05:12, 25/12/2018

Tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Ở Khánh Sơn, nhiều người biết ông Mai Văn Đấu (thôn Du Oai, xã Sơn Lâm) bởi ông không chỉ là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, mà còn giúp nhiều gia đình về kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng cây sầu riêng.

Ở Khánh Sơn, nhiều người biết ông Mai Văn Đấu (thôn Du Oai, xã Sơn Lâm) bởi ông không chỉ là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, mà còn giúp nhiều gia đình về kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng cây sầu riêng.


Ông Mai Văn Đấu quê ở Nam Định, vào Khánh Sơn lập nghiệp từ năm 2008. Với số vốn ban đầu chỉ vài chục triệu đồng, ông bắt đầu khởi nghiệp bằng mô hình trồng cà phê, sầu riêng. Năm 2009, với sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã, gia đình ông vay thêm gần 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phân bón, máy móc, dụng cụ đầu tư chăm sóc cho cây trồng. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông tự tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại trong vườn cây. Đến nay, tổng diện tích sản xuất của gia đình ông khoảng 9ha, bao gồm 5ha keo và 4ha cây ăn quả với các loại cây như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, hồ tiêu, mít (riêng sầu riêng có khoảng 80 cây đã cho thu hoạch). Ngoài ra, ông còn đào ao thả cá, vừa tăng thêm thu nhập vừa dự trữ nguồn nước để tưới cho cây trồng. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên các loại cây ăn quả của gia đình ông cho năng suất khá cao. “Năm 2018, những cây sầu riêng 5 - 10 năm trở lên cho thu hoạch 4 - 6 tạ/cây; còn một số cây 18 năm tuổi được trồng từ trước khi gia đình tôi vào đây thì cho thu hoạch khoảng 1 tấn/cây. Nhờ đó mà gia đình tôi có thể thu đến 50 triệu đồng/cây sầu riêng”, ông Đấu chia sẻ.  

 

Ông Mai Văn Đấu chăm sóc vườn cây.

Ông Mai Văn Đấu chăm sóc vườn cây.


Tuy không được học qua trường lớp nhưng với tinh thần ham học hỏi, cộng với kinh nghiệm qua những lần thất bại, ông đã tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây sầu riêng và đã áp dụng thành công đối với diện tích sản xuất của gia đình. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, đầu năm 2017, ông mở thêm đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kết hợp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân trong huyện.


Nhà bà Đỗ Thị Thao (tổ dân phố Hạp Phú, thị trấn Tô Hạp) cũng đã trồng sầu riêng cả chục năm nay nhưng kỹ thuật canh tác còn hạn chế. Trước đây, gia đình bà chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây sầu riêng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm. “Tuy nhiên, năm 2018 gia đình tôi được ông Đấu thường xuyên xuống tận vườn chia sẻ, hướng dẫn về kỹ thuật. Nhờ đó, năm nay gia đình tôi thu hoạch được 10 tấn sầu riêng, gấp đôi so với năm 2017”, bà Thao chia sẻ.


Thời gian qua, ông Đấu đã hỗ trợ kỹ thuật canh tác cây sầu riêng cho rất nhiều hộ gia đình tại khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Năm 2017, sản lượng sầu riêng những hộ gia đình này thu hoạch được khoảng 400 tấn, năm 2018 tăng lên 700 tấn (chiếm khoảng 23% tổng sản lượng sầu riêng toàn huyện). Qua đó, giúp bà con nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã Sơn Lâm nói riêng và toàn huyện nói chung.


Theo ông Cao Đinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Lâm, năm 2018, toàn xã có gần 400 hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, có 6 hộ cấp Trung ương (tăng 2 hộ so với năm 2017). “Tiêu biểu trong số đó là hội viên Mai Văn Đấu. Với sự cần cù, mạnh dạn, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh từ năm 2016 đến nay, gia đình ông có thu nhập từ 600 triệu đồng trở lên, riêng năm 2018 tổng thu nhập đạt 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 75%. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, ông còn tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương với mức lương 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Bản thân ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương trong 2 năm 2017 - 2018”, ông Đinh nói.


Đ.Luận