Gác lại việc gia đình, lao vào cuộc chiến chống dịch, những người mặc blu trắng luôn căng mình chỉ với một tâm niệm đẩy lùi dịch bệnh. Đâu đó, còn là sự dũng cảm, tận tụy quên mình bất chấp những nguy cơ phơi nhiễm…
Kỳ 1: Những “chiến binh” áo trắng
Gác lại việc gia đình, lao vào cuộc chiến chống dịch, những người mặc blu trắng luôn căng mình chỉ với một tâm niệm đẩy lùi dịch bệnh. Đâu đó, còn là sự dũng cảm, tận tụy quên mình bất chấp những nguy cơ phơi nhiễm…
Tận tụy với công việc
Hơn 12 giờ trưa, khu khám bệnh hô hấp có yếu tố nghi ngờ nhiễm nCoV Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới tỉnh vẫn đông người chờ đến lượt khám. Ăn vội miếng cơm mang theo từ nhà, điều dưỡng Nguyễn Thị Hương nhanh chóng đón bệnh nhân từ phòng khám đưa về khu cách ly. Sắp xếp giường bệnh và căn dặn những điều cần thiết cho bệnh nhân, chị lại tiếp tục mang các phần cơm đến cho các bệnh nhân được cách ly. “Nhận nhiệm vụ trực sau Tết, ban đầu, tôi có hơi căng thẳng, nhưng tôi xác định, nếu mình lo sợ thì những người bệnh sẽ ra sao khi họ đang rất hoảng loạn. Trong quá trình chăm sóc, mỗi khi nhận được kết quả xét nghiệm của 1 bệnh nhân âm tính, bệnh nhân vui 1, chúng tôi vui 10. Bởi họ không bệnh, đồng nghĩa với việc sẽ không có nguồn lây cho cộng đồng”, chị Hương chia sẻ.
Là người tham gia chăm sóc cho 5 bệnh nhân nghi ngờ, bị cách ly từ những ngày đầu tiên, điều dưỡng Lê Quyết Thắng tâm sự: “Tôi nhớ mãi ngày 1-2, khi biết bệnh nhân H. dương tính với vi rút Corona. Đây là bệnh nhân tôi thường xuyên chăm sóc trong các ca trực trước đó. Lúc đó, tôi thật sự lo, lo cho mình thì ít mà cho gia đình thì nhiều. Sau khi tan ca, về nhà tôi âm thầm mang khẩu trang và tự cách ly trong phòng, hạn chế giao tiếp với gia đình. Khi bệnh nhân H. được điều trị khỏi và có kết quả âm tính, không chỉ tôi mà cả BV gần như vỡ òa hạnh phúc. Kết quả trên đã giúp chúng tôi tăng thêm động lực, vừa củng cố thêm niềm tin trong cuộc chiến dài lâu này”.
“Nếu sợ, ai sẽ điều trị cho bệnh nhân”
Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, một trong những người xông pha trận chiến từ những ngày đầu. Trong câu chuyện kể về những ngày qua, bác sĩ Nguyễn Đông cho biết, kết quả được như hôm nay chính là sự đồng lòng vào cuộc của các thành viên trong ban lãnh đạo và nhiều y, bác sĩ tâm huyết của BV, chứ không của riêng ai. Nhưng chúng tôi hiểu, để guồng máy hoạt động trơn tru trong hoàn cảnh hạ tầng cơ sở của BV chưa hoàn thiện, nhân lực thiếu, dịch bệnh lại diễn ra quá đột ngột, thì sự quyết đoán, nhạy bén trong chỉ đạo, điều hành cùng với kinh nghiệm hơn 40 năm công tác của ông góp phần rất lớn.
“Trước Tết, khi dịch bệnh xảy ra, nhất là khi BV tiếp nhận ca nghi ngờ mắc nCov nhập viện, có một số bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của BV tỏ ra lo lắng, thậm chí có người còn đòi nghỉ việc nếu đưa họ đến làm việc tại các khu cách ly. Tôi nói với mọi người, cả cộng đồng trông ngóng chúng ta, nếu mình sợ thì ai sẽ là người điều trị cho bệnh nhân. Tôi và ban lãnh đạo BV trực tiếp vào thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân nghi ngờ. Nhờ đó, các y, bác sĩ của BV an tâm và tích cực làm việc. Có nhân viên đang điều trị bệnh cũng xin được xuất viện sớm để cùng tham gia trực với đồng nghiệp”, bác sĩ Đông bộc bạch.
Là người đã từng tiếp nhận, cách ly, điều trị nhiều bệnh nhân trong các đợt dịch bệnh mới nổi như: SARS, H1N1…., bác sĩ Đông hiểu được sự hoang mang, lo sợ của bệnh nhân khi bị cách ly. Vì thế, đi cùng với các phác đồ điều trị bằng thuốc, bác sĩ Đông còn xây dựng các “liệu pháp” điều trị tâm lý cho bệnh nhân. Bởi theo ông đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong trị bệnh. Bác sĩ Đông cho phủ sóng wifi toàn bộ khu vực cách ly để bệnh nhân được cập nhật theo dõi, nắm bắt tình hình thời sự hàng ngày, vào các mạng xã hội vừa giải trí và được liên lạc thường xuyên với gia đình, nhận được sự động viên từ người thân. Nhờ đó, người bệnh không thấy mình bị lẻ loi, xa cách với thế giới bên ngoài, an tâm điều trị.
Cũng nhờ nhanh nhạy trong phối hợp sử dụng liệu pháp tâm lý, bác sĩ Đông và đội ngũ y, bác sĩ ở BV đã giúp cho bệnh nhân nữ dương tính với vi rút corona đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh lúc này, lấy lại được tinh thần và niềm tin, vượt qua nỗi sợ để chiến thắng căn bệnh. Bác sĩ Đông nhớ lại, tối 31-1, khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính của bệnh nhân, ông lập tức gọi điện thoại cho bạn trai của bệnh nhân, khuyến khích anh động viên, trò chuyện thường xuyên hơn với bạn gái. Đồng thời, chỉ đạo cho điều dưỡng trực theo dõi, thăm khám sát sao bệnh nhân. Ngày 1-2, khi thấy bệnh nhân đăng dòng trạng thái với tâm trạng đầy tuyệt vọng trên mạng xã hội, ông tức tốc đến BV chia sẻ, củng cố lại niềm tin cho cô. Ông xin ý kiến Sở Y tế cho người bạn trai thường xuyên vào thăm. Đồng thời, chuyển cô cùng 3 người Trung Quốc đang điều trị cách ly lên khu bệnh nhân điều trị sắp khỏi, chuẩn bị cho xuất viện. Khi kết quả của 3 bệnh nhân người Trung Quốc âm tính, ông cho xuất viện ngay. Với nhiều sự tác động tích cực trên, tâm lý H. dần ổn định, cô lạc quan trở lại và rất tích cực phối hợp điều trị để khỏi bệnh hoàn toàn.
“Chúng tôi xác định cuộc chiến với dịch bệnh nCoV không thể sớm kết thúc, nhưng đội ngũ y, bác sĩ của BV đã, đang và luôn trong tâm thế sẵn sàng cứu chữa cho các bệnh nhân”, ông Đông khẳng định.
Như có Tết trong lòng
“Đối với những cán bộ ở Khoa Vi sinh miễn dịch, cái Tết vừa qua không hề yên ả, nhưng mỗi khi mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính là như có Tết ở trong lòng” - đó là tâm trạng của những người làm công tác phòng, chống dịch ở Khoa Vi sinh miễn dịch, Viện Pasteur Nha Trang. Hiện nay, Viện Pasteur Nha Trang đang thực hiện xét nghiệm mẫu cho 11 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Do đó, trong những ngày cuộc chiến chống dịch nCoV đang diễn ra căng thẳng, công việc tại khoa nhiều hơn ngày thường cả chục lần.
Ca nghi nhiễm nCoV đầu tiên là một du khách đến Đà Nẵng từ Vũ Hán, mẫu xét nghiệm được gửi đến viện vào 2 giờ sáng 15-1 (tức ngày 21 tháng Chạp). Lúc này, bệnh nCoV ở Trung Quốc vẫn chỉ được gọi là bệnh viêm phổi do vi rút lạ, chưa có trình tự gene nên cán bộ ở khoa cũng khá bị động. Chưa có test kít sinh học, cán bộ tại đây phải sàng lọc tất cả các tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm cả các chủng vi rút corona cũ như: corona týp OC43, 229E, NL63, Sars-corona và Mers-corona. Khi cho kết quả âm tính, mọi người như cất đi được gánh nặng trong lòng nhưng muốn khẳng định lại kết quả này, khoa đã cử cán bộ đem mẫu vào Đơn vị nghiên cứu lâm sàng - Đại học Oxford ở TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm một lần nữa. “Vì tính chất của mẫu xét nghiệm này cần kết quả nhanh, chính xác để phục vụ công tác phòng, chống dịch nên chúng tôi phải cử cán bộ trực tiếp đưa mẫu vào TP. Hồ Chí Minh chứ không gửi bằng đường chuyển phát của cơ quan như thường lệ. Khi nhận được kết quả âm tính, chúng tôi mới thật sự thở phào nhẹ nhõm”, chị Huỳnh Kim Mai - Phó Trưởng khoa Vi sinh miễn dịch chia sẻ.
Ngày 1-2, Bộ Y tế chính thức công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp nCoV ở tỉnh Khánh Hòa. Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc khẩn trương, tích cực, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận 1 ca dương tính và đã được điều trị khỏi bệnh. |
Là người trực tiếp xử lý ca dương tính nCoV đầu tiên của Khánh Hòa, cử nhân sinh học Trịnh Hoàng Long - Trưởng Bộ phận xét nghiệm vi rút hô hấp không thể quên những cảm xúc vui buồn lẫn lộn đối với trường hợp này. Gác lại chuyến về quê ăn Tết với gia đình ở Quảng Bình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cử nhân Long là người trực tiếp đưa mẫu xét nghiệm của ca dương tính nCoV đầu tiên ở tỉnh Khánh Hoà vào Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm lại một lần nữa. “Đây là bệnh có khả năng lây lan theo cấp số nhân nên khi nhận kết quả dương tính đầu tiên, chúng tôi không khỏi lo lắng về sự bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Nhưng xốc lại tinh thần, chúng tôi tự động viên không được bỏ cuộc, không được bệnh vào lúc này vì chắc chắn sau ca dương tính này thì số lượng các mẫu xét nghiệm sẽ còn nhiều hơn trước. Sau khi được điều trị khỏi bệnh và các kết quả xét nghiệm đều cho âm tính, chúng tôi mừng cho bệnh nhân, vừa vui với ngành Y tế tỉnh khi đã điều trị thành công cho ca dương tính nCoV đầu tiên”, cử nhân Long cho biết.
Trước Tết Nguyên đán, mỗi ngày khoa nhận hơn 10 mẫu xét nghiệm, chủ yếu đến từ hai địa phương có lượt khách Trung Quốc cao là TP. Nha Trang và Đà Nẵng. Nhưng thời điểm này, mỗi ngày khoa nhận khoảng 40 - 50 mẫu xét nghiệm. Hiện nay, đã có test kit nên thời gian xét nghiệm mẫu được rút ngắn khoảng 3 - 6 giờ (trước đây phải mất cả ngày). Bên cạnh đó, khoa còn làm xét nghiệm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, cúm A/H1N1, tay chân miệng… Trong khi đó, khoa chỉ có 11 cán bộ nên áp lực công việc giữa những ngày dịch bệnh rất lớn. Ông Nguyễn Bảo Triệu - Trưởng khoa Vi sinh miễn dịch cho biết: “Các mẫu xét nghiệm thông thường có thể chờ để dồn đủ số lượng một mẻ của thiết bị mới làm, nhưng đối với các mẫu xét nghiệm nCoV thì dù chỉ 1 mẫu cũng phải làm ngay. Với tinh thần phục vụ cho công tác phòng, chống dịch ở cấp độ cao nhất”.
Nhóm P.V