12:06, 22/06/2019

Làm du lịch miệt vườn

Đến với huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), chắc hẳn không ít người biết đến loại đặc sản trái cây nổi tiếng là xoài. Trong xu thế phát triển du lịch, một số nông dân ở Cam Lâm đang "chập chững" làm du lịch miệt vườn, giúp du khách không chỉ đơn thuần đến và thưởng thức, mà còn để lại những trải nghiệm thú vị.

 

Đến với huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), chắc hẳn không ít người biết đến loại đặc sản trái cây nổi tiếng là xoài. Trong xu thế phát triển du lịch, một số nông dân ở Cam Lâm đang “chập chững” làm du lịch miệt vườn, giúp du khách không chỉ đơn thuần đến và thưởng thức, mà còn để lại những trải nghiệm thú vị.

 

Nhà vườn Sơn Hiển đầu tư khuôn viên, cảnh quan để thu hút du khách.

Nhà vườn Sơn Hiển đầu tư khuôn viên, cảnh quan để thu hút du khách.

 

Những bước đi đầu tiên...

 

Men theo con đường nhỏ bên hông UBND xã Cam Thành Bắc, đi vào chưa đến 1km, chúng tôi đến nhà vườn Sơn Hiển. Thấy người đến chơi, bà chủ vườn Trần Thị Kim Hiển niềm nở chào đón, mời khách thử ngay một dĩa xoài loại 1 của vườn. Giữa nắng ban trưa, được ngồi dưới bóng xoài mát rượi, thử một miếng xoài Úc giòn, ngọt lịm, cảm giác thật sảng khoái!. Tham quan vườn xoài rộng gần 3ha của gia đình, bà chủ vườn xởi lởi kể, trong một dịp đến khu du lịch miệt vườn ở miền Tây, bà thấy người miền Tây làm du lịch rất hay, kết hợp được việc trồng trọt gắn liền du lịch. “Lúc đó, thâm tâm tôi nghĩ, ở Cam Lâm mình cũng có xoài ngon nổi tiếng, tại sao không thử làm du lịch nhà vườn”, bà Hiển bộc bạch.

 

Du khách tham quan nhà vườn Sơn Hiển.

Du khách tham quan nhà vườn Sơn Hiển.


Nghĩ là làm, bà cùng chồng tham khảo ý kiến, học hỏi khắp nơi rồi đầu tư cải tạo lại vườn xoài. Từ một vườn xoài đơn sơ, bà xây thêm đường đi trong khuôn viên vườn, trồng đan xen nhiều loại cây hoa trang trí để khách tha hồ check-in. Để tạo thêm phong phú các loại quả, bà chủ vườn còn trồng thêm mít, chuối, thanh long... phục vụ du khách có nhu cầu. Không thiết kế, cũng chẳng phải người làm du lịch chuyên nghiệp, sau một năm, dưới bàn tay và công sức của vợ chồng bà Hiển, nhà vườn Sơn Hiển đã trở thành một nơi dừng chân thu hút nhiều người đến. Vì chưa hoàn thiện, bà chưa đón khách nhiều, ấy vậy mà người đến trước kháo lại người đến sau, nhiều gia đình, đoàn khách lẻ cứ tự tìm đến tham quan vườn, rồi lại được tự tay hái những trái xoài mình muốn...

 

Với trải nghiệm hái xoài tại vườn, mô hình du lịch nhà vườn hứa hẹn nhiều kỳ vọng phát triển.

Với trải nghiệm hái xoài tại vườn, mô hình du lịch nhà vườn hứa hẹn nhiều kỳ vọng phát triển.


Nằm trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Suối Tân, điểm dừng chân Nhà Xoài của ông Nguyễn Kim Hoan là điểm dừng chân kết hợp tham quan vườn xoài đầu tiên ở huyện. Ban đầu, ý tưởng đơn thuần chỉ là một điểm dừng chân cho xe khách, nhưng cũng như bà Hiển, ông Hoan bắt đầu cải tạo khuôn viên vườn, đầu tư chăm sóc cây xoài để khách đến có thể trải nghiệm hái xoài và mua ngay tại vườn. Không chỉ vậy, Nhà Xoài còn có những sản phẩm chế biến khác từ xoài như: bánh xoài, xoài sấy dẻo để khách có thể mua về làm quà.


Kỳ vọng phát triển


Những mô hình du lịch nghe có phần đơn giản của những người nông dân đi đầu, nhưng hóa ra, lại mang kỳ vọng phát triển mới cho mô hình du lịch nhà vườn. Vừa vãn khách, ngồi chia sẻ với chúng tôi, ông Hoan cho biết, Nhà Xoài chỉ vừa hoạt động được 6 tháng, nhưng đến nay đã có khách ổn định và còn tiếp tục tăng. Khách đến Nhà Xoài không chỉ vì đồ ăn, thức uống đơn thuần của một điểm dừng chân mà còn vì sức hút thú vị của trải nghiệm tham quan vườn xoài, mua được những đặc sản địa phương. Ngày đông khách, ông Hoan bán được 1 tạ xoài chế biến. Nhờ đó, ông có điều kiện thu mua, tiêu thụ giúp người dân trồng xoài ở Suối Tân và những xã lân cận. Trung bình mỗi tháng, ông thu mua từ 5 đến 6 tấn xoài để chế biến và bán cho du khách.

Còn ở nhà vườn Sơn Hiển, dù chưa hoạt động, bà chủ vườn cũng đã nhận được nhiều góp ý để hoàn thiện mô hình, kết nối tour khách đến thăm quan. Bà Hiển cho biết: “Tôi đang nghiên cứu để điều chỉnh vụ xoài, phải có trái đều đặn mới liên tục có khách. Bên cạnh đó, gia đình cũng sẽ đầu tư một bãi đỗ xe khách để các tour khách đến thuận tiện hơn”, bà Hiển chia sẻ.


Định hướng phát triển bền vững

 

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch:
Vừa qua, Sở Du lịch đã tiến hành khảo sát mô hình du lịch nhà vườn ở Cam Lâm, đây là một mô hình mới, kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch. Nếu phát triển tốt, sẽ giúp đa dạng hóa loại hình du lịch của tỉnh. Qua đánh giá ban đầu, mô hình này cần từng bước chuyên nghiệp hóa bằng việc đầu tư thêm về cơ sở vật chất phục vụ khách, cảnh quan, chất lượng dịch vụ, khu chế biến sản phẩm... Từ đó, sẽ dễ dàng kết nối với các đơn vị lữ hành giúp tăng lượng khách. Hiện nay, Sở Du lịch đang phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp về nhu cầu phát triển các loại hình du lịch mới, tham mưu UBND tỉnh để có đề án hỗ trợ phát triển cụ thể hơn.

Thời gian gần đây, huyện Cam Lâm đã có chủ trương phát triển mô hình du lịch nhà vườn, mục tiêu gắn liền loại cây ăn trái đặc sản của huyện với du lịch. Những người nông dân tiên phong trong lĩnh vực này đã mang lại tín hiệu vui ban đầu. Bà Mai Thị Thu Trang - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Lâm cho biết, vừa qua, huyện đã phối hợp cùng Sở Du lịch và các công ty du lịch khảo sát các mô hình du lịch tiềm năng trên địa bàn huyện. Trong đó, loại hình du lịch nhà vườn gắn liền với cây xoài được đánh giá có tiềm năng phát triển.


Tuy nhiên, để câu chuyện du lịch nhà vườn thành công, vẫn còn đó những vấn đề cần giải quyết. Theo bà Trang, điều kiện tiên quyết, người dân cần hướng đến việc phát triển nông nghiệp sạch, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc vi sinh cho cây xoài để giảm tác động đến môi trường, sức khỏe người tiêu dùng. Có vậy, việc quảng bá và phát triển thương hiệu mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân cần giải quyết được yếu tố mùa vụ, điều chỉnh thời điểm thu hoạch để khách đến tham quan có thể được trải nghiệm với cây xoài, trái xoài quanh năm. Để hỗ trợ người dân, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ về mặt truyền thông cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp nhận nhu cầu làm du lịch nhà vườn của người dân từ Hội Những người trồng xoài huyện để có sự hỗ trợ, định hướng phát triển.


“Tiềm năng du lịch nhà vườn ở Cam Lâm có thể nói là rất lớn và chưa được khai thác. Thông qua mô hình du lịch vườn này, thương hiệu xoài Cam Lâm sẽ được truyền thông rộng rãi hơn, giúp người dân không chỉ có nguồn thu từ việc bán xoài mà còn có nguồn thu từ làm du lịch. Với những bước đi đầu của một số nhà vườn với loại hình này, chúng tôi đã và đang hỗ trợ hết sức để phát triển và nhân rộng, để du lịch nhà vườn trở thành một sản phẩm du lịch mới của địa phương”, bà Trang nói.


V.T