10:09, 27/09/2019

AFP khởi động giải thưởng Kate Webb dành cho các nhà báo châu Á

Giải Kate Web 2019 được đặt tên theo một nữ nhà báo biệt phái của hãng AFP, mất năm 2007 ở tuổi 64 sau một sự nghiệp gây được nhiều tiếng vang về các điểm nóng trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
 

Giải Kate Web 2019 được đặt tên theo một nữ nhà báo biệt phái của hãng AFP, mất năm 2007 ở tuổi 64 sau một sự nghiệp gây được nhiều tiếng vang về các điểm nóng trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
 
Hãng thông tấn AFP của Pháp đã khởi động giải thưởng Kate Webb 2019 để tôn vinh các nhà báo châu Á đã rất khó khăn vất vả khi hành nghề trong khu vực.
 
Cuộc đua sẽ mở với các nhà báo làm báo hình, báo ảnh, báo viết ở châu Á, có các tác phẩm được đăng tải trong năm 2019. Thời hạn đăng ký dự thi là 15/11. Một ủy ban nhà báo có kinh nghiệm sẽ lựa chọn và người chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng trị giá 3.000 euro.
 
Giám đốc khu vực của AFP Philippe Massonnet cho biết: "Giải Kate Webb nhằm tôn vinh và hỗ trợ các nhà báo địa phương (châu Á) đã vượt qua các thách thức trong bối cảnh không có sự ủng hộ về hậu cần hay bảo vệ của một tổ chức truyền thông lớn."

 

Nữ nhà báo Kate Webb mất năm 2007 ở tuổi 64. (Nguồn: Bangkok Post)
Nữ nhà báo Kate Webb mất năm 2007 ở tuổi 64. (Nguồn: Bangkok Post)
 
Giải Kate Web 2019 là năm thứ 11, được đặt tên theo một nữ nhà báo biệt phái của hãng AFP, mất năm 2007 ở tuổi 64 sau một sự nghiệp gây được nhiều tiếng vang về các điểm nóng trên thế giới, trong đó có Afghanistan và chiến tranh Việt Nam trước đây.
 
Bà Webb sinh ra tại New Zealand, nổi tiếng là dũng cảm trong khi đưa tin về nhiều sự kiện lịch sử tại châu Á trong 4 thập kỷ hành nghề của mình. Bà được nhớ đến như một người dày dạn kinh nghiệm và là nguồn cảm hứng cho các nhà báo châu Á tại các quốc gia mà bà từng đến công tác. Giải này do hãng AFP và gia đình của bà Webb tài trợ.
 
Nhà báo Asad Hashim đã nhận được giải năm 2018 cho loạt bài đưa tin về những khó khăn của tộc người Pashtun và các vấn đề liên quan đến quê hương Pakistan của ông.
 
Các chủ nhân khác của giải bao gồm nhà báo Mratt Kyaw, người đã đưa tin về cuộc xung đột sắc tộc tại quê hương Myanmar của mình, hay Đài truyền hình độc lập Tolo của Afghanistan, và Trung tâm Nhà báo điều tra của Philippines.
 
Theo vietnamplus.vn