11:12, 24/12/2018

Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lại tăng nhanh, tăng hơn 40% so với các tuần trước đó.

 

2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lại tăng nhanh, tăng hơn 40% so với các tuần trước đó.


Hầu hết các địa phương đều có số ca mắc tăng


Đến thời điểm này, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa ghi nhận có 626 ca mắc SXH (tăng 93,8% so với cùng kỳ), hình thành 58 ổ dịch. Trong đó, số ca mắc trong tháng 11 và 12 là 357 ca, chiếm gấp đôi số ca mắc trong 10 tháng còn lại. Riêng tháng 12 số ca mắc SXH đã vượt ngưỡng trung bình giai đoạn 2013 - 2017, cảnh báo xảy ra dịch SXH trên địa bàn thị xã.

 

Cán bộ y tế kiểm tra bể chứa nước tại xã Diên Xuân.

Cán bộ y tế kiểm tra bể chứa nước tại xã Diên Xuân.


Lý giải nguyên nhân trên, bác sĩ Trịnh Tiến Khoa - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa cho biết, 2 tháng cuối năm do thời tiết mưa nắng thất thường, dẫn tới làm tăng số dụng cụ chứa nước ngoài trời, tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Bên cạnh đó, phải nhìn nhận hoạt động diệt lăng quăng tại các địa phương chưa thật sự hiệu quả. Tuy các địa phương đều tổ chức diệt lăng quăng theo lịch nhưng có nơi làm rất chiếu lệ. Chính quyền cấp xã, phường tại một số địa phương chưa thật sự quan tâm, giao cho trạm y tế tổ chức thực hiện nhưng thiếu giám sát, hỗ trợ, động viên; kiến thức của người dân về dịch bệnh và cách phòng bệnh SXH được nâng cao nhưng hành động thực tế thì chưa hiệu quả, còn thờ ơ, không phối hợp với chính quyền thực hiện biện pháp diệt lăng quăng. Một số nơi, công tác tham mưu của trạm y tế trong hoạt động này còn hạn chế…


Tại TP. Nha Trang, số mắc SXH đến thời điểm này hơn 3.060, chiếm hơn 1/2 so với số mắc toàn tỉnh. Ngoài các nguyên nhân chung, thành phố còn có nhiều dự án, công trình xây dựng dẫn đến có nhiều ổ nước đọng nước và dụng cụ chứa nước nên có rất nhiều lăng quăng. Tuy nhiên, công tác xử lý của các đơn vị rất bị động.


Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến ngày 20-12, toàn tỉnh ghi nhận hơn 5.920 ca mắc SXH, tăng 98,9% so với cùng kỳ năm 2017. TP. Nha Trang vẫn là đơn vị dẫn đầu với số mắc tăng gần 100 ca/tuần (tăng gần 1/3) so với các tuần trước đó; huyện Vạn Ninh có số mắc tăng gấp đôi, từ 28 ca tăng lên 42 và 46 ca; riêng thị xã Ninh Hòa có số mắc tăng gấp 3, từ 30 ca tăng lên 90 ca và 100 ca.


Đẩy mạnh công tác phòng, chống

 

Để tránh tình trạng quá tải khi số ca mắc SXH tăng cao, hiện nay, các bệnh viện trong tỉnh đã chủ động tận dụng các phòng trống, kê thêm giường xếp phục vụ bệnh nhân. Đồng thời, cho điều trị ngoại trú đối với những trường hợp nhẹ và yêu cầu tái khám hàng ngày, đi kèm với việc phát các tờ rơi hướng dẫn chăm sóc, theo dõi tại nhà. Riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, còn thường xuyên phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương để thực hiện chẩn đoán và điều trị những ca nặng. Được biết, từ ngày 1 đến 21-12, bệnh viện tiếp nhận 22 ca nặng và rất nặng.

Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Thời tiết năm nay có nhiều dấu hiệu bất thường, đến thời điểm này vẫn còn mưa, nắng xen kẽ, trời lại chưa chuyển lạnh, đây là điều kiện rất thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi phát triển. Tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy, muỗi trong nhà dân vẫn chưa được xử lý triệt để. Đây là 2 yếu tố cơ bản làm số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh liên tiếp tăng”.


Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, các đơn vị y tế ở các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống SXH được xây dựng từ đầu năm và trong những tháng gần đây, đồng thời tập trung đẩy mạnh việc giám sát, phát hiện và xử lý triệt để, kịp thời các ổ dịch. Ngoài ra, các địa phương có số ca mắc cao còn xây dựng kế hoạch phòng, chống SXH riêng trong tháng 12.

 

Bác sĩ Trịnh Tiến Khoa cho biết: “Từ đây đến cuối năm, trung tâm chỉ đạo các đơn vị phải theo dõi, giám sát chặt và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh trong tuần 51 và 52. Tiếp tục tổ chức diệt lăng quăng theo Chỉ thị 15 của UBND tỉnh với tần suất 1 tuần/lần; 2 tuần/lần theo chỉ điểm bệnh nhân SXH tại các địa bàn thôn, tổ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong dân”. 


Tại TP. Nha Trang, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang phối hợp với thành phố triển khai chiến dịch truyền thông lưu động; tiến hành phun hóa chất diện rộng; kết hợp với Thành đoàn tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng trên toàn thành phố. “Để chiến dịch diệt lăng quăng đạt hiệu quả, không mang tính phong trào, đợt này các đoàn viên, thanh niên tham gia chiến dịch sẽ được hưởng chế độ. Nguồn kinh phí 270 triệu đồng để triển khai 2 nội dung trên, trung tâm đã chuyển cho Trung tâm Y tế thành phố”, bác sĩ Dõng nói.


Theo cảnh báo của ngành Y tế, với các yếu tố hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Vì thế, người dân nên tự giác thực hiện diệt lăng quăng tại nhà, nâng cao kiến thức phòng chống bệnh SXH để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và cho cộng đồng.


C.Đan