ủy chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng, tổ chức xây dựng, chấn chỉnh lực lượng vũ trang, đấu tranh chính trị; tiếp tục tấn công địch 2 chân, 3 mũi, 3 vùng chiến lược; tổ chức hội nghị Khu ủy (mở rộng) chỉ đạo các ban, ngành, các địa phương (tỉnh, huyện) tăng cường sản xuất tự túc, thu đổi lương thực, thực phẩm.

 

Tháng 3-1970, Văn phòng Khu ủy tổ chức tổng hợp tình hình, dự thảo nội dung báo cáo và chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ thành công Hội nghị Khu ủy. Hội nghị kiểm điểm công tác chống bình định và xác định nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của Khu là phải tiếp tục tập trung lực lượng đẩy mạnh các đợt hoạt động tấn công và nổi dậy trong năm 1970, đẩy lùi một bước kế hoạch bình định của địch.


Cục diện chiến trường miền Nam có những biến đổi, quân Mỹ và chư hầu đã rút bớt về nước. Giữa năm 1971, Bộ Chính trị quyết định phát triển tấn công chiến lược mới trên chiến trường miền Nam và Đông Dương giành thắng lợi quyết định trong năm 1972. Với tinh thần đó, tháng 9-1971, Văn phòng tổ chức phục vụ Hội nghị Khu ủy quán triệt quyết tâm chiến lược của Trung ương, tập trung lực lượng tấn công và nổi dậy trong năm 1972, tập trung vào 3 trọng điểm là Kon Tum, Bình Định và Quảng Nam và đã giành thắng lợi lớn. Thắng lợi năm 1972 ở Khu 5 và miền Nam cùng với chiến thắng trận Điện Biên Phủ trên không ở miền Bắc đã buộc địch phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước.


Trước khi ký kết Hiệp định Pa-ri, Thường vụ Khu ủy đã có chỉ thị hướng dẫn chống âm mưu lấn chiếm của địch và thực hiện kế hoạch “Chiếm lĩnh cắm cờ” của ta. Văn phòng Khu ủy đã tổ chức triển khai chỉ thị và cử cán bộ về trực tiếp giúp các tỉnh chuẩn bị kế hoạch thực hiện. Sau Hiệp định Pa-ri ký kết, địch âm mưu thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” đánh phá lấn chiếm các vùng giải phóng của ta. Văn phòng đã phân công cán bộ theo dõi, tổng hợp kịp thời tình hình, diễn biến trên các chiến trường, âm mưu, thủ đoạn đánh phá của địch, tham mưu cho Khu ủy chỉ đạo các địa phương, đơn vị vũ trang tập trung lực lượng chống lấn chiếm của địch, tổ chức cắm cờ giữ vững các vùng giải phóng của ta. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trên khắp các chiến trường suốt mấy tháng đầu năm 1973. Đến cuối năm 1973, ta đã đánh diệt hàng vạn tên địch, buộc địch rút bỏ 150 đồn bốt, chốt điểm, đưa dân về trên 25 nghìn người và giành lại thế làm chủ.


Tháng 7-1973, Văn phòng Khu ủy phục vụ Thường vụ Khu ủy họp kiểm điểm tình hình và bàn biện pháp tiếp tục đẩy mạnh tấn công chống lấn chiếm của địch. Cuối năm 1973, khi Khu ủy chủ trương tiến hành Đại hội Đảng bộ các tỉnh trong Khu, Văn phòng Khu ủy đã tập trung phục vụ Đại hội, chuẩn bị tốt các dự thảo văn kiện, các báo cáo tổng kết, báo cáo chính trị trình Đại hội; đảm bảo công tác văn bản, văn thư, bảo vệ; công tác thông tin liên lạc được thông suốt, kịp thời; đảm bảo ăn, ở; xây dựng hội trường, đào hầm tránh bom, tránh pháo, bảo đảm an toàn cho các đoàn đại biểu và Đại hội. Đại hội Đảng bộ Khu 5 họp từ ngày 15 đến ngày 22-12-1973 tại căn cứ Trà Phước thuộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam (nay là huyện Hiệp Đức), với 264 đại biểu, đại diện cho 47.000 đảng viên từ các chiến trường, các đơn vị địa phương về dự.


Trong năm 1974, Văn phòng đã tổ chức nắm tính hình, theo dõi việc thực thi nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ Khu lần thứ III đề ra. Đặc biệt trong hai tháng 8 và 9-1974, Văn phòng đã tập trung theo dõi sát diễn biến của chiến dịch bao vây tiêu diệt Chi Khu quận lỵ Thượng Đức và đánh địch phản kích trong suốt 2 tháng liền; kịp thời báo cáo, tham mưu cho Thường vụ chỉ đạo chiến dịch và đã giành thắng lợi lớn. Chiến thắng Thượng Đức đánh dấu một bước ngoặt trong so sánh lực lượng địch - ta ở chiến trường Khu 5.


Tháng 11-1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp phân tích tình hình, thời cơ chiến lược mới và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, trước đó, tháng 10-1974, Hội nghị Thường vụ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên triển khai kế hoạch mùa khô 1975 nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh bại cơ bản kế hoạch bình định của địch, giải phóng đại bộ phận nông thôn, quyết tâm giành thắng lợi lớn, chuẩn bị kế hoạch giành thắng lợi vượt bậc khi có thời cơ. Với tinh thần đó, Văn phòng Khu ủy gấp rút triển khai phục vụ kế hoạch mùa khô 1975 và chiến dịch giải phóng miền Nam; động viên cán bộ, nhân viên quyết tâm phục vụ vô điều kiện cho chỉ đạo; chỉ đạo cần đến đâu phục vụ kịp thời đến đó, không thiếu người, thiếu phương tiện. Văn phòng đã phân công cán bộ theo dõi sát từng chiến trường, tham mưu phục vụ Thường vụ thông qua các kế hoạch, phương án hành động của các tỉnh. Cử cán bộ trực tiếp xuống các địa phương tổ chức truyền đạt kịp thời những ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy, bố trí cán bộ phục vụ đáp ứng kịp thời kế hoạch đột xuất của lãnh đạo. Công tác đánh máy, in ấn tài liệu, chuyển nhận công văn, tài liệu đảm bảo chính xác, kịp thời; sắp xếp lực lượng, tài liệu, máy móc phục vụ yêu cầu của lãnh đạo Khu ủy trong chỉ đạo chiến dịch. Đặc biệt, đã gấp rút mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức tuyển chọn, đào tạo cấp tốc hàng trăm nhân viên mã dịch, báo vụ viên bổ sung kịp thời cho các mạng liên lạc trong Khu và yêu cầu phục vụ chiến dịch giải phóng miền Nam theo quyết tâm của Trung ương và Khu ủy.


Văn phòng Khu ủy đã tổ chức bộ phận cán bộ nghiên cứu, cơ yếu, điện đài, bảo vệ để thực hiện nhiệm vụ phục vụ, đảm bảo an toàn cho các đồng chí lãnh đạo trong tình hình chiến sự chuyển biến nhanh. Đầu tháng 2-1975, Văn phòng đã phục vụ kịp thời, bảo vệ đồng chí Bùi San - Thường vụ Khu ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Trung Trung Bộ đi tham gia chỉ đạo chiến dịch Buôn Ma Thuột hơn một tháng; đưa đồng chí Bùi San lên làm việc với Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, rồi chuyển ra cơ quan tiền phương của chiến dịch làm việc với đồng chí Văn Tiến Dũng, sau về đóng quân bên cạnh cơ quan Tỉnh ủy Đắk Lắk để chỉ đạo về mặt chính trị và chuẩn bị tiếp quản thị xã. Sau khi Buôn Ma Thuột được giải phóng ngày 10-3, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút bỏ Kon Tum và Pleiku. Ngày 14-3, theo quyết định của đồng chí Võ Chí Công, Văn phòng đã tổ chức đưa đồng chí từ cơ quan Tỉnh ủy Kon Tum vào ngay thị xã Kon Tum và Pleiku trong ngày đầu địch mới rút chạy. Đồng chí Võ Chí Công đã chỉ đạo Văn phòng Khu ủy thảo điện, cơ yếu, điện đài tổ chức chuyển ngay điện của đồng chí về Trung ương «Địch đã rút bỏ Tây Nguyên có khả năng sẽ rút bỏ Huế, đề nghị Trung ương đưa lực lượng vào đánh giải phóng Đà Nẵng. Ngày 27-3, Văn phòng tổ chức đưa đồng chí Võ Chí Công từ căn cứ Khu xuống cơ quan Tỉnh ủy Quảng Đà ở Hòn Tàu, soát lại kế hoạch tấn công giải phóng Đà Nẵng. Chiều ngày 29-3-1975, đồng chí Võ Chí Công và một số cán bộ của Khu vào Đà Nẵng nắm tình hình và chỉ đạo tiếp quản Đà Nẵng. Sáng ngày 31-3-1975, Văn phòng tổ chức một bộ phận đưa đồng chí Võ Chí Công lên đường Trường Sơn gặp đồng chí Lê Đức Thọ bàn kế hoạch phối hợp tấn công giải phóng Sài Gòn.


Văn phòng Khu ủy tiếp tục phục vụ đắc lực và kịp thời sự chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy tiến công giải phóng các tỉnh Khu 5. Đầu tháng 4-1975, toàn bộ 9 tỉnh của Khu 5 đã được hoàn toàn giải phóng. Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.


Tháng 9-1975, Văn phòng phục vụ Hội nghị Khu ủy (mở rộng), công bố quyết định của Trung ương giải thể Khu ủy Khu 5, lập cơ quan đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ miền Nam Việt Nam tại Khu Trung Trung Bộ, do đồng chí Võ Chí Công phụ trách. Tháng 10-1975, Văn phòng Khu ủy họp, công bố quyết định giải thể Văn phòng Khu ủy 5. Toàn bộ ngân quỹ, tài sản còn lại Văn phòng bàn giao lại cho cơ quan đại diện và ban, ngành chức năng. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu quan trọng lưu trữ được thống kê, sắp xếp và chuyển giao về Văn phòng Trung ương Đảng.


Sau gần 30 năm chiến đấu, công tác, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy và Khu ủy Khu 5, Văn phòng đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị lịch sử của mình trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trải qua những năm tháng khó khăn, gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt, Văn phòng Khu ủy Khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phục vụ Khu ủy, phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ đạo, phối hợp quân, dân miền Trung - Tây Nguyên đoàn kết, đấu tranh thắng lợi, góp phần to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.


Suốt thời gian chiến đấu, công tác, cán bộ, nhân viên Văn phòng Khu ủy Khu 5 đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, sốt rét, bệnh tật, liên tục địch càn quét đánh phá, rải chất độc hóa học, hy sinh, tổn thất nhiều, song vẫn một lòng trung thành, tin tưởng tuyệt đối với Đảng, cách mạng . Đã có 63 đồng chí hy sinh, một số đồng chí đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt; hơn 100 đồng chí là thương binh, bệnh binh, phần lớn cán bộ, nhân viên bị nhiễm chất độc hoá học. Đến nay có hơn trăm người đã qua đời, chủ yếu do mắc bệnh hiểm nghèo.


Để ghi nhận những cống hiến lớn lao ấy, cán bộ, nhân viên Văn phòng Khu ủy Khu 5 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng hàng nghìn huân, huy chương các loại; hàng trăm danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng; gần 1 nghìn kỷ niệm chương và 1 người được phong tặng «Anh hùng Lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam» từ năm 1966. Tại khu căn cứ cơ quan đầu não Khu ủy 5 có 3 khu di tích lịch sử cấp quốc gia, gồm: Căn cứ Nước Là, xã Trà Mai , huyện Nam Trà My; Căn cứ Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My và Căn cứ Phước Trà, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức.


Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 26-4-2018, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 623/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Văn phòng Khu ủy Khu 5 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là vinh dự của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đã công tác, làm việc tại Văn phòng Khu ủy Khu 5 và những người làm công tác văn phòng cấp ủy trong cả nước.

A.T
(Theo tài liệu tuyên truyền của Văn phòng Trung ương Đảng)