08:08, 25/08/2020

Làm mới giai điệu dân tộc

Mới đây, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã giới thiệu chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc với tên gọi Gió về xứ Trầm Hương. Với sự đầu tư công phu, mỗi tiết mục đã mang đến những giai điệu âm nhạc dân tộc độc đáo và chứa đựng nét mới lạ.



 

Mới đây, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã giới thiệu chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc với tên gọi Gió về xứ Trầm Hương. Với sự đầu tư công phu, mỗi tiết mục đã mang đến những giai điệu âm nhạc dân tộc độc đáo và chứa đựng nét mới lạ.

 

Chương trình Gió về xứ Trầm Hương được tập thể Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng dàn dựng, tập luyện để tham gia cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, dự kiến được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vào cuối tháng 9. Sau gần 2 tháng, đội ngũ nhạc công, diễn viên của đoàn đã hoàn thành chương trình với 5 tiết mục có chất lượng nghệ thuật tốt. Mỗi tiết mục mang màu sắc văn hóa vùng miền riêng nhưng được kết nối khéo léo với nhau thông qua ý tưởng nghệ thuật chung. Theo dõi chương trình, người nghe được hòa mình trong bầu không khí linh thiêng, huyền bí của nền văn hóa Chăm với tiết mục hòa tấu Tháp thiêng nghiêng bóng. Vẻ đẹp của vùng biển đảo Nha Trang - Khánh Hòa cũng được khắc họa bằng những nốt nhạc đặc trưng qua bài Bình minh biển. Trước yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi về việc mỗi đơn vị phải có một tiết mục âm nhạc về cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á, đoàn đã lựa chọn tiết mục Morning Happiness từng được các nghệ sĩ của Indonesia biểu diễn rất thành công. Ở phần độc tấu, nhạc công trẻ Phạm Văn Tấn đảm nhiệm 2 tiết mục độc tấu đàn bầu gồm: Nặng tình phương Nam (nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sáng tác), Nét Huế. Trong đó, Nét Huế là một sáng tác mới của Phạm Văn Tấn. Tiếng đàn bầu của Phạm Văn Tấn khá xuất sắc trong phần thể hiện 2 tiết mục này. 

 

Phần biểu diễn tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc  Tháp thiêng nghiêng bóng.

Phần biểu diễn tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc Tháp thiêng nghiêng bóng.

 

Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Về cơ bản, chương trình Gió về xứ Trầm Hương đã đáp ứng được những yêu cầu cần thiết của cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đưa ra. Các tiết mục đều chứa đựng những yếu tố mới lạ, độc đáo; ê-kíp thực hiện cũng đã có sự chủ động tính toán, đầu tư cho những tiết mục để có giải. Ngoài ra, các tiết mục cũng hứa hẹn sức sống trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật của đoàn sắp tới.

Với việc mời NSƯT Huỳnh Tú - từng công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long làm tổng đạo diễn và biên kịch cho chương trình có thể xem là cố gắng của đoàn. Thành quả cho sự nỗ lực đó là một chương trình nghệ thuật âm nhạc dân tộc có sự phối kết hợp mượt mà, tinh tế giữa nhạc cụ truyền thống với nhạc cụ hiện đại; giữa âm nhạc với vũ đạo. Bên cạnh tiếng đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc, đàn nhị, đàn đá, đàn T’rưng… còn có sự xuất hiện âm thanh trống Jazz, đàn Organ, đàn guitar… Theo NSƯT Huỳnh Tú, ông cảm thấy bất ngờ với trình độ biểu diễn của nhạc công Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Chính vì thế, ông mạnh dạn đưa vào các tiết mục những tư duy âm nhạc mới, nhiều phá cách và phù hợp với trào lưu âm nhạc dân tộc đương đại. Chương trình đã hội tụ đầy đủ nét nhấn đặc sắc của văn hóa vùng miền như văn hóa Chăm, văn hóa xứ Huế, vùng đất Nam Bộ và khu vực Nam Trung Bộ…


Các tiết mục được dàn dựng lần này vừa mang tính học thuật để đảm bảo yêu cầu tham gia cuộc thi mang tầm quốc gia, vừa là những tiết mục để Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng mang đi biểu diễn để phục vụ công chúng. Nhận xét về phần thể hiện các tiết mục trong chương trình Gió về xứ Trầm Hương, nhạc sĩ Hình Phước Liên cảm thấy rất vui mừng khi nhận thấy sự tiến bộ của các nhạc công trong đoàn. Từ góc nhìn của một người thưởng thức âm nhạc thì đây là một chương trình biểu diễn nghệ thuật tròn trịa. Tuy nhiên, để có thể đạt kết quả tốt khi tham gia dự thi vẫn cần được chỉnh sửa một số chi tiết để hoàn thiện hơn.

 

Giang Đình