11:10, 04/10/2019

Chuẩn bị đàn heo dịp Tết

Đây là thời điểm người chăn nuôi bắt đầu vào vụ nuôi phục vụ nhu cầu tiêu dùng thịt heo dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thay vì tập trung thả giống, các hộ chăn nuôi lại đang phải căng mình chống chọi với dịch tả heo châu Phi (ASF), không ai còn thiết tha với việc tăng đàn, nuôi heo vụ Tết.

Đây là thời điểm người chăn nuôi bắt đầu vào vụ nuôi phục vụ nhu cầu tiêu dùng thịt heo dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thay vì tập trung thả giống, các hộ chăn nuôi lại đang phải căng mình chống chọi với dịch tả heo châu Phi (ASF), không ai còn thiết tha với việc tăng đàn, nuôi heo vụ Tết.

Hộ chăn nuôi phập phồng


Trưa 3-10, chúng tôi có mặt tại nhà ông Nguyễn Anh Tuấn ở thôn Phú Bình 2 (xã Cam Tân, huyện Cam Lâm - thủ phủ chăn nuôi heo của tỉnh). Hộ nuôi này có 6 con heo nái, gần 20 con heo thịt và 12 con heo con đang ở độ bú mẹ. Lúc chúng tôi đến, cơ quan chức năng huyện Cam Lâm và xã Cam Tân đang cùng với hộ nuôi tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn heo. Gương mặt thẫn thờ, ông Tuấn chia sẻ, ngày 29-9, đàn heo xuất hiện dịch bệnh, dương tính với ASF rồi chết dần. Đàn heo là nguồn sinh kế chủ yếu của gia đình đã buộc phải tiêu hủy.

 

1

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy heo bệnh tại Cam Tân.


Ông Nguyễn Võ Luân - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tân cho biết, ASF xuất hiện trên địa bàn xã từ ngày 19-9 và nhanh chóng lây lan. Đến ngày 1-10, đã có 16 hộ nuôi có heo dương tính với ASF, tổng đàn heo tiêu hủy lên tới 488 con với trọng lượng gần 48 tấn. “Bây giờ trên địa bàn xã không hộ nuôi nào có ý định tăng đàn, tái đàn hay tổ chức thả giống cho dịp heo Tết. Một số hộ đã chuyển sang nuôi vịt, gà nhằm tận dụng chuồng trại, thức ăn còn lại của nuôi heo để gỡ gạc chút nào hay chút đó”, ông Luân nói.


Hơn 1 tháng nay, bà Nguyễn Thị Ngọc (thôn Cửu Lợi 2, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm) chưa thể gặp được chồng và các con bởi họ đang phải hàng ngày căng mình phòng, chống dịch cho trại heo. Gia đình bà nuôi 200 con heo, để đảm bảo an toàn, bà và chồng, con phải sống cách ly, nhằm tránh dịch bệnh lây lan trong quá trình tiếp xúc. Trong khi bà Ngọc chạy lo việc bên ngoài, thì chồng và các con bà lo ở trại heo. “Cả gia tài của gia đình và tiền vay mượn hàng trăm triệu đồng đã đổ vào trại heo này, nếu bị dịch coi như trắng tay. Đã hơn 1 tháng nay, cả nhà tôi ăn ngủ không yên, lo âu bởi ASF. Mỗi lần thấy các hộ xung quanh báo dịch, tiêu hủy những con heo lớn nhỏ mà xót xa, thấp thỏm. Giờ đây, gia đình tôi đang phải cố gắng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch. Chỉ mong sao dịch sẽ không lây lan tới đàn heo của gia đình”, bà Ngọc nói.

 

zzHoạt động tiêu độc, khử trùng tại các hộ có đàn heo dương tính với ASF được thực hiện nghiêm ngặt.

Hoạt động tiêu độc, khử trùng tại các hộ có đàn heo dương tính với ASF được thực hiện nghiêm ngặt.


Ông Trần Ứng - cán bộ thú y xã Suối Tân, huyện Cam Lâm chia sẻ: “Mấy tháng nay, cả xã đang phải căng mình chống dịch, cốt để khống chế, không cho dịch lây lan sang những hộ còn lại. Tổ đi tiêu hủy gần như ngày nào cũng hoạt động từ sáng đến tối. Khi xảy ra dịch bệnh, người chăn nuôi là khổ nhất, có những hộ chúng tôi đến tiêu hủy, vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc. Có những con heo nái sắp đến ngày sinh vẫn buộc phải tiêu hủy, xót xa lắm!”.


Tại huyện Diên Khánh, một địa phương cũng có lượng heo tương đối lớn, tình hình ASF vẫn diễn biến hết sức phức tạp, chỉ trong tháng 9 đã có thêm 2 xã mới của địa phương này xuất hiện dịch, nâng tổng số xã của Diên Khánh có ASF lên con số 12. Tâm trạng chung của các hộ nuôi nơi đây đó là chưa nghĩ đến việc tái đàn. Thậm chí ngay cả với những xã chưa xuất hiện ASF, tình hình chăn nuôi heo cũng rất trầm lắng. Tại Diên Xuân, trao đổi với ông Ngô Đăng Khoa - Chủ tịch UBND xã, mặc dù trên địa bàn chưa xảy ra ASF, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong các cuộc họp, qua các đợt tiếp xúc với người dân, chúng tôi đều vận động tuyên truyền người dân không đẩy mạnh chăn nuôi, mà chỉ nuôi cầm chừng và giảm dần cả về số hộ lẫn số heo trong chuồng kể từ khi xuất hiện ASF đến nay. Ngoại trừ 1 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn với đàn heo 20.000 con, ở khu vực nông hộ hiện chỉ còn 12 hộ nuôi với tổng đàn 230 con. Nhiều hộ đã chuyển từ nuôi heo sang nuôi gà, nuôi bò.


Các công ty cam kết


Đó là nhận định của cơ quan chuyên môn cũng như một số doanh nghiệp cung cấp thịt heo lớn trên địa bàn tỉnh.

 

Đàn heo ở các trang trại chăn nuôi lớn đang được bảo vệ an toàn.

Đàn heo ở các trang trại chăn nuôi lớn đang được bảo vệ an toàn.


Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, dựa trên quy mô đàn, có thể phân chia hoạt động chăn nuôi heo thành 3 hình thức: Chăn nuôi nông hộ chủ yếu dưới 50 con, chăn nuôi trại lớn của các công ty và chăn nuôi gia công. Ở khu vực nông hộ, toàn tỉnh hiện có 4.500 hộ chăn nuôi heo, chiếm tới 95% tổng số hộ nuôi, nhưng đàn heo ở khu vực này chỉ có 46.000 con, chiếm 17% tổng đàn. Ngược lại, với 210 trại chăn nuôi gia công chủ yếu cho Công ty CP và 10 trang trại quy mô lớn lại đang đóng góp khoảng 230.000 con heo. Nói cách khác, nguồn heo từ các công ty lớn, trại gia công đang cung ứng cho thị trường khoảng 80% lượng thịt heo. Trong khi đó, ASF lại đang xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học. “Dịch bệnh đang khiến cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn, tổn thất nặng nề, nhưng mức độ ảnh hưởng đến thị trường thịt heo lại không quá lớn”, ông Lê Thắng nói.

 

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến hết tháng 9, ASF đã xảy ra tại 227 hộ, 73 thôn, 33 xã, 5 huyện, thành phố: Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Nha Trang và Cam Ranh. Số heo chết, bệnh buộc phải tiêu hủy hơn 4.200 con, trọng lượng hơn 248.400kg.

Liên quan vấn đề này, ông Võ Ngọc Lâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Chi nhánh Khánh Hòa (CP Khánh Hòa) cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 169 trại nuôi gia công cho CP Khánh Hòa. Các trại này đang ổn định đàn heo khoảng 145.000 con. Hàng ngày, số heo xuất bán từ 600 - 800 con, chiếm khoảng 70% thị trường. Với 145.000 con heo, mỗi năm bình quân 2 lứa, mỗi ngày các trại gia công của CP Khánh Hòa đáp ứng cho thị trường trong tỉnh khoảng 820 con heo. Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thịt heo tăng gấp đôi so với ngày thường, nhưng thời gian tăng cũng chỉ kéo dài trong khoảng 10 ngày, các trại nuôi sẽ được điều tiết, có thể xuất bán sớm hơn, khi heo đạt trọng lượng 80kg trở lên thay vì 100kg như ngày thường. Điều này nhằm đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung khi nhu cầu tăng cao trong thời gian ngắn. Nói khác đi, CP Khánh Hòa sẽ có các giải pháp nhằm phục vụ đủ nhu cầu của thị trường, kể cả dịp Tết Nguyên đán với nhu cầu tăng gấp đôi.


Đối với công tác phòng dịch, các trang trại quy mô lớn đang tập trung áp dụng hàng loạt giải pháp nhằm không để cho ASF có thể xâm nhiễm. “Ở các trại nuôi, hoạt động ra vào trại đang bị nghiêm cấm. Khi phương tiện, cán bộ của CP thực sự cần thiết mới vào trại, và phải áp dụng tất cả các biện pháp an toàn nghiêm ngặt. Ngoài ra, với quy trình hoàn toàn khép kín từ con giống, thức ăn, quy trình nuôi cho đến xuất bán ra thị trường, hoạt động chăn nuôi theo hình thức gia công đang đảm bảo an toàn sinh học tốt hơn so với hình thức nông hộ. Tuy vậy, với tính chất dễ lây lan, chúng tôi cũng đang nỗ lực hết sức để bảo vệ đàn heo”, ông Lâm cho biết.


Có thể nói, tình hình ASF đang diễn biến phức tạp và có dấu hiệu tăng mạnh ở khu vực chăn nuôi nông hộ trong tháng 9 đang tác động xấu đến tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi ở khu vực này không chiếm tỷ trọng quá lớn, do đó mức độ ảnh hưởng đến thị trường không cao. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay, là bên cạnh công tác xử lý dịch bệnh ở những hộ nuôi đã bị xâm nhiễm, hoạt động bảo vệ hệ thống chăn nuôi trang trại, trại gia công quy mô lớn đang là nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương trước sự uy hiếp của ASF.


Hồng Đăng - Văn Giang