09:11, 30/11/2018

Nước Nga và "Bài ca người lính"

Vụt hiện trước tôi một nước Nga đau khổ, bao dung, yêu thương, thánh thiện. Một nước Nga trong trẻo như những rừng bạch dương, dịu nhẹ như tuyết đầu mùa, trầm tĩnh và chất chứa như những cánh đồng đất đen bất tận, nồng nhiệt như rượu vodka. Nước Nga của Lev Tolstoi và Dostoievski, của Pasternak, Esenhin và Ioxip Brodsky…

Vụt hiện trước tôi một nước Nga đau khổ, bao dung, yêu thương, thánh thiện. Một nước Nga trong trẻo như những rừng bạch dương, dịu nhẹ như tuyết đầu mùa, trầm tĩnh và chất chứa như những cánh đồng đất đen bất tận, nồng nhiệt như rượu vodka. Nước Nga của Lev Tolstoi và Dostoievski, của Pasternak, Esenhin và Ioxip Brodsky… Nước Nga của đạo diễn điện ảnh thiên tài G.M. Chukhrai với “Bài ca người lính” - một kiệt tác điện ảnh. Đây là bộ phim đen trắng mà ngay lúc mới trình chiếu đã đứng vào hàng những tác phẩm cổ điển của điện ảnh thế giới.

 


Trước hết, đó là bộ phim với ngôn ngữ cực kỳ giản dị, giản dị như tính cách Nga. Đó là bản thánh ca của tình yêu: yêu nước, yêu mẹ, yêu người yêu, yêu những người cùng cảnh ngộ, yêu đến từng giây từng phút sống, cái thời gian ngắn ngủi được sống ấy thật kinh khủng với một người lính trẻ. Đạo diễn Chukhrai đã chọn được hai diễn viên chính thật tuyệt vời để đóng vai chàng lính trẻ Aliosa và cô gái Sura, hai gương mặt đẹp tới mức vô nhiễm. Đó là gương mặt của thánh tử đạo, của nước Nga cam chịu hy sinh để cứu vãn thế giới khỏi họa phát xít. Tình yêu của hai nhân vật trẻ ấy như tình cờ, thật giản đơn, nhưng đủ sâu sắc và mênh mông để dành cho cả thế giới. Đó là một thông điệp âm thầm của Chukhrai gửi cho toàn nhân loại, rằng những chịu đựng, đau khổ, hy sinh của nước Nga, của Liên Xô là để con người được sống trong tình yêu, trong hòa đồng. Rằng người Nga chỉ mong được sống để yêu thương chứ không phải để hận thù…


Tôi được xem phim “Bài ca người lính” 3 lần. Lần thứ nhất khi tôi là cậu thiếu niên 15 tuổi, và lần thứ ba, khi tôi ngót 50 tuổi. Cả 3 lần xem, tôi đều khóc. Và ở lần thứ ba, tôi khóc nhiều hơn, có lẽ do đã từng trải qua chiến tranh. Tôi khóc vì tự hào. Tự hào vì nước Nga. Tự hào vì nghệ thuật có khả năng thanh lọc tâm hồn con người đến như vậy; có khả năng kêu gọi con người hướng tới cái thiện, cái đẹp đến như vậy. Tự hào vì chính nền văn học nghệ thuật Nga mà tôi may mắn được chịu ảnh hưởng ít nhiều. Đối với tôi, đó là nền văn nghệ nhân bản và giàu chất tiên tri nhất thế giới. Người ta nói rằng những đau khổ lớn làm nên nghệ thuật lớn. Nhưng có dân tộc nào, nghệ sĩ nào lại muốn đau khổ mãi, dù là để làm nên nghệ thuật lớn. Với nước Nga và người nghệ sĩ Nga cũng vậy.


Và đó cũng là sự cảm thông, sự hòa đồng sâu thẳm giữa đất nước Nga và đất nước tôi.


Sự nghiệt ngã, chính nó đã tạo cho tôi niềm tin, rằng nước Nga và nghệ thuật Nga, như con phượng hoàng trong thần thoại, sẽ lại đứng lên từ tro tàn của chính mình. Để tiếp tục yêu thương và sáng tạo.


“Bài ca người lính” - bản thánh ca sau hơn nửa thế kỷ vẫn bừng sáng trong lòng những người yêu nghệ thuật điện ảnh trên toàn thế giới.


Thanh Thảo