Sáng 24-8, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh dự hội nghị tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tỉnh giai đoạn 2019 - 2021. Ông yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt Chương trình OCOP, xem đây là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Sáng 24-8, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh dự hội nghị tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tỉnh giai đoạn 2019 - 2021. Ông yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt Chương trình OCOP, xem đây là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp
Chương trình OCOP không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa lớn trong chiến lược chung thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân, hình thành các tổ chức liên kết kinh tế, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương, tạo sức bật cho kinh tế nông thôn; gắn phát triển nông thôn với đô thị; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Vì vậy, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nhằm triển khai Chương trình OCOP đến từng địa phương.
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Qua 3 năm triển khai, Chương trình OCOP của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Chương trình ngày càng nhận được sự quan tâm của các chủ thể đăng ký tham gia, từ 26 sản phẩm ban đầu lên 123 sản phẩm trong giai đoạn 2019 - 2021. Đến nay, toàn tỉnh có 44 sản phẩm của 30 chủ thể đã được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao trở lên (trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao). Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng; đa dạng về mẫu mã, bao bì; đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM… Qua Chương trình OCOP, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh…”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là chương trình mới, quá trình triển khai chưa đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chương trình được thực hiện lồng ghép từ nhiều chính sách dẫn đến lúng túng và khó khăn trong quá triển khai của các địa phương… Trong khi đó, nhận thức của chủ thể tham gia chương trình này còn hạn chế; muốn đơn vị tham gia Chương trình OCOP, ngành nông nghiệp phải đến tận nơi vận động, thuyết phục, hỗ trợ toàn diện từ thủ tục kiểm định chất lượng, mẫu mã bao bì cho đến xây dựng câu chuyện sản phẩm… Sản phẩm tham gia chương trình đa phần là sản phẩm chủ lực của các địa phương, nhưng chủ yếu là thực phẩm tươi, chưa qua chế biến; sản phẩm chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết thấp; chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm, có phần hạn chế trong xây dựng ý tưởng sản phẩm, phương án kinh doanh…
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình
Thời gian tới, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP theo hướng nâng cao, sâu rộng và đồng bộ; mục tiêu đặt ra đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 200 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao và 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. Các địa phương, chủ thể tham gia chương trình cho rằng, tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP trong tỉnh rất lớn, để chương trình lan tỏa rộng khắp, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền và kiện toàn hệ thống tổ chức thực hiện chương trình; tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý hồ sơ, đánh giá, phân hạng sản phẩm; đổi mới công tác hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tổ chức lại sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP theo hướng tiếp cận thị trường, chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm; thúc đẩy sản xuất và liên kết phát triển nông sản theo hướng bền vững…
Ông Đinh Văn Thiệu yêu cầu: Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt Chương trình OCOP, xem đây là khâu đột phá trong xây dựng NTM; tập trung đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm đã được xác định, trong đó chú trọng những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc. Cùng với đó, từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, đổi mới, sáng tạo, nhất là đối với sản phẩm OCOP đạt từ 4 sao trở lên nhằm mở rộng thị trường; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP được công nhận, phải có kênh thông tin phản hồi của thị trường để từ đó điều chỉnh phát triển sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trong quá trình triển khai, tuyệt đối không được làm theo phong trào, ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất cho các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Ông yêu cầu các đơn vị tập trung hỗ trợ, ưu tiên vốn, đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất cho các chủ thể tham gia OCOP; tập trung các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, giá trị cao…
Tại hội nghị tổng kết Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, 13 tập thể và 4 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện chương trình đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Ngoài ra, 2 sản phẩm: Rong nho OKINAWA (Công ty Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu D&T) và dưa lưới Ô Xanh (Công ty TNHH Nông nghiệp thương mại bền vững Diệp Châu) được trao Giấy chứng nhận của UBND tỉnh đối với sản phẩm OCOP đạt 4 sao; 42 sản phẩm của các chủ thể khác được trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao. |
HẢI LĂNG