09:03, 11/03/2014

Giải trí... rùng rợn

Ði ngược lại sự háo hức trông đợi của nhiều người xem, trải qua 10 tập phát sóng, chương trình giải trí - gameshow "Ðố ai hát được" ngày càng bộc lộ những nét không phù hợp với văn hóa tiếp nhận, văn hóa thưởng thức của người Việt Nam.

Ði ngược lại sự háo hức trông đợi của nhiều người xem, trải qua 10 tập phát sóng, chương trình giải trí - gameshow “Ðố ai hát được” ngày càng bộc lộ những nét không phù hợp với văn hóa tiếp nhận, văn hóa thưởng thức của người Việt Nam.


Ðây là mùa đầu tiên, “Ðố ai hát được”- phiên bản được Việt hóa từ chương trình giải trí nổi tiếng thế giới “Sing if you can” xuất hiện trên sóng VTV.  


Một trong những mục tiêu của chương trình là giúp quảng bá các ca khúc đang được yêu thích, đồng thời thể hiện bản lĩnh của những người nổi tiếng, song quảng bá sao được khi mà các diễn viên, ca sĩ không “hát” nổi mà chỉ hú, hét khi phải đối mặt với những cảnh tượng khiến ai cũng phải rùng mình, ghê sợ như: Ngâm người trong bể nước toàn lươn, rắn, cá sấu; hát trong lồng kính đầy chuột, cóc...; vừa hát vừa bị giật điện, bị đổ xà phòng, bị đấm, đá thùm thụp vào người... Ðó là chưa kể còn có những thử thách cực kỳ gây phản cảm như: Rưới cả can tương ớt, ném hàng chục quả trứng hay ập cả đống bánh ga-tô vào người, mặt... Trong khi đời sống kinh tế đang khó khăn, nhiều gia đình còn thiếu cơm ăn, áo mặc, thử hỏi những cảnh tượng trên sẽ tác động tâm lý, tình cảm của họ như thế nào. Bên cạnh đó, màn phi dao theo kiểu tung hứng tùy tiện của MC Anh Khoa vào những người chơi trên những bánh xe đang quay tít cũng là màn tiêu khiển quá lố khiến người xem không khỏi ghê mắt và ít nhiều tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, hành vi của giới trẻ vị thành niên. Bản lĩnh của người chơi chẳng thấy đâu, chỉ thấy hình ảnh của các diễn viên, ca sĩ bị xấu đi. Còn dàn giám khảo “hot” gồm: ca sĩ Thu Minh, nghệ sĩ hài Ðức Hải và diễn viên Thái Hòa cũng trở nên nhạt nhòa vì chẳng có “đất” để thể hiện chuyên môn. Có lẽ, người xem sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh “thỏi sôcôla” Trang Pháp đã phải khóc thất thanh khi “hát” bên cạnh con rắn quấn cổ, ca sĩ Bảo Trâm tái mặt hú hét và khóc khi phải đi qua đường hầm bí mật toàn chuột, lợn; diễn viên Hiếu Hiền nhăn nhó đau khổ khi vừa bị lột áo vừa bị đập trứng lia lịa lên đầu, mặt..., và nữ giám khảo duy nhất của chương trình thì lúc nào cũng chực chạy khỏi ghế nóng vì quá kinh hãi với những màn mua vui có phần tàn nhẫn trên sân khấu...

 

1
 


Thiết nghĩ, giải trí là cần thiết, song giải trí cũng cần phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng người chơi, người xem. Nhất là khi xuất hiện trên sóng đài truyền hình quốc gia trước hàng triệu khán giả, và được phát trong khung “giờ vàng” cuối tuần thì gameshow giải trí ngoài tính giải trí còn cần bảo đảm tính nhân văn, có ý nghĩa giáo dục và định hướng. Ðành rằng, những gameshow như “Ðố ai hát được” đã được kiểm chứng độ thành công trước đó từ nhiều nước trên thế giới song không hẳn gameshow nào cũng phù hợp với tất cả các quốc gia, bởi mỗi dân tộc có một đường biên văn hóa khác nhau, có cách tiếp nhận và thưởng thức nghệ thuật khác nhau. Mặc dù gameshow này đã ít nhiều được Việt hóa, được lược bỏ bớt những yếu tố quá rùng rợn từ phiên bản nước ngoài và bảo đảm tính an toàn cao cho những người chơi, song rõ ràng, những hình ảnh thiếu kiểm soát từ chương trình ít nhiều đã gây ra tác dụng ngược, làm méo mó hình ảnh của người nghệ sĩ và tác động không tốt tới tâm thức, tình cảm của công chúng. Ðồng thời, việc tạo ra tiếng cười cho khán giả truyền hình dựa trên nỗi kinh hãi, khiếp đảm của người khác cũng là đi ngược lại với truyền thống nhân văn, tương thân, tương ái của người Việt Nam.


Trước sự cạnh tranh quyết liệt của cơn bão truyền hình thực tế đổ bộ vào, yếu tố độc, lạ, mới mẻ là cần thiết, song nhà đài và những đơn vị phối hợp sản xuất chương trình cần có sự lựa chọn nghiêm túc dựa trên trách nhiệm đối với xã hội và thế hệ trẻ.


HỒNG TRANG