10:07, 07/07/2022

Hệ lụy của việc hút thuốc lá

Nicotine chứa trong thuốc lá có khả năng gây nghiện cao và hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch, hô hấp, hơn 20 loại ung thư khác nhau và nhiều tình trạng sức khỏe suy nhược khác.

Nicotine chứa trong thuốc lá có khả năng gây nghiện cao và hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch, hô hấp, hơn 20 loại ung thư khác nhau và nhiều tình trạng sức khỏe suy nhược khác.


Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường


Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, hơn 8 triệu người chết vì sử dụng thuốc lá. Hầu hết các ca tử vong liên quan đến thuốc lá xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Thuốc lá cũng có thể gây chết người đối với những người không hút thuốc (hút thuốc lá thụ động). Phơi nhiễm với khói thuốc thụ động dẫn đến những hậu quả xấu về sức khỏe, gây ra 1,2 triệu ca tử vong hàng năm. Gần một nửa số trẻ em hít thở không khí bị ô nhiễm bởi khói thuốc và 65.000 trẻ em tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến khói thuốc. Hút thuốc khi mang thai có thể dẫn đến một số bệnh lý kéo dài suốt đời cho trẻ sơ sinh. Sử dụng thuốc lá cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.

 

Truyền thông về tác hại của thuốc lá  tại TP. Nha Trang.

Truyền thông về tác hại của thuốc lá tại TP. Nha Trang.


Theo WHO, hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá. Các tác động môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm, đặc biệt đối với các nước đang phát triển do hơn 80% số người sử dụng thuốc lá là tại các nước này.


Nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, thông tin đến cộng đồng tác hại của thuốc lá tới môi trường, năm 2022, WHO chọn thông điệp “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” làm chủ đề ngày Thế giới không thuốc lá (31-5). Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe.


Đẩy mạnh công tác phòng, chống thuốc lá


Tại Việt Nam, thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), thời gian qua, với sự hỗ trợ của Quỹ PCTHTL, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác PCTHTL. Hoạt động PCTHTL đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy, so với năm 2015, tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.


Để tiếp tục thực hiện nghiêm Luật PCTHTL, năm 2022, Bộ Y tế có các công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc; kiện toàn ban chỉ đạo chương trình PCTHTL ở các cơ quan, đơn vị; tổ chức triển khai, thực thi nghiêm quy định của Luật PCTHTL. Đồng thời, đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; treo biển cấm hút thuốc tại nơi làm việc; đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị; có hình thức động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác PCTHTL. Song song đó, các cơ quan, đơn vị lồng ghép tuyên truyền về quy định cấm hút thuốc và xây dựng môi trường không khói thuốc khi tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và các sự kiện truyền thông khác. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện quy định không hút thuốc lá nơi làm việc và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc; giám sát thường xuyên việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc của cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, thành lập các đoàn kiểm tra hoặc lồng ghép kiểm tra việc thực hiện Luật PCTHTL vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm; tổ chức mít tinh, các cuộc thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng bằng các hình thức truyền thông phù hợp….

C.Đan