11:10, 01/10/2019

Để không còn người lang thang, xin ăn

Đề án Thực hiện mục tiêu không có người lang thang, xin ăn trên địa bàn TP. Nha Trang giai đoạn 2015 - 2020 đã làm giảm đáng kể tình trạng này. Thế nhưng, bên cạnh những phận đời đáng thương, biến tướng phức tạp, để giải quyết triệt để vấn đề này còn là câu chuyện dài.
 

Đề án Thực hiện mục tiêu không có người lang thang, xin ăn trên địa bàn TP. Nha Trang giai đoạn 2015 - 2020 đã làm giảm đáng kể tình trạng này. Thế nhưng, bên cạnh những phận đời đáng thương, biến tướng phức tạp, để giải quyết triệt để vấn đề này còn là câu chuyện dài.
 

Phận đời đáng thương

Một chiều cuối tháng, chừng 30 phút sau cuộc điện thoại thông báo, chiếc ô tô của Đội chuyên trách tập trung người lang thang xin ăn TP. Nha Trang (Đội 524) tới Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (viết tắt là trung tâm). Từ trên xe bước xuống là hai chị em sinh đôi (31 tuổi, cùng họ tên viết tắt N.T.N.L) không manh áo, thân mình đen cháy, lấm lem đất cát, da lột loang lổ từng mảng. Cuộc trò chuyện ban đầu khó không kém khi các nhân viên năn nỉ 2 chị em mặc áo:

 

- Các chị nên mặc áo vào, để trần không tiện, ảnh hưởng đến sức khỏe...


- Tụi em ở trần quen rồi, mặc không được... Tụi em ngủ trên bãi cát, chả cần mền. Mưa có sao? Chúng em đâu có làm gì sai mà bắt chúng em?


- Dạ không, các chị được đưa vào đây để chăm sóc, chờ gia đình đón về thôi. Do các chị lang thang đi xin tiền làm ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố du lịch...


- Chúng em không xin tiền, chỉ xin đồ ăn.


- ... Xin các chị cho biết sau này khi ra khỏi trung tâm các chị muốn về đâu?


- (Trầm giọng) Chị muốn em về đâu?


- Chúng em hỏi chỉ để biết hướng giúp đỡ thôi.

 

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh trò chuyện với ông V.H.L.

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh trò chuyện với ông V.H.L.

 

Cuộc đời 2 chị em L. (được xác định có vấn đề về thần kinh) chỉ hé mở khi trung tâm tìm được gia đình họ. Nghe các nhân viên kể lại tình trạng lúc mới tiếp nhận, người thân ôm 2 chị em khóc như mưa. Người chị còn chút tỉnh táo, ôm cha khóc, còn người em không biểu cảm. Qua điện thoại, người mẹ cũng khóc rưng rức!. Người cha cho biết, gia đình họ ở tỉnh Ninh Thuận. Con út bị hỏng mắt. Còn chị em L., tốt nghiệp đại học, đi làm một thời gian thì lần lượt phát bệnh. Mấy lần, hai chị em bỏ nhà đi lang thang. Lần này, cả hai bỏ đi, gia đình kiếm gần 1 năm chưa thấy.

 

Ngày vào trung tâm, bà L.T.G. (Ninh Thuận) mặc nguyên bộ áo mưa và không chịu nói chuyện. Bà bắt đầu đi lượm nhôm nhựa, sống lăn lóc trên phố sau khi trong nhà xảy ra nhiều biến cố: Chồng qua đời, đìa tôm nuôi thua lỗ hàng trăm triệu đồng, 2 con trai vào tù vì cá độ đá gà... Đến giờ, bà đã vui vẻ lại. Sau bữa cơm chiều, bà thường say sưa hát cải lương. Cười rõ tươi, bà G. khẳng định: “Đi xin là bôi bác xã hội!. Ở trung tâm thích hơn, vui hơn nhiều!”. Ngồi trên xe lăn, ôm chiếc radio được người bà con mua cho, ông V.H.L. (60 tuổi, TP. Nha Trang) hồ hởi khoe: “Có thêm cái đài nghe tin tức, sống ở đây là nhất!”. Ông lắc đầu, nói không muốn đi xin ăn, dãi dầu mưa nắng ở chợ Đầm như xưa.


Mấy năm trước, chị V.T.T (thị xã Ninh Hòa) được trung tâm tiếp nhận khi rơi vào cảnh khánh kiệt sau nhiều ngày ngược xuôi chữa bệnh cho chồng mà không được. Một mình nuôi 2 con, nội ngoại khó khăn, chẳng biết bấu víu vào đâu, chị đành ẵm đứa nhỏ vừa đầy năm, bắt xe buýt vào Nha Trang đánh liều xin ăn. Cứ nói đến chuyện xưa, chị T. lại thể hiện sự xấu hổ và bế tắc. Nghe cán bộ trung tâm phân tích, hiện nay, chị đã về quê đi nhổ đậu thuê, giao bánh tráng thuê, thu nhập chỉ tạm qua bữa, nhưng chị bảo sẽ không đi xin ăn nữa.

 

Bà L.T.G. ngậm ngùi nhớ lại những ngày lang thang lượm ve chai.

Bà L.T.G. ngậm ngùi nhớ lại những ngày lang thang lượm ve chai.

 

Diễn biến phức tạp


Nhưng đằng sau những bước chân lang thang, xin ăn ấy cũng còn nhiều chuyện phức tạp.

 

Ngày 6-9, 2 chú cháu L.V.T (40 tuổi) và C.V.T. (11 tuổi, dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên) xin ăn ở ngã ba Vân Đồn - Lê Hồng Phong được đưa về trung tâm. Anh T. bị cụt một cánh tay, hư một con mắt, mắt còn lại mờ. Anh được một người tên Tôn ra tận quê rủ vào Nha Trang bán hàng. Anh được cho ở phòng trọ và được giao rổ tăm bông, sáng sáng chờ xe thồ tới chở “đi làm”, khi mặt trời đứng bóng có người mang cơm cho, tối được chở về. Dẫu rổ tăm bông chẳng vơi bao nhiêu nhưng mỗi ngày, hai chú cháu vẫn thu khoảng 300.000 đồng, bởi người dân thương cho tiền. Số tiền đó, Tôn lấy một nửa.


Ngày 10-9, sau 1 ngày theo dõi, lực lượng chức năng bắt quả tang một đối tượng vừa chở cụ ông L.V.K (71 tuổi, tỉnh Điện Biên) thả xuống khu vực phường Lộc Thọ để xin ăn. Làm việc ban đầu tại phường, đối tượng chở cụ ông khai người Thanh Hóa, vờ xin về lấy giấy tờ, rồi trốn biệt.


Ông Phan Gia Trang - Đội phó Đội 524 nhớ lại, mấy năm trước, ở khu vực Cầu Dứa, vào chiều tan tầm, có một thanh niên cụt chân người Phú Yên ngồi xin ăn. Thấy Đội 524 định cho về tập trung, ban đầu người dân còn ngăn cản. Chỉ khi ông Trang yêu cầu xé ống quần anh thanh niên, thấy chân được bó lại giả cụt, rồi anh này đứng lên đi như thường, người dân mới giãn ra. Lại có lần, thấy Đội 524 tới, nhóm trẻ xin tiền lập tức rút tập vé số, giả bán hàng. Tuy thấy ngày tháng trên vé số đã cũ, nhưng đội cũng chỉ có thể nhắc nhở, dù biết khi họ đi, mấy đứa trẻ lại xin tiền tiếp. Có khi đội bắt quả tang người đang xin tiền, nhưng chuẩn bị đưa về thì có người tự nhận là người thân, “tình cờ” đi qua, rồi năn nỉ xin người…

 

Câu chuyện dài


Năm 2015, UBND TP. Nha Trang ban hành Đề án Thực hiện mục tiêu không có người lang thang xin ăn trên địa bàn TP. Nha Trang giai đoạn 2015 - 2020, phấn đấu đến năm 2020, 100% xã, phường trên địa bàn không có người của địa phương lang thang, xin ăn. Đội 524 được thành lập để đi tập trung các đối tượng. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cũng đưa nhiệm vụ này thành một nội dung chấm điểm thi đua.


Theo bà Lê Thị Mai Loan - Trưởng phòng LĐ-TB-XH TP. Nha Trang, đề án đã góp phần hiệu quả giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn ở Nha Trang và nâng cao nhận thức của nhân dân. Đến nay, lượng người lang thang, xin ăn ở khu vực trung tâm, các điểm du lịch giảm đáng kể, riêng đối tượng là người Nha Trang giảm khoảng 80%. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, Đội 524 đã tập trung được 479 đối tượng. Trong khi từ năm 2010 đến 2014, thành phố tập trung gần 1.000 đối tượng. 

 

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh làm thủ tục tiếp nhận  hai chị em sinh đôi N.T.N.L.

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh làm thủ tục tiếp nhận hai chị em sinh đôi N.T.N.L.

 

Tuy vậy, tình trạng lang thang, xin ăn chưa thể giải quyết triệt để, bởi trong số các đối tượng được tập trung gần 4 năm qua, chỉ có 86 người Nha Trang, còn gần 300 người từ tỉnh khác tới. Nhưng, hiện nay chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa TP. Nha Trang với các tỉnh khác. Cơ quan chức năng chỉ tập trung, liên hệ địa phương có đối tượng để gửi về hoặc hỗ trợ mua vé tàu, xe, không thể kiểm soát việc đối tượng quay lại.


Bên cạnh đó, Đội 524 ban đầu được thành lập với 11 người, nhận lương khoán (khoảng 3,5 triệu đồng/tháng) và thưởng lễ, Tết, không tăng lương. Đến nay, đội chỉ còn 4 người. Các địa phương không có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ này. Trong khi đó, đối tượng lang thang, xin ăn ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi như: Giả bán hàng rong; giả bị khuyết tật; la lối “không đi xin, do dân tự nguyện cho”... Một số đối tượng được tập trung nhiều lần bởi họ đã chọn “nghề” xin ăn và biết rõ không bị phạt, bị bắt. Lực lượng chức năng cũng không thể truy đuổi gắt gao bởi sợ phản cảm, thiếu nhân văn. Chính sách hỗ trợ dạy nghề cũng còn nhiều vướng mắc, khó khăn do đối tượng ít mặn mà. Năm ngoái, trung tâm tiếp nhận một trường hợp ở Phú Yên, khi lập biên bản tạm giữ tài sản mới biết trong 3 ngày đi xin, đối tượng được cho hơn 8 triệu đồng. Thực tế, đã có trường hợp được tập trung tới lần thứ 18!.


Để hết người lang thang, xin ăn có lẽ vẫn là câu chuyện dài, cần đến nhiều giải pháp đồng bộ, bởi mục tiêu cuối cùng không chỉ vì một thành phố văn minh, mà còn vì tương lai của các đối tượng yếu thế, cần được chia sẻ. Bà Loan cho biết, sau khi đề án kết thúc, Phòng LĐ-TB-XH sẽ đề nghị gia hạn. Nhưng cần nhất vẫn là sự phối hợp của địa phương trong công tác tuyên truyền; quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; an sinh xã hội và phát hiện, báo tin kịp thời về đối tượng lang thang, xin ăn. Bản thân người dân cũng cần nhận thức lại cách giúp người lang thang, xin ăn; hạn chế cho tiền trực tiếp và nên báo chính quyền để có những giải pháp hỗ trợ căn cơ hơn.


NGUYỄN VŨ - VĂN GIANG