10:08, 19/08/2020

Nuôi heo ô nhiễm khu dân cư

Báo Khánh Hòa vừa nhận được đơn của ông Trương Mạnh Dũng và hơn 10 hộ dân thuộc tổ dân phố Thuận Hiệp (phường Cam Thuận, thành phố Cam Ranh) phản ánh việc chăn nuôi heo của bà Nguyễn Thị Còn trong khu dân cư gây ô nhiễm.

Báo Khánh Hòa vừa nhận được đơn của ông Trương Mạnh Dũng và hơn 10 hộ dân thuộc tổ dân phố Thuận Hiệp (phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh) phản ánh việc chăn nuôi heo của bà Nguyễn Thị Còn trong khu dân cư gây ô nhiễm.


Ô nhiễm


Theo đơn trình bày, bà Còn nuôi heo đã 24 năm (từ năm 1996). Suốt thời gian ấy, người dân trong xóm phải ngửi mùi phân heo. Người dân đã gửi đơn lên phường, cơ quan chức năng thành phố nhưng việc giải quyết chưa dứt điểm. Gần đây, bà Còn có cam kết với phường không nuôi heo nữa khi kết thúc lứa heo nhưng sau đó vẫn tiếp tục nuôi. Số lượng heo nuôi ngày càng tăng với hàng chục con nhưng thiếu giải pháp xử lý triệt để khiến mùi phân bay khắp xóm. Có lúc, hầm rút quá tải, nước thải phân heo tràn ra ngoài dơ bẩn. Ngoài chăn nuôi heo, bà Còn còn tổ chức máy xay xát gạo, bụi từ máy xay xát và tiếng ồn động cơ tiếp tục tra tấn người dân. Ông Dũng cho biết, gia đình ông cũng như những hộ trong xóm rất bức xúc. Cả xóm phải đóng cửa suốt ngày, những lỗ trống trong nhà đều phải bịt kín nên không khí hết sức ngột ngạt, ảnh hưởng đến sức khỏe.

 

Hàng chục heo nái, heo thịt trong chuồng bà Còn vẫn chưa xuất bán.

Hàng chục heo nái, heo thịt trong chuồng bà Còn vẫn chưa xuất bán.


Trao đổi về việc chăn nuôi gây ô nhiễm trong khu dân cư, bà Còn nói bà biết điều này nhưng vì kế sinh nhai nên phải làm. Trong chuồng hiện có 2 con heo nái, 25 heo thịt gần xuất bán. Để xử lý môi trường, bà thường xuyên quét dọn chuồng, tắm heo, nước thải đưa xuống hầm rút, hầm đầy thuê xe đến hút đi. Trước đây, khi còn đất rẫy ở Cam Phú, bà chuyển phân heo lên rẫy. Gần đây, bà hốt phân đưa vào túi cho xe thu gom rác chở đi, không để phân ứ đọng gây hôi thối. Về máy xay xát gạo, bà phục vụ người dân khi có nhu cầu nhưng hiện nay dịch vụ này rất ít, chỉ khoảng chục lượt/ngày. “Biết rằng nuôi heo trong khu dân cư là sai nhưng tôi không biết làm gì để sống. Mới đây, con tôi nuôi tôm bị lỗ, gia đình phải bán rẻ đất rẫy ở Cam Phú để trả nợ nên không thể giảm tải heo lên đó. Tôi định xuất xong lứa heo này chỉ giữ lại 2 con heo nái để làm vốn”, bà Còn than. 


Tiếp tục theo dõi, xử lý


Ông Nguyễn Hữu Thành - Tổ trưởng tổ dân phố Thuận Hiệp xác nhận, hộ bà Còn chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm là đúng sự thật; người dân đã phản ánh nhiều lần qua tiếp xúc cử tri.


Ông Nguyễn Bình Nhật - Chủ tịch UBND phường Cam Thuận cũng cho biết, phường đã nhận đơn của người dân phản ánh về tình trạng nuôi heo gây ô nhiễm của hộ bà Còn. Ngày 3-12-2019, phường đã xử phạt vi phạm hành chính bà Còn 200.000 đồng. Ngày 3-6 và ngày 3-7, phường tiếp tục mời bà Còn lên làm việc và bà cam kết sau khi xuất hết lứa heo đang nuôi sẽ không nuôi heo nữa. Qua theo dõi, hiện bà Còn vẫn chưa xuất heo. “Hiện nay, việc xử lý cũng chỉ dừng ở việc nhắc nhở, xử phạt, yêu cầu hộ nuôi thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, giảm thiểu tác động xấu do ô nhiễm từ phân heo. Phường giao tổ dân phố theo dõi, giám sát việc vệ sinh môi trường của bà Còn và theo dõi khi nào xuất heo, báo cáo phường có hướng xử lý. Liên quan việc cấm nuôi heo trong khu dân cư, hiện UBND tỉnh vẫn chưa trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư không được phép chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi kể từ ngày 1-1-2020, nên phường chưa có cơ sở để cấm”, ông Nhật cho biết.


V.L