12:01, 26/01/2020

A. Yersin và tình yêu với biển

Biển - ấy là thứ tình yêu đến kỳ lạ của nhà khoa học Alexandre Emile John Yersin. Chính từ tình yêu ấy, ông đã chọn Nha Trang làm nơi dừng chân và gắn bó đến cuối đời mình…

Biển - ấy là thứ tình yêu đến kỳ lạ của nhà khoa học Alexandre Emile John Yersin. Chính từ tình yêu ấy, ông đã chọn Nha Trang làm nơi dừng chân và gắn bó đến cuối đời mình…

 

. Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống!


Vào một ngày hè tháng 7-1891, con tàu khách của Công ty Vận chuyển Hàng hải Đông Dương đang thực hiện chuyến hành trình từ Sài Gòn ra Hải Phòng dừng lại Nha Trang để tiếp vận. Từ trên tàu, một chàng trai trẻ đội mũ mềm kiểu thủy thủ bước xuống xuồng tiến vào bờ.

 

Tượng bác sĩ Yersin trước khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang.

Tượng bác sĩ Yersin trước khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang.

 
Trong một căn nhà lá ở đầu cửa sông Cái đầu Xóm Cồn, một người cao lớn cũng rất trẻ bước ra, đó chính là Lenormand - viên sĩ quan hàng hải biệt phái tạm thời làm Công sứ Khánh Hòa. Lenormand ôm thắm thiết người khách: “Chào bác sĩ! Tôi chờ ngài đã quá lâu rồi, sao có mệt không?” Vị khách vui vẻ: “Rất ổn, chào ngài Công sứ!”. Chàng bác sĩ trẻ không ai khác chính Alexandre Emile John Yersin. Hai chàng trai ngồi trên bãi cát nói chuyện.

 

Nhà làm việc bác sĩ  Yersin trên đỉnh Hòn Bà.

Nhà làm việc bác sĩ Yersin trên đỉnh Hòn Bà.


Nha Trang! Cái tên mới lạ như bãi cát hoang vắng này làm A. Yersin hơi khó khăn trong phát âm. Đó là một bãi cát không rộng lớn, chừng hơn 6km, phẳng phiu, đôi chỗ gợn những đụn cát phủ đầy loại dây leo nở chi chít hoa tím, hồng. A.Yersin có cảm nhận hình như phía sau bãi cát là những cánh rừng và đầm lầy men theo dòng sông. Dân bản địa sống trong các căn lều lúp xúp bằng tre cây quanh đầm nước và trên hòn đảo nơi cửa sông thật hoang vắng. Điều này lại làm cho A. Yersin thấy thú vị bởi từ bé anh đã quen nhìn cảnh đơn côi của những núi đồi đầy tuyết trên dãy Alps hay hồ nước phẳng lặng ở Commugny (Vaud, Thụy Sỹ).


- Tôi sẽ ở đây! Yersin đứng dậy chia tay.


- Thật thế ư? Nếu thế tôi sẽ nhường cho anh tòa biệt thự  tuyệt vời của tôi - Lenormand cười đầy thú vị chỉ căn lều đang bị gió lùa đẩy những cọng tranh rơi lả tả rồi tiễn chàng bác sĩ lên xuồng ra tàu tiếp tục hành trình.

 * * *



Năm 1889, trong một lá thư, chàng bác sĩ A. Yersin - thực tập sinh Viện Pasteur kể cho mẹ mình, bà Fanny Isaline Moschell: “Mẹ, con đang đi triển lãm Toàn Cầu dưới chân Tháp Eiffel hùng vĩ nhưng điều con thấy thú vị hơn đó là được đến với xứ châu Phi và kỳ diệu nhất là Đông Dương thuộc địa. Con thấy đó là những miền đất kỳ lạ làm sao và con thích sự tự do hoang dã ở đó, chắc sẽ tuyệt hơn trong những phòng thí nghiệm biệt lập lạnh lẽo của bệnh viện!”. Rồi chàng nắn nót viết dòng chữ: “Ce n’est pas une vie que de ne pas bouget” - Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống!

 

Thư phòng của bác sĩ Yersin tại bảo tàng.

Thư phòng của bác sĩ Yersin tại bảo tàng.

 
Đó chính là tiếng nói đầy khát vọng từ trái tim và tâm hồn tưởng như trầm lắng của chàng bác sĩ tài năng đang làm phụ tá cho bác sĩ nổi tiếng Roux - cộng sự của nhà bác học lừng danh Louis Pasteur tại Viện Pasteur non trẻ.


.  Tình yêu từ biển Normandie tới biển Nha Trang


 “Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống!” đã làm thay đổi cuộc sống của A.Yersin. Lần đầu tiên trong cuộc đời, Yersin tạm nghỉ làm tại viện để đi tới miền biển bắc xứ Normandie bên eo biển Manche.Chưa bao giờ chàng trai sinh ra ở miền núi đồi Thụy Sỹ lại say mê biển cả như thế. Trong một lá thư, chàng thú nhận với mẹ: “… Mẹ ơi, con đã yêu biển mất rồi, chuyện con rời Paris là điều hiển nhiên không có gì bất ngờ!”.


Mùa thu, tháng 9-1890, A. Yersin quyết định xuống tàu từ cảng Marseille đến miền Viễn Đông xa xôi để xem “sự tự do hoang dã” thú vị như thế nào. Được sự giúp đỡ của mọi người, đặc biệt là Louis Pasteur, A. Yersin làm việc trên tàu của hãng tàu biển với tư cách bác sĩ. Đến Sài Gòn, Yersin tiếp tục làm trên tàu Eridan chạy trên hành trình Sài Gòn - Manila (Philippines) rồi đổi sang Sài Gòn  - Hải Phòng. Được sự ủng hộ của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, chỉ trong mấy năm đầu đặt chân tới Đông Dương, A. Yersin đã làm được rất nhiều việc: Thám hiểm miền Tây Nguyên, trong đó khám phá ra cao nguyên Langbiang để hình thành TP. Đà Lạt sau này (năm 1893), sang Hồng Kông cứu chữa và nghiên cứu tìm ra vi trùng dịch hạch (năm 1894)…


Nhưng, năm 1895, A. Yersin đến Nha Trang ở và làm việc cho đến cuối cuộc đời mình. Nha Trang với vịnh biển miền nhiệt đới ấm áp khác xa biển Normandie giá lạnh - nơi lần đầu A. Yersin có tình yêu với biển. Dòng sông Cái cũng không giống màu nước của dòng sông Seine chảy về biển Normandie. Nơi đây không có hồ nước êm đềm trong veo như hồ nước xứ Vaud và càng không có tuyết. Nhưng trên tất cả, Nha Trang là miền đất của thanh bình - điều đã làm chàng bác sĩ trẻ mong muốn gắn bó dài lâu.


A. Yersin làm nhà bên xóm Cồn nơi cửa sông. Cả miền vịnh Nha Trang duy nhất có tòa nhà màu trắng này nên nó chính là ánh hải đăng hy vọng! Người dân xóm Cồn - láng giềng thân thiết của Yersin gọi tên ông theo xứ này là ông Tư vì ông là người con thứ ba. Quan chức bản địa kính trọng gọi Yersin là quan Năm vì ông được đeo hàm đại tá quân y!


A. Yersin làm thêm ngôi nhà to hơn, đẹp hơn ở chính giữa bãi cát, đó chính là Viện Pasteur Nha Trang. Có dấu chân nhà khoa học trẻ uy tín, người Pháp theo đó xây dựng nhiều công trình: Viện Hải dương, nhà bưu điện, tòa khâm… biến Nha Trang từ bãi cát hoang vu thành đô thị biển nghỉ dưỡng đẹp nhất xứ Đông Dương.


Riêng với A. Yersin, dù ở với biển nhưng tình yêu miền núi đồi vẫn không nguôi. Đà Lạt là món quà ông tặng cho toàn quyền Đông Dương Paul Doumer; còn ông lấy đỉnh Hòn Bà làm “tiểu Đà Lạt” cho mình. Nơi đây trong tiềm thức và giấc mơ giá buốt nhớ nhung đó là miền núi đồi tuyết trắng Thụy Sỹ quê hương ông. Sáng tinh sương khi bình minh chưa rạng, từ ngôi nhà nhỏ trong biển mây trắng ông sẽ thấy nhớ miền biển Normandie thơm ngát tử đinh hương với sóng bạc. Rồi khi mặt trời phía đông rực rỡ, biển Nha Trang xanh ngắt tràn đầy trước mặt. Người đến với biển bằng tình yêu và lòng nhân ái, biển sẽ yêu người mãi mãi bằng tấm lòng bao la của mình: Alexandre Emile John Yersin (1863 - 1943). Đó chính là lý do giản dị như vậy!


. Lê Đức Dương