07:02, 07/02/2019

Ăn món "bò sung sướng"…

Nhắc tới bò Kobe, hẳn ai cũng sẽ giật mình khi nghe nói tới giá: 5 - 6 triệu đồng/kg. Bởi vậy, cứ nghe ai đó được ăn món này, thể nào có người cũng mắt tròn mắt dẹt xuýt xoa cũng là thịt bò thôi mà, sao lại đắt đỏ thế!

Nhắc tới bò Kobe, hẳn ai cũng sẽ giật mình khi nghe nói tới giá: 5 - 6 triệu đồng/kg. Bởi vậy, cứ nghe ai đó được ăn món này, thể nào có người cũng mắt tròn mắt dẹt xuýt xoa cũng là thịt bò thôi mà, sao lại đắt đỏ thế!


Một ngày giữa tháng 5-2018, chúng tôi có dịp ghé Kobe và ngay lập tức được dẫn đến Misomo - một nhà hàng nổi tiếng chuyên về món bò Kobe áp chảo. Thiện - bạn hướng dẫn viên sống ở Nhật gần chục năm nói phải đặt trước cả tuần mới có được bữa ăn này. Đây là một trong các chuỗi nhà hàng Misomo - bắt đầu nổi tiếng từ năm 1945 khi sáng tạo ra kiểu ăn teppanyaki (nướng các món bằng chảo gang của Nhật). Dĩ nhiên, món bò Kobe làm theo cách này được ưa chuộng nhất, bởi thịt bò dù nướng nhưng vừa tái chín, vẫn giữ được độ mềm và hương vị đặc trưng.

 


Hồi giờ nghe nói nhiều đến bò Kobe nhưng phải nói là chưa bao giờ có cái cảm giác hồi hộp và háo hức khi tận tay cắt miếng thịt bò và chậm rãi thưởng thức lúc còn đang nóng hôi hổi. Mỗi phần ăn chỉ đúng có 150gr thịt với giá khoảng 800.000 đồng. Để ý sẽ thấy có một chút mỡ lẫn vào trong thớ thịt, nhưng vị béo của nó không ngấy, trái lại rất bùi và thơm. Chấm thịt với sốt Teriyaki, thêm một chút salad trộn, thật thú vị khi cảm nhận được hương thơm nhẹ, vị béo của những thớ thịt mượt mà như tan dần trong miệng.          

                                                    
* * *


Dĩ nhiên, xoay quanh bữa ăn của chúng tôi vẫn là câu chuyện về bò Kobe và ẩm thực của người Nhật. Quả thực, ăn thịt bò Kobe mà không hiểu gì về bò Kobe thì coi như là… chưa ăn!


Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe nói ở Hà Nội có quán phở bò Kobe giá những 800.000 đồng/tô, hoặc có những nơi bán bò Kobe giá 4 - 5 triệu đồng/kg. Qua đây rồi mới thấy… hoang mang, không lẽ người ta bỏ tiền ra để ăn bò Kobe… không chính hiệu? Bởi như các bạn Nhật nói, cả nước chỉ có khoảng 3.000 con bò Kobe, khoảng 200 cửa hàng bán loại thịt này, riêng tỉnh Kobe đã chiếm một nửa. Chưa hết, các nhà hàng bán thịt bò Kobe xịn đều phải có chứng thư - như nhà hàng Mimoso này, cái chứng thư ấy lúc nào cũng được đặt trong một vị trí trang trọng để khách hàng nhìn thấy. Nghe nói mỗi ngày chỉ có vài con bò Kobe bị xẻ thịt, tỷ lệ lượng bò Kobe được bán ra thị trường chỉ chiếm khoảng 0,16% tổng số lượng bò tiêu thụ trên toàn Nhật Bản. Thảo nào, khi tôi post hình lên facebook, cô bạn thân sống ở Tokyo đã phải thốt lên ghen tị trời ơi sao cậu sướng thế, mới qua Nhật là đã được ăn bò Kobe chính hiệu, trong khi tớ ở đây mấy chục năm chưa biết mùi vị bò Kobe là gì! Chưa được ăn có nghĩa là phần thì do quá đắt, phần thì có khi muốn ăn phải chờ tới mấy tháng mới tới lượt; mà nhiều khi tới lượt lại thấy tiếc tiền nên… đành nhịn!


Ăn bò Kobe, nghe kể chuyện nuôi bò mới thấy đây là loài bò đắt nhất hành tinh và hạnh phúc nhất thế giới. Bò Kobe thuộc giống bò Tajima-ushi, có xuất xứ từ quận Tajima nằm sâu trong những dãy núi phía bắc tỉnh Hyogo. Đồng cỏ xanh mượt cùng nguồn nước giàu chất khoáng nơi đây là điều đã tạo nên chất lượng thịt bò có một không hai này. Điều đặc biệt là để không bị thành… bò Kobe lai, những con bò ở đây được giữ giống khá kỹ, không cho sinh sản bừa bãi. Có giống chỉ có duy nhất 12 con và người ta giữ giống bằng tinh đông lạnh. Mỗi con bò có một hồ sơ quản lý phức tạp: số, vân mũi, tên bố mẹ, ông bà nội ngoại hẳn hoi... Đó là chuyện giữ gìn nòi giống của bò Kobe. Còn chuyện nuôi? Phải nói là nghe chuyện nuôi bò mà cứ ngỡ là đang nghe chuyện nuôi… ông hoàng bà chúa nào đó. Hàng ngày, những con bò này được tắm bằng nước ấm, massage bằng rượu sake, mỗi lần massage phải cần tới 4 người, làm sao đó thì làm, miễn là bò cứ lim dim nằm im khoái chí là được. Người ta nói công đoạn massage này là để giúp bò không bị stress, mà thực ra loại bò này suốt ngày ăn với ngủ, có làm gì nặng nhọc đâu mà bị stress! Massage chẳng qua là giúp đánh tan mỡ, để các lớp mỡ hòa quyện vào các thớ thịt, gọi là mỡ vân cẩm thạch. Thế nên thịt bò Kobe ăn không thấy ngấy là vậy. Chưa hết, bò còn được nghe nhạc Mozart, mùa nóng còn được uống bia để kích thích thèm ăn. Khi bò khoảng 27 - 28 tháng tuổi, trước lúc đưa vào lò mổ khoảng 600 ngày, bò sẽ được ăn 4.800 loại thực phẩm để chúng đạt trọng lượng tầm 500kg. Ông chủ nhà hàng tiết lộ, trước ngày xẻ thịt, người nuôi phải làm cho những con bò này cảm thấy hạnh phúc thì thịt mới ngon. Mà làm gì để bò hạnh phúc? Lại là massage, tắm nước ấm, nghe nhạc giao hưởng và… uống bia thư giãn!


Người ta thường nói “sướng như heo”, nhưng qua Nhật rồi thì mới thấy mấy chú ỉn còn thua xa bò Kobe!       

              

                            
* * *


Ăn bò Kobe ở chính xứ sở của giống bò này chắc chắn cảm giác sẽ khác rất nhiều nếu như ngồi ở một nhà hàng sang trọng nào đó ở Hà Nội hay Sài Gòn, bởi nếu người ta có quả quyết rằng đây là bò Kobe thật 100% đi nữa thì với những ai đã từng thưởng thức và hiểu tường tận về giống bò này sẽ biết rằng đó chẳng qua là bò được nuôi theo phương pháp Kobe chứ không phải là bò Kobe xịn. Vậy mới thấy, người Nhật quả thực rất giỏi trong việc giữ gìn thương hiệu, chú trọng về chất chứ không về lượng. Tự nhiên tôi lại liên tưởng đến một trang trại nuôi heo ở Vĩnh Long dạo gần đây bỗng dưng nổi tiếng vì phương pháp cho heo nghe nhạc Đàm Vĩnh Hưng, Sơn Tùng để… dễ đậu thai. Biết đâu cứ làm theo cách này, rồi thì nghiên cứu thêm những cách nuôi để có thịt siêu sạch, siêu ngon… thì sau này có khi lại thành thương hiệu nổi tiếng như bò Kobe chứ chẳng chơi.


Lại ước ao giá như Tết này có ai đó mang về cho mình một miếng bò Kobe chính hiệu. Nhâm nhi món bò nướng tiêu hay áp chảo, thấy như thấm cả một trời tinh túy vào người khi hiện lên trước mắt là đồng cỏ xanh mướt, tiếng du dương của nhạc giao hưởng, mùi thơm lựng của rượu sake và men bia thoang thoảng…

 

Lệ Hằng