06:12, 28/12/2015

Cải cách đột phá trong đăng ký, quản lý hộ tịch

Ông Lê Văn Hạ - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, nhiều nội dung mới quy định trong Luật Hộ tịch (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) được đánh giá có tính đột phá, cải cách mạnh mẽ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và quản lý dân cư.

Ông Lê Văn Hạ - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, nhiều nội dung mới quy định trong Luật Hộ tịch (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) được đánh giá có tính đột phá, cải cách mạnh mẽ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch (ĐK-QLHT) và quản lý dân cư.


Cải cách về thủ tục, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin


Một quy định mang tính đột phá trong QLHT, quản lý dân cư là cấp số định danh cá nhân cho người được khai sinh khi đăng ký khai sinh và được quản lý trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư. Đối với người dưới 14 tuổi, số định danh cá nhân được ghi vào giấy khai sinh và đây chính là số thẻ căn cước công dân của người đó khi đủ tuổi được cấp căn cước công dân. Thông tin hộ tịch của cá nhân được số hóa và quản lý tập trung, thống nhất tại CSDL hộ tịch điện tử (cùng với CSDL giấy) nhằm lưu giữ tập trung, kết nối, chia sẻ và cung cấp thông tin cho CSDL quốc gia về dân cư.

 

Từ ngày 1-1-2016, các việc hộ tịch giải quyết tại Sở Tư pháp sẽ  chuyển xuống UBND cấp huyện. (Ảnh chụp tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp)
Từ ngày 1-1-2016, các việc hộ tịch giải quyết tại Sở Tư pháp sẽ chuyển xuống UBND cấp huyện. (Ảnh chụp tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp)


Người dân có thể nộp trực tiếp, gửi qua bưu điện hoặc qua hệ thống đăng ký hộ tịch (ĐKHT) trực tuyến khi điều kiện cho phép và có quyền lựa chọn cơ quan ĐKHT, không phụ thuộc nơi cư trú. Thời hạn giải quyết đối với hầu hết thủ tục hộ tịch cũng giảm. Khi ĐKHT, người dân được cấp trích lục hộ tịch. Đối với một số hộ tịch quan trọng như khai sinh, kết hôn, sau khi đăng ký, người dân vẫn được cấp bản chính giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. Khi thực hiện quyền, nghĩa vụ ĐKHT, người dân có thể chỉ nộp bản sao không công chứng, chứng thực và xuất trình bản chính đối chiếu. Trong giai đoạn chuyển tiếp (khi CSDL hộ tịch điện tử và CSDL quốc gia về dân cư chưa được xây dựng và vận hành thống nhất toàn quốc), người dân cần nộp, xuất trình một số giấy tờ cần thiết để chứng minh nhân thân, nơi cư trú, việc yêu cầu hộ tịch là đúng. Hết giai đoạn này (dự kiến đến năm 2020), người dân chỉ xuất trình duy nhất thẻ căn cước công dân.


Khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại UBND cấp huyện sẽ không còn thủ tục phỏng vấn. UBND cấp xã có thẩm quyền cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Luật cũng quy định miễn lệ phí ĐKHT cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo; người khuyết tật; đăng ký khai sinh; khai tử đúng hạn; giám hộ; kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước và một số quy định mới khác.


Phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương


Một trong những điểm mới quan trọng của luật là quy định chuyển giao thẩm quyền ĐKHT có yếu tố nước ngoài từ cấp tỉnh cho cấp huyện. Theo đó, từ ngày 1-1-2016, UBND huyện giải quyết toàn bộ việc ĐKHT có yếu tố nước ngoài. UBND huyện cũng có quyền thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước; xác định lại dân tộc, trừ việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, và người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam. Việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam; khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam cũng thuộc UBND cấp huyện. UBND cấp xã đăng ký các việc hộ tịch còn lại.


Tiêu chuẩn, trình độ của công chức làm công tác hộ tịch và trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp trong ĐK-QLHT tại địa phương cũng có quy định mới. Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên, đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch; công chức làm công tác hộ tịch tại phòng tư pháp huyện phải có trình độ cử nhân luật trở lên, đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch. Theo Nghị định số 123 của Chính phủ, từ ngày 1-1-2016, UBND các cấp chỉ được bố trí, tuyển dụng mới người đủ tiêu chuẩn làm công tác hộ tịch.


Trong giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh việc hoàn thiện văn bản dưới luật quy định một số nội dung liên quan đến công tác hộ tịch, các công chức tư pháp - hộ tịch bắt đầu đăng ký sự kiện hộ tịch mới, từng bước cập nhật dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy vào CSDL hộ tịch điện tử; ĐKHT trực tuyến theo từng cấp độ... Từ năm 2020, tiến hành ĐK-QLHT điện tử, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến (cấp độ 3 hoặc 4).


N.V