11:06, 13/06/2018

Triều Tiên xem xét lựa chọn theo mô hình mở cửa kinh tế của Việt Nam?

Một tờ báo Hàn Quốc cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng nhắc tới mô hình kinh tế của Việt Nam khi ông tham gia Thượng đỉnh liên Triều.

Một tờ báo Hàn Quốc cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng nhắc tới mô hình kinh tế của Việt Nam khi ông tham gia Thượng đỉnh liên Triều.
 
Tờ báo Maeil Business có trụ sở ở Seoul (Hàn Quốc) cho hay, Kim Jong-un có nói trong một cuộc họp kín với Hàn Quốc rằng ông nhìn thấy triển vọng mở cửa kinh tế nước ông theo mô hình Việt Nam, ám chỉ giai đoạn Đổi mới của Việt Nam bắt đầu vào năm 1986.
 
Theo Business Insider, khi chuyển sang “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 3% một năm trong thập kỷ tiếp theo.
 
Giới quan sát đang đặt câu hỏi liệu Triều Tiên – quốc gia khép kín nhất thế giới, có theo chân quá trình đổi mới của Việt Nam hay không.
 

 

Ông Kim Jong-un (áo trắng) tham quan một nhà máy sản xuất đồ thể thao của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.
Ông Kim Jong-un (áo trắng) tham quan một nhà máy sản xuất đồ thể thao của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.
 
Một nhà phân tích tại Capital Economics cho rằng cơ hội Triều Tiên học tập thành công mô hình của Việt Nam là khá nhỏ. Họ cho rằng nếu kinh tế Triều Tiên được mở cửa, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ vẫn rất thận trọng căn cứ trên các kinh nghiệm trong quá khứ.
 
Các thí dụ mà nhóm này nêu ra như sau: Các công ty Hàn Quốc đầu tư vào khu du lịch ở vùng núi Kum Gang (Kim Cương) và khu công nghiệp Kaesong đã bị đóng băng tài sản khi quan hệ song phương Triều-Hàn xấu đi. Hay, một liên doanh của công ty khai thác mỏ Trung Quốc Xiyang đã phải đóng cửa ở Triều Tiên chưa đầy một năm sau khi mỏ của liên doanh này đi vào sản xuất.
 
Trưởng nhóm nghiên cứu nói trên cho rằng ông Kim lựa chọn mô hình Việt Nam có lẽ là do vừa muốn tăng trưởng kinh tế vừa muốn duy trì thể chế chính trị.
 
Về mặt kinh tế, hiện nay nếu Triều Tiên mở cửa thì họ có thể tận dụng một số lợi thế như vị trí địa lý gần với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là thiếc, sắt và một số kim loại đất hiếm dùng trong thiết bị điện tử.
 
Nhưng hiện nay không rõ Mỹ có sẽ dỡ bỏ cấm vận với Triều Tiên hay không và nếu có thì khi nào điều đó sẽ diễn ra.
 
Tuyên bố chung mà Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump ký hôm 12/6 không đưa ra chi tiết về thời điểm và cách thức của tiến trình “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”.
 
Chuyên gia Chris Zaccarelli của hãng Independent Advisor Alliance có trụ sở ở thành phố Charlotte (Mỹ) cho rằng Thượng đỉnh Mỹ-Triều mới chỉ là sự khởi đầu cho chặng đường dài đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên./.
 
Theo VOV