Để đáp ứng nhu cầu xây dựng của hàng loạt công trình trong Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, đã có hàng nghìn công nhân, người lao động từ mọi miền đất nước về đây làm việc. Vì đời sống đi theo công trình, các công nhân chỉ được bố trí sống tạm bợ trong các lán trại, đi kèm với những rủi ro, hiểm nguy…
Để đáp ứng nhu cầu xây dựng của hàng loạt công trình trong Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, đã có hàng nghìn công nhân, người lao động từ mọi miền đất nước về đây làm việc. Vì đời sống đi theo công trình, các công nhân chỉ được bố trí sống tạm bợ trong các lán trại, đi kèm với những rủi ro, hiểm nguy…
Vất vả mưu sinh
Mùa nắng nóng, mới 7 giờ, tại công trình Alma Nha Trang của Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) trời đã nắng chát chúa. Hàng trăm công nhân xây dựng đã vào ca, miệt mài làm việc. Quần áo lao động của họ ướt sũng vì mồ hôi, khuôn mặt ai cũng cháy sạm vì nắng, gió. Anh Nguyễn Mến (quê ở tỉnh Phú Yên), có hơn 1 năm làm việc tại dự án này, chia sẻ: “Tôi làm nghề xây dựng đã hơn 10 năm. Chủ thầu nhận công trình ở đâu thì chúng tôi đi theo làm ở đó, có khi 5, 6 tháng mới về thăm gia đình được vài ngày rồi lại đi. Hơn 1 tháng nay, thời tiết quá nắng nóng, bê tông, sắt thép tỏa nhiệt khiến chúng tôi mất sức rất nhanh. Đã thế, ăn uống đạm bạc, nơi ở là những lán trại bằng tôn được dựng tạm bợ bên ngoài công trình thiếu thốn đủ thứ”.
Bên khu nhà biệt thự đang xây dựng dang dở, hàng chục công nhân đang hì hục cắt, uốn sắt. Khuôn mặt ai nấy đen sạm, lem luốc, mồ hôi nhễ nhại. Để đảm bảo tiến độ công trình, có ngày họ phải làm việc 3 ca. Anh Chamaléa Lâm (huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận) cho biết: “Hàng ngày, chúng tôi phải làm dưới trời nắng gần 10 tiếng, người như bị xông hơi. Còn những ngày mưa gió, ở trên cao, gió lộng, rét run nhưng không được mặc nhiều quần áo vì vướng víu. Còn chuyện xảy ra tai nạn thương tích ở các công trình là thường xuyên. Biết làm nghề này khổ cực, nguy hiểm nhưng vì hoàn cảnh, chúng tôi phải bám nghề mưu sinh”.
Tại hầu hết các công trình xây dựng ở Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đều được các công ty xây dựng ký hợp đồng với nhà đầu tư, rồi ký hợp đồng khoán việc với các chủ thợ. Trung bình ở mỗi công trình dự án ở đây, có khoảng 100 tổ thợ đến từ nhiều vùng, miền khác nhau. Tùy theo vị trí công việc, mỗi công nhân được trả công từ 300.000 đến 450.000 đồng/người/ngày và hầu như những người thợ ở đây không có hợp đồng lao động, không có các chế độ, bảo hiểm.
Sống tạm bợ
Vừa bước vào lán trại của công nhân tại Dự án Melia Cam Ranh, chúng tôi cảm nhận ngay sự bức bí. Không thể tưởng tượng hàng ngày, gần 30 con người có thể sinh sống trong cái lán trại làm tạm bợ bằng tôn mỏng, rộng chừng 15m2. Đã gần chiều tối, nhưng không khí trong lán vẫn hầm hập như lò than. Trong lán, vài tấm ván gỗ cốp-pha được kê làm nơi ngủ nghỉ của công nhân; nơi góc lán, chỉ có vài cái bát, nồi niêu để nấu nướng và những bộ quần áo lao động cũ sờn, bạc màu vì mưa nắng. Khắp các khu lán, dây điện được câu, nối chằng chịt chạy trên mái tôn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập điện. Bên ngoài lán trại, nào là cốt pha, sắt thép, vật liệu xây dựng… được chất chồng khắp nơi.
Sau một ngày làm việc vất vả, hàng trăm công nhân các dự án kéo về các khu lán trại. Một cảnh sinh hoạt tập thể như thời bao cấp diễn ra. Người tắm rửa, giặt giũ, người thì tất bật lo bữa cơm chiều đạm bạc. Ở hầu hết các lán trại công nhân đều không có nhà tắm, nhà vệ sinh nên mọi chuyện được giải quyết kiểu “thiên nhiên”. Đã vậy, ở đây cũng có không ít phụ nữ theo chồng vào làm tại công trình nên phải chịu chung hoàn cảnh.
Anh Hồ Ngọc Ninh (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) tâm sự: “Đời công nhân đi theo công trình cực lắm!. Hiểm nguy không chỉ trên công trường mà ngay cả ở các khu lán trại”. Do có đông người cùng sinh sống trong một khu vực nên môi trường cũng ngày càng ô nhiễm. Mặt khác, vì xa khu dân cư, các công nhân thường mua đồ tích trữ để sử dụng, trong đó có cả… xăng, nên nguy cơ mất an toàn về cháy nổ là rất cao. Nếu không may chập điện, những lán trại bằng gỗ, bằng tôn cộng với sự “trợ giúp”, xăng dầu, quần áo, vật liệu xây dựng sẽ bị thiêu rụi trong chốc lát. Vụ nổ xảy ra vào ngày 16-6 vừa qua tại khu lán trại của công nhân của dự án sân golf ở Cam Ranh làm 2 người chết, 8 người bỏng nặng là kết quả tất yếu của cuộc sống tạm bợ ấy. Đó là hồi chuông cảnh báo về vấn đề mất an toàn tại các khu lán trại công nhân.
Khó quản lý!
Ông Đặng Hồng Ngọc - Trưởng Công an xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm) cho biết, do có một lượng lớn công nhân tập trung về đây đã tạo ra nhiều vấn đề phức tạp trong công tác quản lý của địa phương. Hiện nay, chỉ riêng tại xã Cam Hải Đông có hơn 4.000 công nhân đăng ký tạm trú, sinh sống tại các khu lán trại, nhà trọ dọc phía tây đại lộ Nguyễn Tất Thành. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Nguyên nhân vì một số công nhân chỉ đến làm trong thời gian ngắn, từ vài tuần đến 1, 2 tháng nên bộ phận quản lý của các công ty không làm thủ tục đăng ký, dẫn đến việc quản lý tạm trú trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã hiện có hơn 20 khu lán trại của các công ty dựng lên phục vụ công nhân sinh hoạt, ăn ở, nhưng chỉ có 2 lán trại của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Bình và Công ty Cổ phần Xây dựng Central (TP. Hồ Chí Minh) có bố trí bộ phận đảm bảo an ninh trật tự, còn các lán trại khác đều để công nhân tự quản với nhau. Qua kiểm tra, các lán trại đều không đảm bảo an toàn về điều kiện sống cho công nhân. Chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền cho các đơn vị về đảm bảo an ninh trật tự, đăng ký tạm trú, môi trường, phòng chống cháy nổ cho công nhân. Tuy nhiên, do số lượng công nhân quá lớn, thay đổi liên tục nên việc quản lý còn gặp không ít khó khăn, chưa kể một số doanh nghiệp tìm cách lẩn tránh, chây ì không hợp tác. “Ngoài ra, hiện nay vấn đề phức tạp nhất vẫn là một số đối tượng từ các địa phương khác đến trà trộn rồi trộm cắp tài sản của công nhân và vật liệu xây dựng trong công trường”, ông Ngọc chia sẻ.
Để đáp ứng nhu cầu xây dựng của hàng loạt công trình trong Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, đã có hàng nghìn công nhân, người lao động từ mọi miền đất nước về đây làm việc. Vì đời sống đi theo công trình, các công nhân chỉ được bố trí sống tạm bợ trong các lán trại, đi kèm với những rủi ro, hiểm nguy… |
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hàng năm đơn vị đều thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng ở khu vực Bãi Dài. Tuy nhiên, do việc thanh kiểm tra vẫn không bao quát hết được các doanh nghiệp và các nội dung mà chỉ tập trung vấn đề về an toàn lao động và chính sách lao động. Còn các vấn đề về nơi ăn, ở của công nhân thì rất khó kiểm tra, quản lý. Còn theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, phần lớn những công nhân xây dựng ở Bãi Dài đều là lao động tự do, một số thuộc các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành khác đến làm việc nên không thuộc quản lý của Công đoàn tỉnh. Tuy biết cuộc sống của các công nhân có nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng Công đoàn tỉnh không thể can thiệp, chăm lo, giúp đỡ hoặc kiểm tra, giám sát yêu cầu các doanh nghiệp phải bảo đảm quyền lợi cho công nhân.
Ông Nguyễn Ngọc Loan - Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Bán đảo Cam Ranh cho biết, hiện nay, tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có 26 dự án đang xây dựng với hàng nghìn công nhân làm việc, trong đó có khoảng 70% là lao động trong tỉnh. Đối với những lao động ở xa, đều được các chủ dự án, đơn vị thi công dựng tạm lán trại bên trong khuôn viên dự án để ở. Một số dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện thì có thuê đất phía bên ngoài để làm lán trại cho công nhân. Thời gian qua, ban thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các chủ đầu tư và các đơn vị thi công phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cuộc sống công nhân ở lán trại tạm bợ, tiềm ẩn nhiều mối nguy về bệnh tật, môi trường, phòng chống cháy nổ, trật tự xã hội. Để kiểm soát được vấn đề này, đòi hỏi địa phương, các ngành chức năng phải tăng cường công tác quản lý nhà nước. Đối với các chủ đầu tư, cần yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện nghiêm các quy định; chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần, nơi ăn ở đảm bảo cho các công nhân…
GIANG THÀNH