10:12, 13/12/2015

Nhiều tiến bộ trong cải cách hành chính

Giai đoạn 2011 - 2015, công tác cải cách hành chính của tỉnh Khánh Hòa đã đạt một số kết quả nổi bật.

Giai đoạn 2011 - 2015, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Khánh Hòa đã đạt một số kết quả nổi bật.


Giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính


Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau 5 năm, công tác CCHC đạt được kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai thực chất, hướng về mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp; giảm phiền hà, giảm chi phí, cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Đồng chí Đào Công Thiên trao bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015
Ông Đào Công Thiên trao bằng khen của UBND tỉnh Khánh Hòa cho tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015


Với quyết tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh, UBND tỉnh đã công bố 562 TTHC cắt giảm thời gian giải quyết thuộc thẩm quyền của các sở. Trong đó, nhiều thủ tục cắt giảm từ 50 đến 80% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành của Trung ương. Sở Kế hoạch và Đầu tư giảm từ 7 hoặc 5 ngày xuống còn 3 ngày đối với 65 TTHC lĩnh vực đăng ký kinh doanh. Chỉ qua việc đơn giản hóa, cắt giảm thành phần hồ sơ đối với 3 TTHC gồm: cấp biển hiệu ô tô đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đổi giấy phép lái xe, chứng thực các loại hợp đồng giao dịch tại cấp xã đã giảm chi phí hơn 30%. Toàn tỉnh hiện có 473 TTHC (cấp tỉnh 397 thủ tục, cấp huyện 76 thủ tục) được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến qua mạng Internet ở mức độ 3; đã có gần 600 hồ sơ điện tử giao dịch trực tuyến mức độ 3 thành công tại các sở.


Đến nay, mô hình một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại đã triển khai xong ở cả 3 cấp hành chính, ngày càng hoàn thiện, giúp giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp ngày càng thuận lợi. Toàn bộ sở, ngành, địa phương đều thực hiện quản lý quá trình giải quyết hồ sơ, trả kết quả trên bộ phần mềm một cửa điện tử. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã đã cập nhật được toàn bộ quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và việc tra cứu của người dân. 5 năm qua, có gần 8 triệu hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trong đó giải quyết đạt 97,67% (sớm hạn 26,2%, đúng hạn 73,26%, trễ hạn 0,5%).


Từ kết quả cuộc thi mô hình, sáng kiến CCHC của công chức, viên chức trẻ lần I-2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo đưa vào áp dụng thực tiễn một số giải pháp, trong đó, có giải pháp chuyển phát nhanh kết quả giải quyết TTHC tại các sở, ngành, địa phương. Từ năm 2014 đến nay, các sở, ngành, địa phương đã chuyển phát nhanh gần 60.000 kết quả hồ sơ theo yêu cầu của công dân, góp phần giảm đi lại, thời gian, chi phí của người dân.


Nhiều mục tiêu hoàn thành sớm


Việc cải cách bộ máy tổ chức đã hoàn thành đúng tiến độ; hiệu quả tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức được nâng cao; đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được chuẩn hóa mạnh mẽ. Bộ máy hành chính tỉnh đã có những đổi mới theo hướng hiện đại, nhất là ở khía cạnh tin học hóa quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân.


Đến nay, toàn bộ các sở, ngành, địa phương cấp huyện và một số đơn vị cấp xã đã có cổng thông tin điện tử phục vụ cập nhật, công khai cơ chế, chính sách, TTHC, chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Tỉnh đã triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (E-Office) tại 35 cơ quan cấp tỉnh, 8 UBND cấp huyện và 137 UBND cấp xã. Các cơ quan, đơn vị đã gửi 161.732 và nhận 153.821 văn bản điện tử các loại qua hệ thống E-Office liên thông ba cấp. Ứng dụng này giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí văn phòng phẩm, khấu hao tài sản, nhân công và cước phí bưu chính, đặc biệt là tiết kiệm thời gian công văn đi đến; cho phép quản lý văn bản đi đến, giao việc, phối hợp xử lý công việc, kiểm soát, tổng hợp và báo cáo thống kê mọi nơi, mọi lúc, không phụ thuộc thời gian, không gian hay lịch công tác của cán bộ.


Giai đoạn 2011 - 2015, nhiều mục tiêu CCHC đề ra đã hoàn thành sớm và vượt mức. Đó là, rút ngắn 30% thời gian giải quyết 562 TTHC. Đề án vị trí việc làm đã hoàn thành đúng tiến độ và được Bộ Nội vụ thẩm định xong; tỷ lệ công chức cấp xã đạt chuẩn ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đạt trên 98% (mục tiêu 80%). Việc gửi nhận văn bản điện tử triển khai từ năm 2014 trong khi kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020.


Theo kết quả khảo sát năm 2014, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với TTHC đạt 75,96% (mục tiêu 70%), đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt 74,83% (mục tiêu 70%), đối với sự phục vụ của các đơn vị sự nghiệp khám, chữa bệnh đạt 71,2% (mục tiêu 60%)... Chỉ số CCHC của tỉnh tăng thứ hạng liên tục qua các năm, từ vị trí 34 vào năm 2012 lên vị trí 32 năm 2013 và tăng lên vị trí 22 năm 2014. Chỉ số PCI năm 2014 xếp thứ hạng 16, tăng 18 bậc so với năm 2013.


Tuy nhiên, công tác CCHC của tỉnh cũng còn một số hạn chế. Về cải cách thể chế, việc tham mưu còn phân tán theo chức năng từng ngành mà chưa có sự điều phối để tập trung vào các mục tiêu và nhiệm vụ kinh tế - xã hội trọng điểm. Việc tổng hợp, đánh giá và xây dựng giải pháp, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, xã hội hóa trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch... chưa hoàn thành. Về TTHC, đến nay vẫn chưa chuẩn hóa được danh mục và nội dung TTHC trên các lĩnh vực; việc công bố TTHC chưa đổi mới theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh; cơ sở dữ liệu TTHC trên cổng thông tin điện tử của tỉnh chưa cập nhật so với thủ tục hiện hành; việc công khai thủ tục ở vài nơi chưa thống nhất; còn tình trạng kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, trễ hẹn còn cao ở một số cơ quan, lĩnh vực... Về ứng dụng công nghệ thông tin, một số phần mềm chuyên ngành không có khả năng tích hợp với các ứng dụng dùng chung của tỉnh; bộ phần mềm một cửa điện tử cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện; hạ tầng công nghệ thông tin có dấu hiệu quá tải; việc triển khai ISO cho cấp xã chậm so với kế hoạch...


Để triển khai hiệu quả công tác CCHC giai đoạn II (2016 - 2020), ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu từng sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch CCHC cụ thể, khả thi, đồng bộ, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chung của tỉnh; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải quyết tâm và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sâu sát đối với công tác CCHC, không chỉ đạo chung chung, thiếu kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh.


N.D