04:02, 08/02/2019

Thành xưa

1. Nếu hoài niệm về Thành xưa, tôi có thể kể vanh vách những món ăn mà tôi tin chắc thế hệ tôi, lớp tuổi 5 - 6X ở Thành Diên Khánh sẽ "đồ" theo tôi với một trời hồi ức ùa về!

1. Nếu hoài niệm về Thành xưa, tôi có thể kể vanh vách những món ăn mà tôi tin chắc thế hệ tôi, lớp tuổi 5 - 6X ở Thành Diên Khánh sẽ “đồ” theo tôi với một trời hồi ức ùa về!


Ngôi nhà đầu tiên trong đời khi tôi sinh ra đến năm 9 tuổi là nhà ba tôi thuê. Bằng cái nhìn thuở chập chững, với tôi đó là ngôi nhà rất rộng. Đặc biệt, trước nhà, hai bên có hai lan can là nơi mấy anh em chúng tôi ngồi chơi. Cạnh lan can tay phải có một cây mãng cầu, cành lá sum suê, rất mát. Thềm nhà rất cao nên chỗ lan can ngồi nhìn xuống, với chúng tôi là một khung trời tuổi thơ rất thú vị. Ấn tượng nhất, dưới gốc cây mãng cầu có cái chum của một ai đó.  

 


Nhà tôi cách chợ độ trăm mét, trước nhà là nơi xe lam dừng lại bỏ khách xuống. Sáng sớm, họ đến trước nhà tôi đón mua các sản vật của những người ở quê mang ra phố như: rau củ, gà, vịt, heo con… sau đó mang lên chợ Thành bán những món hàng này kiếm lời chút đỉnh. Còn một đội quân ồn ào nữa là những người gánh cá. Một thời tuổi thơ của tôi được “ướp” đủ các loại âm thanh: tiếng xe lam nổ máy phành phạch, tiếng tranh giành gánh hàng, cãi nhau, trả giá, khen chê…


Với cái nhìn non nớt của tôi, trong cái chum dưới gốc cây mãng cầu là cả một trời bí mật. Thường tầm 9 - 10 giờ sáng, có một người mang một gói bún lọn (mua ở chợ) đến gốc cây mãng cầu đã có vài người ngồi đợi (là những người đi đón và gánh cá). Bún gói trong lá chuối, được đặt vào cái rổ. Một người giở nắp chum ra, múc một  muỗng (sau này tôi biết đó là mắm nêm họ tự muối với cá cơm tươi vừa chở từ Nha Trang lên Thành) cho vào cái chén nhỏ. Rồi dằm ớt xiêm, vắt chanh, bỏ xíu đường. Những người đàn bà xúm quanh rổ bún nói chuyện rôm rả lắm. Tôi thấy họ múc mắm nêm ra chén rồi chấm bún lọn, vừa ăn vừa hít hà. Đứa bé 5, 7 tuổi là tôi khi ấy làm sao biết được họ ăn ngon như thế nào, nhưng đó là một kỷ niệm in đậm trong ký ức cho đến lớn. Món bún chấm mắm nêm luôn gợi tôi nhớ những người phụ nữ tảo tần sớm hôm bên dưới gốc cây mãng cầu sát lan can ngôi nhà cũ.


2. Có lần, tôi viết một status trên facebook kể chuyện hồi tôi học Trường Tiểu học Khánh Hòa (bây giờ là Trường THCS Phan Chu Trinh). Buổi chiều đi học sớm, nếu trong túi rủng rẻng tiền, tôi ghé xe gỏi ông Nùng đậu dưới gốc cây cóc sum suê, tỏa bóng mát bao trùm một không gian rộng (bây giờ là công viên gần UBND huyện Diên Khánh) mua một đĩa gỏi, sang nữa kêu thêm ly nước cam. Với tôi, gỏi ngon nhưng không ấn tượng bằng nước cam. Cho đá bào vào ly, ông Nùng rót nước cam rồi múc muỗng kem, chế chút sữa đặc và thêm muỗng nhỏ đậu phộng rang giã dập. Thưởng thức riêng phần kem phía trên cũng ngon mà dằm kem với nước cam cũng bá cháy.


Liền sau đó có bình luận của chị Oanh (học trên tôi 3 lớp): “Món gỏi của ông vẫn ngon muôn đời. Tương ớt cay xé lưỡi. Bò khô thơm đậm đà, có rau răm, đậu phộng... Món nước cam càng thích thú nếu vừa uống vừa ngồi vắt vẻo trên yên xe hàng của ông Nùng!”.


Bình luận của Phát (bạn tôi thời trung học): “Người ở Thành ai cũng biết ông Nùng vì món gỏi đu đủ khô bò và nước chấm pha bằng xì dầu ngon tuyệt vời. Ăn món gỏi ông Nùng, mình thường xin thêm nước tương, ăn hết gỏi rồi húp sạch nước luôn…”.


3. Chưa hết, chỉ một cú “click chuột” vào bộ nhớ ai đó lập tức thêm ra một món khác, cả đám nhao nhao: bánh mì Hai Lưởng, là món mà hầu như tuổi thơ của tôi cũng như lớp tuổi lớn lên trước 1975 ở Thành đều biết, chỉ cần bánh mì chan nước thôi đã thấy cả... thiên đường. Cái xoong nước màu cam, hơi sắc chút xíu, mặn mặn, ngọt ngọt... Tối tối, đói bụng, trời mưa chẳng ngại, lấy cây dù đi bộ ra phố (Thành), đến hàng bánh mì bà Hai Lưởng, sang thì xíu mại, còn không chan nước thôi. Ôi những đêm mùa đông sao mà ngọt ngào và ấm áp quá đỗi!


Thế đấy, chỉ bánh mì chan nước thôi mà nó kích hoạt cả một thời tuổi nhỏ của bao nhiêu người.


4. Thành xưa và những món ăn tuổi thơ của tôi còn có tiệm phở trong Thành gần cửa Đông của một người Bắc di cư mở bán. Mỗi trưa đi học về ngang tiệm phở, ngửi mùi thơm của hồi, quế, thịt bò lúc thoảng, lúc nồng đúng là “tra tấn” khi bụng đang réo sôi. Thời đó, phở là món ăn sang, tôi chỉ được ba chiêu đãi, còn chưa bao giờ có tiền để đĩnh đạc bước vào tiệm, kéo ghế.


Tôi lại gợi ý hoài niệm phở của bạn bè trên facebook.


Đa phần các anh chị lớp lớn hơn tôi đều công nhận đó là tô phở ngon nhất trên đời. Thanh, bạn tôi, bình luận: “Tiệm phở đối diện nhà mình, quán phở không có tên nhưng vì ông chủ quán là người Bắc nên mọi người gọi chung chung là phở “ông Bắc”. Hương vị phở rất riêng. Mình qua chơi thấy nồi xương hầm thật to. Lâu lâu được ăn ké miếng gỏi gân bò ba sai mua gân về trộn với bắp chuối hột, sao mà lúc đó ngon quá chừng. Nhắc đến lại thấy thèm!”


Thành xưa còn có bánh ướt Phú Khánh mềm chứ không dai, đủ các phụ liệu chớ không thiếu như bây giờ: đậu xanh, ruốc tôm, mỡ hành... Đĩa bánh ướt Phú Khánh theo thời gian giản lược bớt đi nhiều hương vị cũ, chỉ còn cái tiếng cho người hoài cổ ghé đến, ăn xong để rồi cứ xuýt xoa, tiếc mãi hương vị xưa…


Thành xưa còn gì nữa? Nhiều lắm làm sao nhớ hết như: bánh tráng dày, đậu hũ nóng, bắp nướng mỡ hành, bánh bò, chè các kiểu… ăn vặt giấc xế.


Bấy nhiêu thứ trên đây thôi tôi nghĩ cũng đủ cứa vào nỗi nhớ của người xa xứ, của dân Thành xưa. Kỷ niệm như rêu, níu vào trợt ngã, nhất là mỗi cuối năm, xuân về Tết đến…


ĐÀO THỊ THANH TUYỀN