11:02, 19/02/2019

Lính cứu hộ

Từng giờ, từng phút cố gắng giành giật sự sống cho những người không may bị nạn bởi thiên tai, tai nạn trên khắp nẻo đường, thậm chí trắng đêm dùng tay không hốt bùn đất để tìm kiếm các nạn nhân xấu số là công việc âm thầm, đầy hiểm nguy...

Từng giờ, từng phút cố gắng giành giật sự sống cho những người không may bị nạn bởi thiên tai, tai nạn trên khắp nẻo đường, thậm chí trắng đêm dùng tay không hốt bùn đất để tìm kiếm các nạn nhân xấu số là công việc âm thầm, đầy hiểm nguy của cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (Công an tỉnh Khánh Hòa).


Phép màu trong đống đổ nát


Tròn 3 tháng xảy ra vụ sạt lở núi ở phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang, giữa trưa 19-2, ông Đoàn Xuân Phương - Tổ trưởng tổ 2 Trường Sơn, dẫn chúng tôi đến khu vực bị sạt lở. Vừa đi tới sườn núi vốn là nơi sinh sống của 15 hộ gia đình nhưng hiện nay chỉ còn lại vài tấm tôn hoen gỉ và những đống bùn đất khô khốc xen lẫn tường gạch vỡ ngổn ngang. “Do ảnh hưởng của cơn bão, hôm đó Nha Trang mưa như trút đã khiến sườn núi đổ sập xuống những căn nhà của bà con nơi đây. Trong số những người không may gặp nạn, có trường hợp bà Hồ Thị Kim Hồng được cứu sống như một kỳ tích”, ông Phương kể.

 

Nỗ lực tìm kiếm người bị nạn trong vụ lở núi ở xã Phước Đồng.

Nỗ lực tìm kiếm người bị nạn trong vụ lở núi ở xã Phước Đồng.


Mưa lớn kéo dài, ngoài khu dân cư tổ 2 Trường Sơn bị thiệt hại nặng, còn nhiều khu dân cư khác trên địa bàn thành phố bị san phẳng, nhiều người bị vùi lấp. Thiếu tá Trần Văn Chiến - Đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn khu vực Nha Trang nhớ lại: “Ngay cả nơi đơn vị chúng tôi đóng quân cũng bị nước lũ từ trên núi tràn về. Trước sự cố tại nhiều khu dân cư, anh em chúng tôi phải dàn quân trên khắp các khu vực bị sạt lở để cứu nạn”.


Khi CB-CS trong đơn vị tiếp cận khu vực tổ 2 Trường Sơn, ai nấy đều không khỏi bàng hoàng trước cảnh tượng lở núi kinh hoàng. Những ngôi nhà san sát lưng chừng núi bị đất đá vùi lấp thành bình địa. Các CB-CS trong lực lượng cứu nạn tìm cách cứu người bị nạn. Lần lượt nhiều người lớn rồi đến trẻ nhỏ bị thương được đưa đi cấp cứu hết sức khẩn trương. Đã có nhiều người được cứu sống nhưng khi kiểm tra lại, lực lượng chức năng phát hiện còn thiếu bà Hồ Thị Kim Hồng (sinh năm 1973). Nhận định bà Hồng đã bị đất đá chôn vùi, khả năng tử vong rất cao nhưng các CB-CS trong đội vẫn quyết tâm lật từng viên đá, mảng tường vỡ, cẩn thận xúc từng xẻng bùn đất với quyết tâm tìm bằng được thi thể người phụ nữ ấy. 


Cuộc tìm kiếm tưởng chừng trong vô vọng thì đến đầu giờ chiều người dân phát hiện tiếng kêu cứu yếu ớt phát ra từ đống đổ nát. “Trước hàng ngàn mét khối bùn đất, xà bần và cả những miếng tôn sắc lẹm, chúng tôi nghiên cứu kỹ phương án đưa bà Hồng ra ngoài bằng mọi giá nhưng phải đảm bảo an toàn tính mạng cho nạn nhân. Hàng chục CB-CS trong đội đã cẩn thận lật từng viên đá, xúc từng xẻng đất trong nhiều giờ liên tục”, Thiếu tá Chiến kể.


Sau gần 6 giờ, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy một cánh tay một người phụ nữ bị nạn, nhưng đó lại là một người hàng xóm của bà Hồng đã tử vong. Đến sẩm tối, do bị đất đá vùi lấp trong nhiều giờ, bà Hồng đã đuối sức, không thể tiếp tục kêu cứu. Những cái lắc đầu tuyệt vọng dần xuất hiện. Thế nhưng, với quyết tâm cao độ, lực lượng cứu nạn đã tiếp tục đào bới và đưa được bà Hồng ra khỏi nơi vùi lấp vào 18 giờ 15 phút. Ngay lập tức, nạn nhân được đưa đến bệnh viện chữa trị trong niềm xúc động của người thân nạn nhân. Những tiếng vỗ tay, xen lẫn những giọt nước mắt vì quá vui sướng như lấn át màn đêm đang buông xuống. “Nếu không có sự quyết tâm cao độ cùng kỹ năng tìm kiếm của lực lượng cứu nạn, thì tôi không thể sống được đến ngày hôm nay. Tôi chỉ có thể nói một điều là như được sinh ra lần thứ hai”, bà Hồng tâm sự.


Cuộc điện thoại lúc nửa đêm


Ngồi trong phòng trực chiến, Đại úy Trần Hoài Thịnh - Đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn nhớ lại, hôm ấy anh đang trong giờ trực lúc nửa đêm thì điện thoại reo vang. Tin báo từ cấp trên cho biết vừa xảy ra vụ lở núi ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm và lệnh CB-CS trong đội lập tức lên đường. “Nhanh chóng chuẩn bị các dụng cụ cần thiết, chúng tôi leo lên chiếc xe chuyên dụng hụ còi tiến về địa điểm xảy ra tai nạn. Khi đến nơi, cả khu vực tối om vì bị cúp điện. Chỉ đến khi nổ máy phát điện, chúng tôi mới nhận ra ngôi nhà đã bị san phẳng và chỉ còn lại một cây xoài nhô lên giữa đống bùn đất khổng lồ”, Đại úy Thịnh kể.
Nhận định các nạn nhân bị chôn vùi trong đống bùn đất và không thể sống sót dưới lớp đất đá sâu, nhưng với quyết tâm tìm được thi thể các nạn nhân, CB-CS lực lượng cứu nạn đã lập tức bắt tay vào nhiệm vụ của mình. “Việc tìm kiếm các nạn nhân hết sức thận trọng và không thể dùng đến máy xúc, máy ủi đất vì có thể đụng đến thi thể các nạn nhân xấu số. Vì thế, khi thì chúng tôi dùng xẻng và cả tay không để bốc từng nắm đất tìm kiếm những nạn nhân”, một chiến sĩ tham gia cứu nạn kể.


Quên đi những mệt nhọc, hàng chục chiến sĩ cứu nạn vẫn miệt mài với công việc. Và rồi, sau nhiều giờ liên tục đào bới, thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ lở núi cũng đã được tìm thấy. “Đôi khi những thi thể nạn nhân không còn nguyên vẹn, nhưng với trách nhiệm của mình anh em phải tìm cho được những phần thi thể còn lại bàn giao cho người dân lo hậu sự cho những người xấu số”, Đại úy Thịnh chia sẻ.


Ngoài những vụ tham gia cứu nạn kể trên, theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, mới đây nhất, các CB-CS đơn vị đã phối hợp rất nhịp nhàng với các lực lượng khác cứu được nhiều người trong vụ lật xe khách trên Quốc lộ 1, đoạn thuộc xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang. Hay như vụ lật xe xuống vực sâu trên đèo Phượng Hoàng, thị xã Ninh Hòa cách đây không lâu cũng đã được các CB-CS của đơn vị giải cứu thành công người tài xế.


Chứng kiến những vụ cứu hộ, cứu nạn từ trên triền núi cao, vực sâu hay trên các tuyến đường, chúng tôi mới thấy được những hiểm nguy mà những CB-CS thuộc lực lượng cứu hộ, cứu nạn Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải đối mặt. Vậy nhưng, chia sẻ với chúng tôi, những CB-CS của đơn vị đều khẳng định, niềm vui lớn nhất chính là mỗi lần làm được một việc gì đó giúp người dân, cho dù đó là nhiệm vụ hiểm nguy.


Thành Long